Sinh con khoẻ mới thích
Chị Bùi Phương Hoa trú tại Đống Đa, Hà Nội tâm sự chị sinh hai con, cháu nào cũng trên 4kg đây thực sự là điều chị mong muốn vì lúc nào cũng thích con to.
Chị Hoa kể lúc có bầu con chị đã 29 tuổi. So với tuổi đẻ con so thì tuổi này cao nên chị xác định ngay từ đầu là phải ăn bổ dưỡng để cho con to.
Cầu được, ước thấy, bạn Bông nhà chị lúc sinh ra được 4,3 kg bằng phương pháp sinh mổ. Lúc sinh đó chị mới mang thai ở tuần 39.
Đến cháu thứ hai, chị Hoa vẫn sính con to nên ăn hết cỡ và lúc sinh ra cháu được 4 kg. Nhưng cháu lại bị giãn bể thận nên phải điều trị một thời gian dài.
Cách đây 1 tháng, chị Hoa đi kiểm tra sức khoẻ tại bệnh viện Đại học Y, điều chị bất ngờ là bác sĩ hỏi chị sinh con mấy lần và cân nặng của con.
Đây là lần đầu đi khám tổng quát chị được bác sĩ hỏi về tiểu sử sinh đẻ của mình. Đến khi bác sĩ tư vấn về việc sinh con to của chị thì chị có nguy cơ mắc tiểu đường tới 90% khiến chị lo lắng.
Chị Hoa kể lúc mang bầu chị đều bị tiểu đường thai nghén nhưng chị nghĩ đó là sinh lý bình thường, chị không biết rằng điều đó ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả chị và con chị lúc trưởng thành.
Trường hợp của mẹ con chị Hoàng Thị Yến trú tại Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội đều mắc tiểu đường. Chị Yến kể chị sinh con trai nặng 4,1 kg.
Cách đây gần 20 năm việc sinh con 4,1 kg cũng được coi là to nhưng cháu bé lớn rất nhanh, có động lực phát triển. Nhìn con cao to hơn bạn bè cùng trang lứa chị Yến rất tự hào.
Đến năm 38 tuổi, chị thấy người mệt mỏi, sụt cân và khát nước nên đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ cho biết chị bị tiểu đường tuýp 2 khi đường huyết lúc đói lên đến 17 mmol/l.
Khi chị bị tiểu đường được 7 năm, con trai chị cũng có triệu chứng mệt mỏi đi lại như có ai kéo không cho đi, khát nước, đi tiểu nhiều. Cho con đi khám chị chết đứng khi bác sĩ cho biết cháu bị tiểu đường tuýp 2.
Đừng có ham con to
Giáo sư Tạ Văn Bình – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết đa số phụ nữ sinh con to trên 3, 8 kg thì khoảng 40 tuổi mắc tiểu đường vì thế bất cứ ai đến khám bệnh ông đều hỏi về tiểu sử sinh con và cân nặng của các con.
Giáo sư Bình cho biết tâm lý sinh con to mới thích là một tâm lý cực kỳ sai lầm bởi đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ mắc bệnh mãn tính của những đứa trẻ sinh ra có cân nặng cao từ 3,6 kg trở lên.
Ngoài nguy cơ bệnh mãn tính, những đứa trẻ sinh to các bác sĩ đều lo ngại và đầu tiên là tình trạng rối loạn đường huyết - thường là hạ đường huyết điều này rất hay gặp.
Có nhiều bé sơ sinh huyết áp tụt xuống đến mức đo không được, nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến não. Hạ đường huyết kéo dài sẽ khiến trẻ co giật, hôn mê, thậm chí tử vong nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết.
Cùng quan điểm này, PGS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho biết nhiều bà mẹ có xu hướng muốn con mình sinh ra trông thật bụ bẫm nên luôn tâm niệm "không phải ăn cho mình mà ăn cả cho con".
Đa số họ thường ăn nhiều, không kiểm soát cân nặng bản thân trong thai kỳ, dung nạp quá nhiều chất béo, đồ ngọt. Theo PGS Lâm tốt nhất là các mẹ nên sinh con loanh quanh ở cân nặng 3kg để đứa trẻ có thể phát triển đầy đủ nhất.
Bà Lâm cho biết có rất nhiều cảnh báo về sức khoẻ của những đứa trẻ sinh quá to khi chúng trưởng thành.
Giáo sư Bình khuyến cáo những bà mẹ khi sinh con có cân nặng từ 3,6 kg trở đi cần đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kiểm tra rối loạn chuyển hóa trong cơ thể vì những bà mẹ này có nguy cơ mắc tiểu đường rất cao.
Ngoài ra, những đứa trẻ sinh ra với cân nặng trên cũng cần theo dõi rối loạn chuyển hoá sớm nhất là đường huyết bởi bệnh tiểu đường phát triển âm thầm, có người chỉ phát hiện ra khi bệnh đã quá muộn.
Giáo sư Bình cho biết triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể phát triển rất chậm. Trong thực tế, có thể có bệnh tiểu đường tuýp 2 trong nhiều năm và thậm chí không biết đến bệnh này khi đi khám có đến 90% bệnh nhân có biến chứng rồi.
Theo GS Bình khi có các triệu chứng như tăng sự khát nước và đi tiểu thường xuyên cần đi kiểm tra đường huyết ngay để phát hiện sớm bệnh tiểu đường.