Trước Hà Lan, một số quốc gia khác cũng áp dụng biện pháp trừng phạt áp dụng đối với các du thuyền. Trong ảnh: tàu Dilbar của một tỉ phú Nga mắc kẹt từ đầu tháng 3 ở Hamburg (Đức) - Ảnh: Wikimedia
Theo Reuters, tuyên bố trên được Bộ Ngoại giao Hà Lan đưa ra trong một văn bản trình Quốc hội, cập nhật đến các nhà lập pháp về việc thực thi các lệnh trừng phạt sau khi có những chỉ trích rằng Hà Lan đã "tụt hậu" so với các quốc gia châu Âu khác trong vấn đề này. Các nước Âu - Mỹ áp lệnh trừng phạt lên các doanh nghiệp và giới tinh hoa Nga sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24-2-2022.
Đóng du thuyền là một ngành công nghiệp quan trọng ở Hà Lan. Các nhà chế tạo lớn như Heesen, Feadship, Damen Shipyards và Oceanco đã mang lại tổng doanh thu khoảng 1,5 tỉ euro (1,66 tỉ USD) vào năm 2020.
Vào tháng 3, hai thành viên người Nga trong ban giám sát của Heesen Yachts đã từ chức. Heesen thuộc sở hữu của Morcell Ltd. Của Cyprus, đầu tư bởi tỉ phú của Công ty dầu khí Lukoil - chủ tịch Vagit Alekperov - người không nằm trong danh sách trừng phạt.
Bộ Ngoại giao cho biết mặc dù không có siêu du thuyền nào neo đậu trong lãnh thổ Hà Lan, 12 du thuyền đang được đóng cho các chủ sở hữu Nga không thể được giao vào lúc này do các biện pháp liên quan đến xuất khẩu hiện tại. Cơ cấu sở hữu các du thuyền trên cũng đang được điều tra.
Hai du thuyền khác đang ở Hà Lan để được bảo trì cũng không được phép rời đất nước.
"Đối với một trong những du thuyền này, mối liên hệ với một người có tên trong danh sách trừng phạt của châu Âu đang được kiểm tra" - Bộ Ngoại giao Hà Lan cho hay.
Văn bản của Bộ Ngoại giao cũng bao gồm một bản cập nhật về tài chính, cho biết 516 triệu euro tài sản và 155 triệu euro giao dịch đã bị đóng băng, tăng nhẹ so với tuần trước.
Chính phủ Hà Lan ước tính rằng 27 tỉ euro tài sản của Nga nằm trên bảng cân đối kế toán của các công ty có đăng ký tại Hà Lan, trong đó khoảng 20 tỉ euro do các công ty vỏ bọc ít hiện diện tại đất nước này nắm giữ.