Kênh CNN cho biết Mỹ rơi vào đối đầu với Trung Quốc và Nga, đàm phán về việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015 thêm trở ngại khi nhà máy hạt nhân của Iran bị tấn công bất ngờ, Triều Tiên quay trở lại thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, Tổng thống Biden dự kiến rút binh sĩ khỏi Afghanistan vào ngày 11/9 nhưng các chuyên gia cảnh báo Taliban có thể tác động làm suy yếu chính quyền tại Kabul được Mỹ ủng hộ.
Cách xử lý của ông Biden trước các tình huống này sẽ giúp định hình di sản trong nhiệm kỳ của ông. Tổng thống Mỹ từng công khai mục tiêu của ông là đánh bại dịch COVID-19, hồi sinh kinh tế và hình thành chính sách đối ngoại xoay quanh nhu cầu của người lao động Mỹ.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ ngày 13/4 đưa ra báo cáo trong đó nêu tên 4 quốc gia là thách thức an ninh chính của Washington trong những năm tới là Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên.
Ngày 11/4, Iran tuyên bố nhà máy hạt nhân Natanz bị "tấn công khủng bố" sau khi xảy ra mất điện ở cơ sở này. Truyền thông Israel dẫn nguồn giấu tên cho biết cơ quan tình báo Mossad của nước này đứng sau vụ tấn công. Tờ The New York Times (Mỹ) cũng dẫn nguồn giấu tên nhận định “có vai trò Israel” trong vụ việc. Israel chưa phản hồi về cáo buộc này.
Vụ việc xảy ra ở thời điểm quan chức Mỹ và Iran đối thoại gián tiếp tại Vienna (Áo) nhằm thiết lập lộ trình “tuân thủ song phương” để hai bên cùng quay trở lại Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Trong trường hợp Tel Aviv thực sự đứng sau vụ tấn công, Tổng thống Biden có thể đối mặt với xích mích nhỏ mới với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Vụ tấn công nhà máy hạt nhân Natanz được cho sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc đàm phán Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ảnh: AP
Về phần Trung Quốc, nước này đang đẩy mạnh hoạt động quân sự, bên cạnh đó tạo thêm tầm ảnh hưởng qua sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Cuộc gặp giữa đại diện cấp cao Mỹ và Trung Quốc trong hội nghị kéo dài hai ngày tại Alaska bế mạc hôm 19/3 đã thể hiện thông điệp rõ ràng từ Washington tới Bắc Kinh rằng Tổng thống Biden không dễ “bị bắt nạt”. Đây là cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc kể từ khi ông Biden đảm nhận chức Tổng thống. Tại sự kiện này, trước hàng loạt ống kính truyền thông thế giới, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thẳng thắn nói rằng hành động của Trung Quốc “đe dọa trật tự dựa trên quy tắc để duy trì ổn định toàn cầu”.
Trong tháng 3, Tổng thống Mỹ Biden cũng nhận định rằng Trung Quốc mang tham vọng “trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới, quốc gia giàu nhất thế giới và đất nước hùng mạnh nhất thế giới”. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh: “Điều này sẽ không xảy ra dưới sự giám sát của tôi”.
Không chỉ Trung Quốc, Triều Tiên là một quốc gia khác tại Đông Bắc Á khiến Mỹ phải để mắt. Tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 8 tổ chức vào tháng 1, Bình Nhưỡng nhấn mạnh cam kết phát triển “vũ khí chiến lược” để chuẩn bị cho đối đầu dài hạn với Mỹ. Cơ quan tình báo Hàn Quốc đánh giá tên lửa mới Triều Tiên thử nghiệm trong tháng 3 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.
Bình Nhưỡng đã khước từ đề nghị đối thoại từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhấn mạnh rằng Washington trước tiên cần loại bỏ chính sách thù địch. Theo các chuyên gia, ngoại giao và đàm phán là phương hướng thực tế nhất để giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân Triều Tiên. Điều này không đồng nghĩa với việc gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt mà có thể là áp dụng tiến trình ngoại giao bền vững bao gồm đối thoại cấp cao, theo từng bước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây ký ban hành luật tạo điều kiện để ông tái tranh cử. Diễn biến này mở đường cho khả năng ông Putin tiếp tục lãnh đạo nước Nga thêm nhiều thời gian và thực hiện mục tiêu khôi phục vị trí mà Điện Kremlin đã để mất sau khi Liên Xô tan rã.
Các chuyên gia nhận định quyết định của Tổng thống Biden rút quân khỏi Afghanistan dường như là một chính sách đối ngoại chịu tác động bởi đối nội. Mỹ và Taliban ký thỏa thuận tháng 2/2020. Theo thỏa thuận này, Mỹ cam kết rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan vào giữa năm 2021, trong khi Taliban đưa ra các đảm bảo an ninh và tiến hành hòa đàm với chính quyền Kabul.
Mỹ hiện có 2.500 binh sĩ đồn trú tại Afghanistan. Taliban sẽ phải tuân thủ những cam kết nhất định trước khi Mỹ rút quân. Nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo rằng nếu Mỹ đưa quân ra khỏi Afghanistan mà không có một thỏa thuận hòa bình đi kèm với Taliban thì có nguy cơ nội chiến sẽ xảy ra tại quốc gia này.