Người dân phản ánh chưa được phun thuốc diệt muỗi
Theo tìm hiểu của phóng viên, những đợt cao điểm dịch sốt xuất huyết, cơ quan chức năng vẫn tiến hành phun thuốc diệt muỗi tại các quận huyện có số ca mắc sốt xuất huyết cao. Vừa qua, việc phun thuốc diệt muỗi đã được tiến hành tại các quận nội thành Hà Nội như Nam Từ Liêm, Cầu Giấy.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người dân, gia đình của họ không nhận được thông báo hoặc chưa được phun thuốc diệt muỗi.
Chị Trần Thịnh A, 33 tuổi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Cách đây mấy tuần, đợt cao điểm, tại phường chúng tôi có phun thuốc diệt muỗi, nhưng nhà tôi không nhận được thông báo, nên cũng không được phun thuốc. Gia đình tôi cũng chưa có ai mắc sốt xuất huyết. Chúng tôi cũng tích cực tự diệt muỗi, diệt bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế”.
Trong khi đó, chị Dương Thị N, 35 tuổi (đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội) phản ánh: “Tôi thấy quận Đống Đa có nhiều người mắc sốt xuất huyết, khu nhà tôi cũng có 1, 2 trường hợp nhưng từ lâu lắm không thấy phun thuốc diệt muỗi gì cả. Riêng nhà tôi, cả năm nay không thấy có ai đến hỏi phun thuốc hay thông báo gì”.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc phun thuốc diệt muỗi rất cần, nhưng chưa phải là quan trọng nhất. Phun thuốc diện rộng không có nghĩa là phun thuốc cả thành phố mà cần phải tập trung vào nơi xuất hiện dịch. Việc phun thuốc diệt muỗi chỉ là diệt phần ngọn làm hạ nhiệt dịch đang bùng phát, chỉ diệt được muỗi đang sống, phun xong là có muỗi.
Vấn đề quan trọng hơn là người dân cần xử lý làm sạch môi trường các nơi có nước tồn đọng như đổ vôi bột để diệt bọ gậy…
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng khẳng định, việc phun thuốc phải được thực hiện bởi nhân viên y tế để bảo đảm hiệu quả diệt muỗi và an toàn cho cộng đồng. Nếu chỉ phun thuốc diệt muỗi ở phạm vi một gia đình, trong khi hàng xóm không phun thuốc thì tác dụng sẽ rất ít.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, muỗi vằn không chỉ có ở những nơi cống rãnh, tù đọng, mà ở cả những nơi nước trong để lâu ngày như: Bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để trên ban thờ... cũng có thể là nơi cư trú sinh sôi tác nhân gây bệnh.
Do đó, không được để nước lưu cữu tạo môi trường cho bọ gậy phát triển, sinh nở thành muỗi vằn. Trên các nhà cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, khi phun hóa chất diệt muỗi, cần phun ở tất cả các tầng trong nhà, nhằm diệt hết được đàn muỗi, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ tầng dưới lên tầng trên, từ nhà này sang nhà khác.
“Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian và bay đi hết, những đàn muỗi khác vẫn tiếp tục bay vào nhà, tấn công và truyền bệnh cho người. Vì vậy, nếu phun thuốc muỗi dập dịch, cần phải phun tổng thể, đồng loạt ở cả cụm dân cư mới có tác dụng triệt để, cách tốt nhất để phòng chống sốt xuất huyết là diệt loăng quăng, bọ gậy, thường xuyên vệ sinh, đổ bỏ” - bác sĩ Cấp nhấn mạnh.
Phun thuốc diệt muỗi tại các chung cư ở Hà Nội. Ảnh: SYT HN
6.000 ca mắc sốt xuất huyết
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận khoảng 6.000 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, không có trường hợp tử vong. Số mắc tập trung nhiều ở một số quận, huyện như: Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Đống Đa.
“Nếu như trong tháng 8.2019, Hà Nội ghi nhận từ 200 ca đến 300 ca mắc sốt xuất huyết/tuần, thì tháng 9.2019, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng lên từ 400 đến 500 ca/tuần, xuất hiện tại tất cả các quận, huyện, thị xã.
Đầu tháng 10, những cơn mưa lớn tại Hà Nội đang dấy lên nỗi lo ngại về dịch sốt xuất huyết sẽ tiếp tục lan mạnh trở lại, đặc biệt là những khu vực đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trường xây dựng” - Sở Y tế Hà Nội nhận định.
Theo các chuyên gia y tế, các biểu hiện nhẹ của sốt xuất huyết thường gặp là sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi người… những trường hợp nhẹ có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm, người bệnh chủ quan, rất dễ bị biến chứng nặng. Các trường hợp nặng có thể dẫn tới sốc, suy tạng, thậm chí tử vong.
Do bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng.
Nếu có biểu hiện sốt cao, người dân cần đi khám, xét nghiệm để được phát hiện, điều trị sớm, hạn chế các biến chứng; đồng thời có các biện pháp để tránh lây lan ra cộng đồng.
Hiện nay phác đồ điều trị sốt xuất huyết đã được phổ biến rộng rãi tại các tuyến y tế cơ sở. Người dân có thể đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị, các trường hợp nặng mới được chuyển lên để tránh quá tải cho tuyến trên và hạn chế tình trạng nhiễm chéo.