Hàng loạt cặp vợ chồng người H'Mông trắng tay vì bị gạ đầu tư tiền ảo: "Chỉ cần đi bộ lên nương rẫy là có tiền"

PV |

Mặc dù không am hiểu về công nghệ, tài chính, thậm chí nhiều người không biết chữ, vốn chỉ quen lên nương, làm rẫy nhưng nhưng vì những chiêu trò lừa đảo tinh vi, họ đã bỏ ra hàng triệu đồng để tìm cơ hội sinh lời.

Từ năm 2019, thông qua mạng xã hội Facebook, YouTube, một số người dân tộc Mông (chủ yếu là các cặp vợ chồng) ở các bản Pha Đén, bản Pá Búa, xã Trung Lý, Tam Chung, Thanh Hóa đã bị lôi kéo vào các mô hình đầu tư tiền ảo.

Đáng nói, mặc dù không am hiểu về công nghệ, tài chính, thậm chí nhiều người không biết chữ, vốn chỉ quen lên nương, làm rẫy nhưng nhưng vì những chiêu trò lừa đảo tinh vi, họ đã bỏ ra hàng triệu đồng để tìm cơ hội sinh lời.

Theo tìm hiểu của Doanh nhân Việt Nam, những người phụ nữ H’Mông ở đây truyền tai nhau về mức độ sinh lời của một đồng tiền ảo có tên TRON (TRX) với tỉ lệ sinh lời cao chót vót. Đặc biệt, các đối tượng cầm đầu còn hứa hẹn rằng hàng ngày, chẳng làm gì, chỉ cần đi lại, lên nương, tiền cũng đẻ ra tiền. Tiền sinh lời theo từng bước chân lên nương, làm rẫy, tỉa ngô của người phụ nữ H’Mông.

Sau một thời gian tuyên bố lợi nhuận lên tới 300% khiến nhiều người cảnh giác thì mô hình này đã thay đổi bằng cách hạ mức lãi suất xuống thấp hơn nhiều so với các dự án khác, chú trọng phát triển cộng đồng, viết app, nhận thưởng với những hệ thống thưởng lạ lùng: đi bộ nhận tiền.

Bên cạnh đó, những người đứng đầu tổ chức này cũng thu phí tham gia lên tới hàng trăm USD, với hứa hẹn khi đóng mức phí này người chơi mới có cơ hội nhân tài khoản của mình lên tới 33 lần. Đồng thời, tương tự như nhiều dự án theo mô hình đa cấp biến tướng khác, người tham gia phải mời gọi thêm người chơi mới để hưởng hoa hồng 3-5%.

Hàng loạt cặp vợ chồng người HMông trắng tay vì bị gạ đầu tư tiền ảo: Chỉ cần đi bộ lên nương rẫy là có tiền - Ảnh 1.

Đồng bào Mông ở Mường Lát tham gia đa cấp. Ảnh minh họa Internet

Ngoài tiền ảo TRON, nhiều người dân tộc Mông tại Mường Lát còn bị lôi kéo vào một dự án khác có tên Vitae. Theo nguồn tin từ báo Thanh Tra, mỗi người tham gia Vitae đóng từ 5-6 triệu đồng với lời hứa được trả lương hàng tháng dựa trên lợi nhuận của Công ty Vitae và khi giới thiệu người mới tham gia, đến cuối năm 2021 mỗi người sẽ được nhận tổng số tiền từ 100 - 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi tham gia một thời gian, một số đối tượng tuyên truyền đến từ tỉnh Điện Biên tuyên bố công ty Vitae phá sản nên những người tham gia bị mất số tiền đã nộp, gây tâm lý mâu thuẫn giữa những người tham gia vì người trước lôi kéo người sau (chủ yếu là người thân, họ hàng với nhau).

Đến ngày 4/10/2021, thông tin từ Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, đã có kết quả kiểm tra, xác minh làm rõ một bộ phận người Mông trên địa bàn huyện vùng cao Mường Lát tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp liên quan nước ngoài.

Theo đó, có 35 người Mông, chủ yếu là phụ nữ đã tham gia đầu tư đồng tiền ảo TRON (TRX) trên mạng internet. Các nhóm trên tham gia theo cùng một đối tượng đứng đầu là Kouher Koukham (ở thành phố Viêng Chăn, Lào).

Cách thức vận hành của hình thức này là mỗi người tham gia đóng 1 khoản tiền dao động từ 1-2 triệu đồng, tùy thuộc vào tỷ lệ quy đổi giữa tiền Việt Nam đồng và đồng tiền ảo để mua được 510 TRX; sau khi đóng tiền, người tham gia sẽ lập 1 ví tiền ảo Klever với mã số riêng, khi người tham gia lôi kéo được người khác sẽ được hưởng phần trăm hoa hồng từ người sau đóng góp theo hình thức đa cấp dạng bậc thang, số tiền hoa hồng này sẽ được chuyển về ví điện tử của người tham gia.

Đáng chú ý nếu người tham gia không giới thiệu được người khác cùng chơi theo sẽ mất số tiền đóng ban đầu.

Trong khi đó, có 42 người người dân tộc Mông tham gia đầu tư thông qua Công ty Vitae, chủ yếu là các cặp vợ chồng ở các bản Pha Đén (xã Pù Nhi) và Pa Búa (xã Trung Lý). Hoạt động này xâm nhập vào địa bàn từ năm 2019 do một số đối tượng ở tỉnh Điện Biên tuyên truyền trên mạng xã hội.

Hàng loạt cặp vợ chồng người HMông trắng tay vì bị gạ đầu tư tiền ảo: Chỉ cần đi bộ lên nương rẫy là có tiền - Ảnh 2.

Được biết, trước đó, cơ quan chức năng đã cảnh báo về mô hình hoạt động của Vitae.

“Dùng Facebook bạn không có tiền nhưng dùng Vitae bạn sẽ kiếm được nhiều tiền”, “thu nhập thụ động từ 28.000 USD/tháng”, “ma trận quyền lực 3x8” - đây chỉ là 3 trong số rất nhiều lời quảng cáo của Vitae.

Để gia nhập và kiếm tiền, người dùng cần đặt cọc 200 USD để đăng ký tài khoản và giữ chỗ trên website Vitae.co. Sau đó, muốn có thu nhập thì phải tiếp tục phát triển hệ thống theo sơ đồ ma trận do chính Vitae vẽ ra như “ma trận 3x8”, “ma trận 5x5”, “ma trận 2x10”.

Nếu không mời gọi được người khác vào thì người dùng có thể tự mua vị trí để lấp đầy ma trận với giá 0,6 USD/vị trí. Sau đó, người dùng không làm gì mà vẫn sẽ có thu nhập thụ động hàng tháng.

Với ma trận 2x10, người tham gia sẽ thu về tối đa 9.350 USD/tháng. Con số này sẽ tăng lên đến 28.000 USD/tháng với ma trận 3x3. Đặc biệt, khi thực hiện theo sơ đồ 5x5, thu nhập sẽ là vô tận. Một người dẫn dắt khẳng định rằng tiền về tính theo giây, cả khi đi ngủ.

Một người dẫn dắt khác của Vitae cho biết họ chỉ giữ lại 10% doanh thu quảng cáo, còn 90% dùng để trả cho users.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của VTV, website Vitae.co chỉ có chưa đến 200.000 lượt truy cập mỗi tháng. Nếu tính đơn giá quảng cáo như Youtube thì với số lượng truy cập khiêm tốn như trên, trang Vitae chỉ thu về tối đa được khoảng 10 triệu đồng tiền quảng cáo mỗi tháng. Đơn vị này cũng không có bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại