Trong tập phát sóng của chương trình kiểm định bảo vật "Hoa Dự Chi Môn", hai mẹ con cô Phó Phụng Liên đến từ thị trấn Vị Nam, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã mang theo một chiếc hộp khổng lồ trên sân khấu. Cô Phó gọi đây là "hộp đựng kho báu", thứ mà chồng cô đã nâng niu sưu tầm gần chục năm qua.
Ngay khi hai mẹ con hoàn thành phần giới thiệu, nữ MC Trần Côn đã hỏi cậu con trai: "Đây là kho báu của bố, vậy hôm nay bố đâu mà chỉ có hai mẹ con tới đây?"
"Hôm nay bố con đi công tác rồi ạ" - cậu bé trả lời.
Hai mẹ con mang chiếc hộp lớn tới chương trình kiểm định bảo vật. Ảnh: Hoa Dự Chi Môn
MC Trần Côn thấy vậy nói vui một câu: "Theo kinh nghiệm dẫn chương trình của tôi thì nếu chủ nhân bảo vật đi công tác thì nhiều khả năng là bộ sưu tập này bị hai mẹ con 'mang trộm' tới đây. Tôi nói có đúng không?"
Chẳng ngờ cả hai mẹ con đều gật đầu thú nhận. Hóa ra gia đình cô đã nhiều lần tranh cãi, bất hòa về chuyện người chồng bỏ rất nhiều tiền để sưu tầm cổ vật. Nhân dịp chồng đi công tác xa, bố chồng khuyên cô Phó nên đến nơi thẩm định uy tín, xem thử liệu chồng cô có phải bị người ta lừa mua những thứ này không.
Cả trường quay rất háo hức chờ giây phút khui hộp bảo vật của hai mẹ con. Khi chiếc hộp được mở nắp, khán giả đã vỡ òa vì bộ sưu tập hàng trăm món trang sức bạc bên trong.
Bộ sưu tập bạc thời Thanh trong chương trình kiểm định bảo vật. Ảnh: Hoa Dự Chi Môn
Theo chuyên gia, đây là bộ sưu tập đồ bạc từ cuối thời nhà Thanh, đa dạng nhiều món đồ như kẹp tóc, lược bạc. nhẫn, vòng bạc, thỏi bạc hay áp khâm (phụ kiện đeo trước ngực áo phụ nữ thời xưa).
Dưới thời Thanh, những món đồ bạc này có giá trị không hề nhỏ, song chúng lại không hoàn toàn là thứ đồ để trưng diện sự giàu sang mà chủ yếu tượng trưng cho cái đẹp, niềm hạnh phúc và may mắn trong cuộc sống.
Những món đồ bạc trong hộp gồm có trâm, lược, áp khâm... Ảnh: Hoa Dự Chi Môn
Ví dụ như chiếc áp khâm bạc thường được các thiếu nữ thời xưa treo vào chiếc cúc thứ hai của cổ phục, sườn xám... Phụ kiện rủ xuống váy áo vừa giúp tạo điểm nhấn cho bộ trang phục, vừa khiến bước đi của người thiếu nữ thêm phần nho nhã, uyển chuyển (người đeo áp khâm thường không thể đi vội vì dễ làm phụ kiện bị rung lắc mạnh).
Phi tần thời Thanh thường đeo áp khâm bằng ngọc. Ảnh minh họa: Internet
Nghe lời phân tích thú vị từ chuyên gia, mẹ con cô Phó cũng rất ngóng chờ được biết giá trị thực của bộ sưu tập. Tuy nhiên, định giá từ các vị chuyên gia đã khiến cô phải thất vọng.
"Đồ bạc thời Thanh và thời Dân Quốc đúng là rất tinh xảo, nhưng do số lượng rất nhiều nên thị trường thường bán theo cân. Giá trị của bộ sưu tập này, chúng tôi cho là khoảng 20.000 NDT (tương đương 71 triệu đồng)."
Hóa ra "kho báu" hàng trăm món này cũng không quá giá trị, không có khả năng sinh lời, có vẻ như chồng cô Phó đổ tiền vào đây cũng chỉ đơn giản vì sở thích mà thôi.