Hàn – Nhật leo thang chưa từng có: Đòn giáng mạnh vào liên minh Mỹ tại châu Á

Quý Hoàng |

Hàn Quốc hôm thứ Năm tuyên bố sẽ hủy bỏ một hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản.

Động thái này nhanh chóng dấy lên sự phản đối từ Tokyo và làm nghiêm trọng thêm bất đồng về lịch sử kéo dài hàng thập kỷ nay. Căng thẳng này cũng đã lan sang vấn đề thương mại và hợp tác an ninh về Triều Tiên.

Quyết định của Seoul, không gia hạn Thỏa thuận An ninh chung về thông tin quân sự (GSOMIA) cho thấy tranh chấp chính trị và thương mại giữa hai nước láng giềng châu Á và cũng là đồng minh của Hoa Kỳ đang ảnh hưởng đến một số vấn đề an ninh nhạy cảm nhất trong khu vực. GSOMIA vốn được thiết lập để chia sẻ thông tin về mối đe dọa do Triều Tiên gây ra và các hoạt động tên lửa và hạt nhân của nước này – điều được nhấn mạnh bởi các vụ phóng tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng.

Leo thang Hàn – Nhật lan rộng

Phó Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim You-geun cho biết Nhật Bản đã tạo ra "một sự thay đổi nghiêm trọng" về môi trường hợp tác an ninh song phương bằng cách loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách ưu tiên thương mại trong tháng này.

"Trong tình huống này, chúng tôi đã xác định rằng việc uy trì một thỏa thuận mà chúng tôi đã ký nhằm mục đích trao đổi thông tin quân sự nhạy cảm về an ninh không còn phục vụ lợi ích quốc gia của chúng tôi", ông Kim nói trong một cuộc họp báo.

Quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bắt đầu xấu đi vào cuối năm ngoái theo sau căng thẳng ngoại giao về việc bồi thường cho những lao động Hàn Quốc bị Nhật Bản ép buộc trong thời chiến.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi Nhật Bản thắt chặt việc xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao – điều cần thiết cho ngành công nghiệp chip Hàn Quốc, và một lần nữa trong tháng này khi Tokyo tuyên bố sẽ không dành cho Hàn Quốc quy chế ưu tiên thương mại.

Hoa Kỳ, lo ngại sự suy yếu hợp tác an ninh trong khu vực, bày tỏ sự mất thất vọng.

"Chúng tôi thất vọng khi thấy quyết định của Hàn Quốc về thỏa thuận chia sẻ thông tin. Chúng tôi khuyến khích hai nước tiếp tục phối hợp", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với các phóng viên ở Ottawa, Canada.

"Chắc chắn là lợi ích chung của Nhật Bản và Hàn Quốc rất quan trọng và điều đó cũng rất quan trọng đối với Hoa Kỳ", ông nói và cho biết ông đã đối thoại với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha trước đó vào thứ Năm.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono thì chỉ trích Seoul vì điều ông cho là đang trộn lẫn các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với các vấn đề an ninh. Ông cũng nói Tokyo đã triệu tập đại sứ Hàn Quốc đến để phản đối.

Ngoại trưởng Hàn Quốc nhấn mạnh quyết định chấm dứt hiệp ước là vì Hàn Quốc đã mất niềm tin vào Nhật Bản. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ và phát triển liên minh, bà nói với các phóng viên ở Seoul.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, dù GSOMIA đã dừng lại, họ vẫn sẽ duy trì sự sẵn sàng phòng thủ chung "ổn định" dựa trên một liên minh mạnh mẽ với Hoa Kỳ.

Hệ lụy lớn tới Mỹ và liên minh

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Dave Eastburn cho biết tính toàn vẹn của các mối quan hệ quốc phòng và an ninh chung của Mỹ cần được duy trì bất chấp những xích mích trong các lĩnh vực khác trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bộ Quốc phòng bày tỏ sự lo lắng và thất vọng mạnh mẽ của chúng tôi rằng chính quyền ông Moon đã từ chối gia hạn ... GSOMIA, ông nói.

Một nguồn tin quân sự phương Tây cho biết việc chia sẻ thông tin tình báo đôi khi bị hạn chế nhưng vẫn là một lĩnh vực hợp tác quan trọng khi đối mặt với các mối đe dọa từ Triều Tiên.

GSOMIA tạo điều kiện chia sẻ thông tin về các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, vẫn tồn tại dù có một loạt các hội nghị thượng đỉnh và đàm phán với Triều Tiên, theo Cho Tae-yong, cựu cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc.

"Chấm dứt GSOMIA không chỉ việc dùng sai lá bài với Nhật Bản, mà nó còn không giúp ích cho an ninh của chúng tôi", ông nói.

Các nhà phân tích ở Hoa Kỳ cũng thấy động thái này là sai lầm và một số người đổ lỗi cho việc chính quyền Trump đã hướng nội và không chú ý đầy đủ đến các đồng minh.

Đây là những gì nước Mỹ đầu tiên mang lại cho chúng ta - mọi người vì chính họ thay vì một mạng lưới đối tác hợp tác, ông Daniel Russel - nhà ngoại giao hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ về châu Á cho đến thời kì đầu trong chính quyền Trump thông tin với trang tin Nelson Report.

"Vào thời điểm kho vũ khí tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên đang nhanh chóng mở rộng, việc bãi bỏ GSOMIA trực tiếp gây tổn hại cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ", theo chuyên gia này. Và tại thời điểm những hành động và năng lực mới của Trung Quốc đang là một thách thức chưa từng có, sự tan rã của hệ thống liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo là một thảm họa.

Trung Quốc và Nga cũng trở nên cứng rắn hơn trong khu vực này khi đã có hoạt động bay tuần tra quân sự chung đầu tiên vào tháng 7 – điều kéo theo 1 số sự cố với cả Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại