Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, kho vũ khí khổng lồ của Quân đội Liên Xô bắt đầu được "chia năm xẻ bảy" cho 15 nước cộng hòa. Trong đó, Liên bang Nga nhận được phần lớn những thứ tốt nhất, đứng thứ 2 là Ukraine với kho vũ khí khí tài kém về số lượng nhưng không thua về chất lượng.
Tuy nhiên, do có những lý do phức tạp liên quan tới mảnh đất Crimea chiến lược – "ngôi nhà" của Hạm đội biển Đen, mà mãi tới năm 1997 Hải quân Ukraine (thành lập tháng 8/1992) mới nhận được "phần của mình".
Theo Finance.ua, trên cơ sở phân chia trang bị Hạm đội biển Đen với phía Nga, Hải quân Ukraine nhận được 43 tàu chiến, 132 tàu tuần tra và tàu khác, 12 máy bay và 30 trực thăng hiện đại. Trong đó, đáng chú ý có tới 4 khinh hạm, hàng chục tàu tên lửa và tàu săn ngầm cao tốc…
Thế mà chỉ sau 21 năm, toàn bộ đội tàu hùng hậu của Kiev chỉ còn sót lại một khinh hạm, một tàu tên lửa 200 tấn và một nhúm tàu tuần tra "bé như con muỗi". Ai đã tàn phá Hải quân Ukraine? Vì sao một lực lượng hùng mạnh lại biến mất nhanh chóng mặt? Ai phải chịu trách nhiệm?
Thiếu tiền là "xẻ thịt" bán tất
"Tội đồ" đầu tiên khiến Hải quân Ukraine nay chỉ còn là "đống đổ nát" chính là những người chỉ huy quân đội và lãnh đạo của quốc gia này. Sự khó khăn về kinh tế, đời sống đã khiến hàng loạt chiến hạm mới nhận ngay lập tức bị loại khỏi biên chế, "xẻ thịt không thương tiếc", bán sắt vụn kiếm tiền.
Trường hợp đau đớn nhất là 3 trong 4 khinh hạm chủ lực của Hải quân Ukraine, có cùng "họ hàng" với "soái hạm" U130 Hetman Sahaydachniy.
Trong khi chiếc "tàu biên phòng" U130 thì "sống sót" tới hôm nay thì 3 "người anh em" U-133 Mykolaiv, U-134 Dnipropetrovsk, U-132 Sevastopol được trang bị tên lửa săn ngầm URK-5 lần lượt bị loại khỏi danh sách trong các năm 2001, 2002, 2004. Tất cả chúng đều bị phá dỡ lấy sắt vụn.
U-133 Mykolaiv thời còn trong Hải quân Liên Xô.
Thậm chí, có những tàu chiến vừa nhận lại từ Nga ngay lập tức năm sau được "tống tiễn" vào "lò xẻ thịt" như các tàu hộ vệ săn ngầm Đề án 1124 Albatros (hai chiếc bị loại biên chế năm 1998 và 1999, thêm hai chiếc khác năm 2004-2005). Hầu như không năm nào là Ukraine không loại biên chế từ một tới vài chiếc tàu chiến.
Ngay cả tới siêu tàu đổ bộ lớp Zubr cũng không thoát khỏi thảm cảnh. Chỉ trong ngày 11/6/1999, Ukraine loại biên chế hai chiếc Donetsk và Kramatork, ngày 29/11/2000 họ xóa tên luôn chiếc Horlivka và đưa tất cả vào "lò mổ".
Duy nhất chiếc Artemivsk may mắn thoát nạn, được bán cho Hy Lạp vào tháng 1/2000. Đến nay, chiếc này vẫn được Hải quân Hy Lạp "trân trọng".
Ngoài ra, ít nhất một tàu tên lửa tấn công nhanh Matka cũng được Ukraine bán cho Gruzia vào năm 1999, số còn lại lần lượt được đem bán sắt vụn.
Chiếc tàu đổ bộ lớn nhất U-401 Rivne mà họ được chia từ Hạm đội biển Đen ra khỏi biên chế năm 2004 và được rao bán cho tư nhân.
Tàu đổ bộ Zubr cũng không thoát khỏi cảnh đem bán và rã sắt vụn kiếm tiền.
Bán sạch tàu to, chuyển sang tới tàu nhỏ, quá trình hủy hoại Hải quân Ukraine kéo dài tới tận năm 2012 trước thời điểm xảy ra cuộc cách mạng Cam 2013.
Sau cuộc khủng hoảng Crimea 2014, cùng với việc vùng đất này trở thành một phần của Liên bang Nga thì toàn bộ cơ sở quân sự bao gồm cả đội tàu chiến của Hải quân Ukraine đặt tại Crimea cũng gia nhập Hạm đội biển Đen cùng lực lượng tuần duyên Nga. Chỉ còn một vài chiếc được phép trở về với Kiev.
Sự kiện này đã chính thức biến Hải quân Ukraine từ lực lượng hùng hậu đáng mơ ước ở châu Âu hơn 20 năm trước trở thành "dĩ vãng". Toàn bộ đội tàu chiến không còn giá trị chiến đấu với bất kỳ địch thủ nào trang bị các loại tàu mang tên lửa chống hạm.
Đập thì dễ, xây lại mới khó
Dĩ nhiên, chính quyền Tổng thống Petro Porosenko hiểu được điều đó, và họ đã có nỗ lực ngay sau khi gọi là tạm ổn định tình hình trong nước. Đó là lên kế hoạch xây dựng lực lượng hải quân hiện đại, ứng dụng công nghệ cao để có thể dễ dàng phối hợp với các tàu NATO.
Tuy nhiên "đập thì dễ, xây lại mới khó", trong tay Kiev lúc này chỉ còn lại "đống đổ nát" nền công nghiệp đóng tàu quân sự thời Liên Xô. Các cơ cở như nhà máy đóng tàu biển Đen từng xây dựng các tàu sân bay khổng lồ thời Liên Xô đã từ lâu không biết tới việc chế tạo tàu chiến.
Mãi tận năm 2011, nhà máy này mới triển khai dự án đóng tàu hộ vệ 2.500-2.600 tấn Đề án 58250 Volodymyr Valykyi nhưng tới nay vẫn chưa hoàn thành vì thiếu kinh phí và yếu công nghệ.
Ukraine hiện nay chỉ "giỏi" đóng tàu pháo cỡ nhỏ trên dưới 50 tấn nhằm xây dựng lực lượng hải quân hiện đại.
Trong khi đó, nhà máy Kuznya na Rybalskomu (ở Kiev) thời Liên Xô chỉ đóng các tàu săn ngầm 1.000 tấn Đề án 1124, không có kinh nghiệm chế tạo tàu chiến lớn. Và kể từ sau năm 1990 thì nhà máy này không còn đóng mới.
Mãi tới năm 2012, Kuznya na Rybalskomu bắt tay vào chế tạo tàu chiến mới, nhưng đó là kế hoạch đóng các tàu pháo cỡ nhỏ Gruza-M.
Và cuộc xung đột trên eo biển Kerch hôm 26/11 cho thấy các tàu này vốn không nên đi biển xa.
Một dự án nữa mà nhà máy này đang triển khai là đóng các tàu tấn công bọc thép Đề án 58181 Centaur, nhưng nó còn bé hơn cả Gruza-M và cấu hình vũ khí cũng không khác biệt.
Niềm hi vọng lúc này của Hải quân Ukraine chỉ còn chờ vào cặp khinh hạm Oliver Harazd Perry 4.100 tấn mà Mỹ vừa nhất trí sẽ bán cho Kiev.
Tuy nhiên, các tàu này mất toàn bộ hệ thống vũ khí chống hạm và phòng không.
Có thể nói, tới giờ phút này Hải quân Ukraine không có trong tay bất kỳ thứ vũ khí nào để có thể "lấy le" trước Hải quân Nga. Và nếu có trách, thay vì đổ tội cho Nga hay ai đó, hãy tự trách chính mình, toàn bộ lực lượng hùng hậu đã bị chính tay Kiev xóa sổ không thương tiếc chỉ vì "tiền".
Video cận cảnh cuộc rượt đuổi quyết liệt giữa các tàu tuần duyên Nga với tàu chiến Ukraine trên eo biển Kerch