Xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức sắp được chuyển giao cho Ukraine. (Ảnh: Global Look Press)
Chính phủ Đức sẽ sớm đưa ra quyết định về thời gian chuyển 100 xe chiến đấu bộ binh Marder cho Ukraine, theo Reuters. Đây có thể là lô đầu tiên trong nhóm vũ khí hạng nặng được Berlin cung cấp cho Kiev.
Hoạt động cung cấp vũ khí hạng nặng của Đức cho Ukraine bị trì hoãn trong thời gian qua là do sự thiếu quyết đoán của chính phủ và những rắc rối liên quan tới pháp lý.
Reuters dẫn nguồn tin trong ngành quốc phòng Đức hôm 25/4 cho hay, nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall đã đề nghị chính phủ Đức phê chuẩn xuất khẩu các xe chiến đấu bộ binh Marder cho Ukraine. Một nguồn tin khác cho biết quyết định cuối cùng sẽ sớm được chính phủ Đức công bố.
Nguồn tin của Reuters cho biết thêm được thiết kế vào thập niên 60 và được quân đội Đức sử dụng kể từ năm 1971, các xe Marder sẽ cần được tân trang trước khi chuyển giao cho Ukraine.
Hồi đầu tháng Tư, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh Berlin sẽ chỉ chuyển các loại vũ khí “chính xác và hợp lý” cho Kiev, và không có kế hoạch gửi các vũ khí “tấn công” như xe tăng, dù chính phủ Ukraine đã nhiều lần lên tiếng đề nghị.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock lại hối thúc phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev, và dường như muốn chỉ trích Thủ tướng Scholz qua tuyên bố nhấn mạnh, “giờ không phải là lúc đưa ra lời bào chữa”.
Ông Scholz là người cuối cùng đưa ra quyết định về thỏa thuận chuyển vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, ông Scholz từ chối nói về việc chấp thuận hay từ chối thỏa thuận này.
Vấn đề càng phức tạp hơn khi Ban Thư ký về các vấn đề kinh tế của Thụy Sĩ (SECO) đã có nỗ lực ngăn cản Đức chuyển giao xe chiến đấu bộ binh Marder cho Ukraine. Nguyên nhân là do đạn mà xe Marder sử dụng do Thụy Sĩ sản xuất. Do đó, quyết định xuất khẩu xe Marder của Đức cần có sự đồng thuận từ phía Thụy Sĩ, theo tờ Sonntags Zeitung.
Trong khi đó, Thụy Sĩ có quy định hạn chế tái xuất khẩu vũ khí đến các vùng xung đột. Thụy Sĩ vốn là một quốc gia trung lập. Quốc gia này đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga liên quan tới cuộc chiến Ukraine. Song Thụy Sĩ khẳng định do là nước trung lập, quốc gia này sẽ không đưa vũ khí đến các vùng xung đột.
“SECO đã nhận được 2 yêu cầu từ Đức về việc chuyển giao cho Ukraine số đạn dược trước đây nhập từ Thụy Sĩ. Cả 2 yêu cầu của Đức đều đã bị từ chối do tính trung lập của Thụy Sĩ”, SECO nhấn mạnh.
Dù quá trình chuyển giao xe chiến đấu bộ binh Marder bị trì hoãn, nhưng Đức đã cho thay đổi chính sách không cung cấp vũ khí tới vùng chiến sự vốn được thi hành hàng chục năm qua để mở đường chuyển giao hàng nghìn vũ khí chống tăng cho Ukraine, và tăng mức chi tiêu quốc phòng.
Trong khi những người ủng hộ Kiev chỉ trích số vũ khí mà Berlin cung cấp cho Kiev chưa phù hợp, một nhóm chính trị gia hàng đầu và nhân vật nổi tiếng của Đức đã gửi thư cho chính phủ vào ngày 23/4, đồng thời hối thúc Berlin hủy bỏ toàn bộ hoạt động vận chuyển vũ khí cho Ukraine.
“Hành động chuyển giao vũ khí của nước ngoài đang làm kéo dài thêm cuộc chiến đẫm máu ở Ukraine, và Ukraine có rất ít cơ hội giành chiến thắng”, bức thư viết.
Cũng trong ngày 25/4, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói trước Quốc hội rằng London sẽ chuyển cho Ukraine “số lượng ít” xe bọc thép để phóng các tên lửa phòng không Starstreak. Ông Wallace tiết lộ nhân sự ở Ukraine đã tới thăm khu vực huấn luyện quân sự của Anh trước khi chọn ra xe bọc thép được chuyển giao.
“Chúng tôi sẽ chuyển món quà nhỏ là xe bọc thép trang bị ống phóng sử dụng tên lửa phòng không Starstreak”, RT dẫn lời ông Wallace.
Xe bọc thép Stormer phóng tên lửa phòng không Starstreak trong đợt tập trận. (Ảnh: Wikipedia)
Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Boris Johnson đã cam kết chuyển cho Ukraine tên lửa Starstreak nằm trong gói hỗ trợ quân sự trị giá 100 triệu bảng Anh (130 triệu USD).
Theo Bộ trưởng Wallace, các xe bọc thép sẽ “giúp quân đội Ukraine tăng cường năng lực phòng không tầm ngắn cả ngày và đêm”. Cũng theo ông Wallace, phái đoàn chính phủ Ukraine đã tới thăm trường huấn luyện Salisbury Plain của Anh trước khi gói hỗ trợ vũ khí được Thủ tướng Johnson công bố.
Trước đây, giới chức Anh thừa nhận binh sĩ Ukraine đã được đào tạo ở thao trường Salisbury Plain. Còn theo tờ The Sun, dường như Ukraine sẽ nhận được các xe bọc thép Stormer từ Anh.
Stormer được hãng Alvis Vickers sản xuất lần đầu tiên vào thập niên 70 và hiện tại do BAE Systems đảm nhận. Xe có thể mang theo nhiều loại ống phóng tên lửa, pháo và súng cannon.
Các xe bọc thép Stormer chuyển cho Ukraine sẽ phóng tên lửa Starstreak. Đây là loại tên lửa phòng không được ví như Stinger của Mỹ, hoặc IGLA của Nga. Hiện chưa rõ Anh đã chuyển bao nhiêu tên lửa và ống phóng cho Ukraine.
Ngoài gói vũ khí trị giá hàng triệu USD, chính phủ Anh cũng đã chuyển hàng nghìn tên lửa chống tăng cho Ukraine.
Hôm 25/4, Mỹ cũng cam kết hỗ trợ quân sự thêm 713 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng giá trị khoản hỗ trợ của Washington cho Kiev lên gần 4 tỉ USD kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2.
Đáng nói, Nga đã vài lần tuyên bố phá hủy các kho vũ khí mà phương Tây trang bị cho Ukraine. Gần đây nhất, hôm 23/4, phát ngôn viên quân đội Nga Thiếu tướng Igor Konashenkov cho hay “các tên lửa tầm xa có độ chính xác cao” đã đánh trúng một kho hậu cần ở gần Odessa, nơi “số lượng lớn vũ khí nước ngoài được gửi từ Mỹ và các nước châu Âu được cất giữ”. Nhưng phía Ukraine lại cáo buộc Nga tấn công vào dân thường.
Trước đây, Moscow còn cảnh báo rằng các phái đoàn quân sự và kho vũ khí của nước ngoài có mặt ở Ukraine đều bị xem là “mục tiêu chính đáng” bị tấn công.