Hàng triệu lái xe lợi gì khi các trạm BOT bị... kiểm tra?

Minh Anh |

Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ GTVT và các đơn vị liên quan rà soát lại việc bố trí các trạm thu phí, giá phí trên toàn quốc. Hàng triệu lái xe đã và sẽ được hưởng lợi như thế nào trong thời gian tới?

Tiếp tục rà soát các trạm thu phí, giá phí

Ngày 17/5, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ GTVT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại việc bố trí các trạm thu giá dịch vụ (trạm thu phí) sử dụng đường bộ trên toàn quốc, có phương án giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích của người dân khu vực lân cận các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an và UBND các địa phương có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng có hành vi cố ý gây rối an ninh trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn.

Cùng đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng theo quy định tại quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3 của Thủ tướng Chính phủ.

Các khó khăn, vướng mắc, Bộ GTVT phải đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, một lần nữa, Chính phủ phải ra văn bản chỉ đạo các vấn đề liên quan đến các dự án BOT và trạm thu phí BOT.

Cách đây không lâu, dư luận một số địa phương “nổi sóng” với điệp khúc “không sử dụng đường, cầu BOT” nhưng vẫn phải đóng tiền như ở Hà Tĩnh, Phú Thọ, Hòa Bình...

Bộ GTVT, chủ đầu tư và UBND các địa phương này đã phải ngồi lại với nhau để có phương án cân đối làm thỏa lòng dân.

Trong 5-6 năm trở lại đây, phương thức đầu tư các dự án giao thông theo hình thức BOT được triển khai rầm rộ trên toàn quốc.

Con số do Bộ GTVT công bố cho thấy, giai đoạn 2011 - 2015, Bộ này đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT.

Hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 26 dự án với số tiền đầu tư là 74.806 tỷ đồng, đang triển khai đầu tư 36 dự án với tổng mức đầu tư là 111.854 tỷ đồng.

Số dự án nêu trên một phần đã giúp cải thiện bộ mặt giao thông của Việt Nam.

Theo công bố của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tính khả dụng của hạ tầng giao thông Việt Nam những năm gần đây đứng ở vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010.

Tuy nhiên, các bất cập khi triển khai dự án BOT cũng không nhỏ và Bộ GTVT cùng các Bộ, ngành liên quan đã phải rà soát, xóa bỏ nhiều trạm BOT.

Xóa, rút ngắn thời gian thu phí hàng loạt trạm

Trước các kiến nghị của người dân, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và hàng loạt cơ quan liên quan phải xóa, rút ngắn thời gian thu phí của hàng loạt trạm.

Có thể điểm qua một số trạm thu phí bị xóa bỏ hoặc giảm, miễn thu phí đối với tài xế như trạm thu phí Bến Thủy (Nghệ An), trạm thu phí trên QL6 tỉnh Hòa Bình, xóa trạm thu phí Đại Xuyên (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ)...

Mới đây, sau khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, hàng loạt dự án đã phải điều chỉnh thời gian thu phí.

Về vấn đề các trạm thu phí, Bộ GTVT cho biết, tất cả các hợp đồng BOT đều quy định thời gian thu phí ban đầu chỉ là dự kiến và thời gian thu phí chính thức phải được xác định lại theo giá trị quyết toán công trình phù hợp với các kết luận thanh tra, kiểm toán.

Các trạm được cập nhật về thời gian thu phí khi có biến động về lãi suất, lưu lượng xe so với dự kiến ban đầu.

Nếu dự án đầu tư được lập phù hợp, các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định và quản lý đầu tư tốt thì việc rút ngắn thời gian thu phí là tất yếu và đã được dự liệu trước phương án điều chỉnh trong hợp đồng BOT.

Một số dự án chưa được Kiểm toán nhà nước kiểm toán, Bộ GTVT căn cứ vào giá trị dự toán và đã đàm phán ký hợp đồng điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí như: Dự án QL10 đoạn La Uyên - Tân Đệ được điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí tạm tính ban đầu 21,33 năm xuống còn 10 năm 03 tháng;

Dự án cầu Rạch Miễu, QL60, tỉnh Bến Tre được điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí tạm tính ban đầu 22 năm 10 tháng xuống còn 13 năm 05 tháng.

Dự án mở rộng QL1A đoạn km1488 - km1525 tỉnh Khánh Hòa giảm 13 năm 1 tháng 12 ngày.

Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn km1793+600 (km734+600) đến km1824+00 (km1765+00), tỉnh Đắk Nông giảm 12 năm 3 tháng 22 ngày;

Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, Q.9 (Tổng công ty Ximăng Việt Nam) giảm 11 năm;

Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài (km921+025 - km926+331), tỉnh Bình Phước giảm 7 năm 9 tháng 21 ngày...

Với việc các trạm thu phí bị xóa bỏ và giảm thời gian tồn tại, hàng triệu lượt xe sẽ sớm được thoát cảnh phải oằn lưng đóng tiền triệu khi lăn bánh trên đường.

Giá các dịch vụ bao gồm vận tải hành khách, vận tải hàng hóa và nhiều dịch vụ, hàng hóa khác sẽ có cơ hội giảm.

Theo Bộ GTVT, tính riêng các công trình do Bộ này quản lý có nhu cầu đầu tư đến năm 2020 khoảng 1.039 nghìn tỷ trong khi ngân sách chỉ cân đối được khoảng 11%.

Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án PPP (đối tác công - tư) trong từng lĩnh vực, trong đó tập trung ưu tiên kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP có hỗ trợ của Nhà nước với các dự án đường cao tốc có chiều dài khoảng 751km, nâng cấp các tuyến quốc lộ hiện có, đầu tư đồng thời tuyến cũ và tuyến mới...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại