Hai năm “công cốc” vì tìm kiếm MH370 nhầm chỗ

V.A |

Các chuyên gia của công ty Hà Lan dẫn đầu cuộc tìm kiếm MH370 dưới biển tin rằng, máy bay có thể đã trượt đi đâu đó chứ không phải lao xuống đáy biển trong những giờ phút cuối cùng, có nghĩa là họ đã tìm kiếm nhầm chỗ trong suốt 2 năm ròng rã.

MH370 của Malaysia Airlines biến mất từ ngày 8.3.2014 với 239 hành khách và phi hành đoàn khi đang bay từ Bắc Kinh đi Kuala Lumpur. Các nhà tìm kiếm do nhóm kỹ thuật của công ty Hà Lan Fugro đứng đầu đã lùng sục một khu vực rộng bằng diện tích của Hy Lạp trong suốt 2 năm qua.

Cuộc tìm kiếm trên 120.000 km2 ở nam Ấn Độ Dương, ở vùng biển phía tây Australia, dự kiến kết thúc trong 3 tháng nữa, nhưng cũng có thể bị huỷ sau cuộc gặp giữa các nước chủ chốt là Malaysia, Trung Quốc và Australia vào ngày mai 22.7. Cho đến nay các nhà tìm kiếm vẫn chưa tìm thấy gì chắc chắn.

"Nếu xác máy bay không có ở đó, có nghĩa là nó ở một vị trí khác" - giám đốc dự án tìm kiếm của Fugro, Paul Kennedy nói.

Trong khi không loại trừ những khả năng cực đoan nhất khiến không thể phát hiện máy bay trong vùng tìm kiếm, ông Kennedy và đồng nghiệp tranh luận về một khả năng khác, đó là máy bay trượt đi đâu đó, nghĩa là nó được con người điều khiển đến tận phút cuối, và vượt ra ngoài khu vực được đánh dấu bằng những tính toán từ ảnh vệ tinh.

"Nếu phi công xử lý đến phút cuối, có nghĩa là máy bay có thể trượt đi một quãng đường dài, ngoài khu vực chúng ta tìm kiếm suốt 2 năm qua. Do đó tôi tin rằng kết luận hợp lý có thể sẽ là một kịch bản khác" - ông Kennedy nói.

Những nghi vấn này có thể dẫn đến một cuộc kêu gọi công khai tất cả dữ liệu có thể, để các công ty đối thủ và các viện nghiên cứu có thể theo đuổi giải pháp "mã nguồn mở" - một câu trả lời tập thể cho bí ẩn lớn nhất của ngành công nghiệp hàng không.

Giả thuyết của Fugro cũng là lần đầu tiên các quan chức biết đến những yếu tố hỗ trợ cho giải thuyết gây tranh cãi rằng ai đó đã kiểm soát máy bay trong những khoảnh khắc cuối cùng.

Kể từ vụ máy bay mất tích, đã có rất nhiều giả thuyết đối lập về việc một, hai, hay không có phi công nào điều khiển, liệu máy bay bị không tặc hay tất cả hành khách thiệt mạng và máy bay không được kiểm soát khi lao xuống biển.

Thêm vào những bí ẩn đó, các nhà điều tra còn tin rằng có ai đó cố tình tắt hệ thống nhận phát tín hiệu của máy bay trước khi đổi hướng nó đi hàng nghìn dặm.

Tuy nhiên, giả thuyết của Fugro không được các cơ quan điều tra ủng hộ như Boeing của Mỹ, Thales SA của Pháp, công ty vệ tinh Anh Inmarsat...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại