Hải quân Nga mở rộng hiện diện ở Địa Trung Hải, châu Phi

Anh Minh |

Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng “cường quốc thế giới cần một lực lượng hải quân hùng hậu” khi người đứng đầu nước Nga giải thích sự hiện diện và hoạt động hải quân ngày càng tăng ở Đông Địa Trung Hải và dọc theo bờ biển châu Phi.

Tàu chiến hải quân Nga

Tàu chiến hải quân Nga

Christopher Bort, một chuyên gia về Nga và Âu-Á tại Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, nói kể từ năm 2013, ông Putin đã chú trọng hơn đến sự hiện diện hải quân của Nga- đầu tiên là ở Syria, nơi nước này có căn cứ, và sau đó đã nỗ lực làm việc để hoàn tất một thỏa thuận thành lập cơ sở hậu cần hải quân ở Sudan.

Phát biểu tại một diễn đàn của Hội đồng Đại Tây Dương, ông Christopher Bort nói thêm rằng sự gia tăng tầm nhìn hải quân của Nga “không chỉ ở Địa Trung Hải, mà còn ở Thái Bình Dương”.

Nhưng thực tế tình hình kinh tế đang gặp khó khăn của Moscow có nghĩa là việc chuyển đổi mục tiêu xây dựng và duy trì một “lực lượng hải quân vĩ đại” cần thiết để trở thành một cường quốc thế giới là “nói dễ hơn làm”, ông Bort nói.

Ông Bort cho biết, tại Địa Trung Hải, Nga muốn tranh giành ảnh hưởng ở đó. Ví dụ như sự tham gia quân sự của Nga ở Syria và Libya, cung cấp vũ khí tinh vi cho các quốc gia khách hàng cũ và tham gia các dự án cơ sở hạ tầng khu vực.

Ông nói thêm, một mục tiêu dài hạn đối với Moscow ở Libya có thể là thiết lập sự hiện diện của hải quân ở đó.

Theo vị quan chức tình báo Mỹ, Nga đã "vượt lên trên sức ỳ của mình" khi can dự vào các vấn đề Địa Trung Hải như các cuộc nội chiến ở Syria và Libya. Moscow cũng muốn lan rộng tầm ảnh hưởng thông qua "các giao dịch mua bán" với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Israel và các quốc gia vùng Vịnh.

Laura Cooper, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề Nga, Ukraine và Âu-Á, cũng nói tại sự kiện rằng Điện Kremlin đã rất giỏi “chào hàng” các đợt “triển khai quân sự nhỏ” và các khoản đầu tư mà họ đã thực hiện ở các quốc gia Địa Trung Hải.

Bà Cooper nói rằng, trong quá trình điều động quân sự, Nga “đang xem xét các thỏa thuận tiếp theo mà họ có thể thực hiện”, chẳng hạn như việc bán các hệ thống tên lửa phòng không S-400 và S-300 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc mua vũ khí Nga đã gây ra hậu quả. Ankara đã bị loại khỏi chương trình tiêm kích tấn công liên hợp F-35 Lightning II và mối đe dọa trừng phạt kinh tế vẫn tồn tại đối với việc mua hệ thống phòng không S-400 và các cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào lực lượng “Mặt trận Dân chủ Syria” do Mỹ hậu thuẫn.

Bà Cooper nói thêm, "chúng tôi rõ ràng về [hậu quả của việc mở rộng] quan hệ với Nga", đề cập quyết định dự án F-35 và tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh NATO.

Sự khác biệt chính giữa Washington và Moscow ở Địa Trung Hải nằm ở liên minh và quan hệ đối tác. Bà Cooper lưu ý rằng cuộc gọi chính thức đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin là tới Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, để khẳng định lại cam kết của Mỹ đối với liên minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại