"Chia tay ông trên cõi tạm này, không có nghĩa là chia tay những giá trị mà ông để lại"

Luna - Ngân Hà |

Sự ra đi đột ngột của PGS Văn Như Cương đã để lại một khoảng trống rất lớn trong lòng của biết bao người.

Rạng sáng nay (9/10), thông tin về PGS Văn Như Cương qua đời đã khiến cho rất nhiều người trong chúng ta có chung một cảm xúc bàng hoàng và xót xa. PGS Văn Như Cương luôn được biết tới là một người thầy dành trọn vẹn tâm sức cả đời cho giáo dục.

Ông dành được sự tôn kính tuyệt đối của lớp lớp học trò, sự yêu mến, nể trọng của bạn bè người thân và PGS Văn Như Cương còn được ví như cây đại thụ trong ngành giáo dục nước nhà nhờ những gì đã làm, đã cống hiến.

Sự ra đi đột ngột của người thầy đáng kính này đã để lại một nỗi niềm xót xa cho rất nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội. Từ đồng nghiệp, cho tới những người may mắn được nghe ông giảng dù chỉ 1-2 lần và cả những người chưa một lần được gặp... nhưng tựu chung họ đều dành cho PGS Văn Như Cương những tình cảm đặc biệt.

Chia sẻ trên trang cá nhân, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ.. Nguyễn Trọng Tạo cũng đã dành những lời chân thành nhất để gửi tới PGS Văn Như Cương.

Trong đoạn chia sẻ của mình, nhà văn Nguyễn Trọng Tạo có viết: "Với tôi, Thầy Cương như một người cha, người anh cả và là người bạn vong niên vô cùng quý trọng. Thầy chân thực, tình cảm, thông minh và thẳng tính, thường đưa ra những phát biểu hay bất ngờ, làm cho nhiều người ngạc nhiên và khâm phục.

Ước gì nền giáo dục Việt Nam có được nhiều thầy như Thầy Văn Như Cương. Nhưng thật khó thay. Vì thế mà Thầy ra đi để lại một khoảng trống, như một cây đại thụ nằm xuống để trống một khoảng trời khó lòng bù đắp.

Xin gửi lời chia buồn sâu sắc đên cô và con cháu cũng đại gia đình. Cầu cho linh hồn thấy siêu thoát và phù hộ cho gia đình và mái trường thân yêu.

Vĩnh biệt Thầy Văn Như Cương với lòng tiếc thương vô hạn".

Chia tay ông trên cõi tạm này, không có nghĩa là chia tay những giá trị mà ông để lại - Ảnh 1.

Từ một góc nhìn khác của người "cậu học trò sau cánh cửa", anh Mạnh Quân nói rằng mình đã may mắn khi được làm nghe thầy giảng bài dù chỉ 1-2 lần. Nhưng vì quá ngưỡng mộ thầy Văn Như Cương nên anh thường xuyên đứng ngoài cửa lớp bên cạnh để được nghe lỏm lời giảng.

Người dùng Mạnh Quân có viết: "Hồi ôn thi vào Đại học, tôi chỉ học thêm mỗi môn Toán, học ở khu ĐHSP Hà Nội chỗ Cầu Giấy. Hồi đó vô cùng ấn tượng bởi phong cách dạy học của Thầy, cả bộ râu rất đẹp của Thầy.

Nên cứ trống giờ, tôi hay chạy sang lớp bên cạnh nghe trộm thầy giảng. Ông giảng bài cực kỳ dễ hiểu. Có lẽ, tôi đỗ được ĐH hồi đó cũng vì nghe lỏm Thầy nhiều.

Ông có lẽ là người đầu tiên trong đời khiến tôi cảm nhận được thế nào là một con người tài hoa, thế nào là tâm huyết với điều mình làm.

Nếu Thày còn có thể nghe được, mong Thầy cũng tin rằng, dù là học trò "sau cánh cửa" thì tôi cũng luôn cảm thấy vinh hạnh đã từng được thầy dạy và cảm thấy biết ơn, vì được truyền lửa cho cố gắng trong những ngày ôn thi ngày xưa.

Thầy Văn Như Cương còn có những đóng góp lớn cho ngành giáo dục Việt Nam, cho sự phát triển kiến thức, nhân cách của hàng vạn học viên. Ông mất, chắc chắn là một sự mất mát rất lớn cho trường Lương Thế Vinh và là sự buồn bã vô tận cho bao thế hệ học trò của ông".

Chia tay ông trên cõi tạm này, không có nghĩa là chia tay những giá trị mà ông để lại - Ảnh 2.

Hay như lời chia sẻ của một người được xem là đồng nghiệp của thầy Văn Như Cương - thầy Nguyễn Nhật Quang tại trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền có đoạn chia sẻ ngắn: "Vĩnh biệt thầy Văn Như Cương!

Ba năm nay anh tham gia "hội bia hơi" của chúng tôi thưa dần và tin buồn đến từ sáng sớm hôm nay!

Hiền lành, dí dỏm, nhưng quan điểm rõ ràng và dứt khoát trong tranh luận, anh để lại trong chúng tôi tình cảm chân thành, gần gũi, thân thương.

Anh là người thầy, là nhà giáo dục có tư tưởng và triết lý rõ ràng, minh bạch !

Vĩnh biệt người anh, người thầy và người bạn!"

Chia tay ông trên cõi tạm này, không có nghĩa là chia tay những giá trị mà ông để lại - Ảnh 3.

Ở một góc nhìn từ một người chưa một lần được gặp gỡ PGS Văn Như Cương, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ cũng đã có những lời tri ân sâu sắc. Trong quan điểm của anh Hoàng Nguyên Vũ, một trong những điều tuyệt vời nhất PGS Văn Như Cương đã làm được và để lại cho thế hệ sau đó chính là "chữ hiểu" và "kỷ luật trong giáo dục".

Trên trang cá nhân, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ chia sẻ: "Hai điều vậy thôi, từ một con người. Chia tay ông trên cõi tạm này, không có nghĩa là chia tay những giá trị mà ông để lại. Đó là những giá trị đẹp mà chỉ có những người Việt chân chính mới để lại cho các thế hệ kế tiếp.

Ông đã chứng minh: Vấn đề không phải mình là ai, mà chính là dấu chân mình để lại trên cõi đời như thế nào".

Chia tay ông trên cõi tạm này, không có nghĩa là chia tay những giá trị mà ông để lại - Ảnh 4.

Nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ đầy cảm xúc về niềm tôn kính và bài học từ thầy về giá trị của việc trở thành một người tử tế mà anh và bao thế hệ học sinh "luôn ghi lòng tạc dạ":

"Thầy Văn Như Cương đi rồi! Những gì thầy để lại không phải là ngôi trường Lương Thế Vinh, không phải hơn 60 đầu sách thầy viết và biên soạn lại càng không phải những danh hiệu… Nhiều hơn cả thế, thứ mà thầy để lại là hàng trăm ngàn, hàng triệu người tử tế mà thầy đã dốc trọn vẹn đời mình "nuôi lớn" mỗi ngày.

Từ cả trước năm 1989, ngày thầy mở ra ngôi trường Lương Thế Vinh, 30 năm đeo đuổi, thầy bền bỉ với mục tiêu: Giáo dục là dạy người ta thành những người tử tế.Tôi tin, bất cứ ai từng học qua thầy, từng học trong ngôi trường của thầy và đến cả những người yêu kính thầy, dõi theo thầy, như tôi, đều học được từ thầy về giá trị của việc trở thành một người tử tế.

Thầy đi rồi! Nhưng ngọn lửa mà thầy để lại, gieo lại trong tim mọi người mới là thứ đáng giá nhất. Tôi thực lòng mong cả chính bản thân mình và những ai đang tiếc thương hôm nay với sự ra đi của thầy, hãy khêu lên ngọn lửa của thầy và giữ ngọn lửa ấy trong tim mình, lây lan tiếp ngọn lửa ấy cho những người khác.Vĩnh biệt thầy, một phần tốt đẹp nhất của giáo dục Việt Nam!"

Và còn nữa rất nhiều những câu chuyện, lời chia sẻ chứa đựng biết bao nỗi buồn, sự thương tiếc dành cho một con người thầy vĩ đại, dành tâm sự cả cuộc đời cho sự nghiệp trồng người. Ngày hôm nay, người thầy đáng kính ấy đã rời xa nhân thế, nhưng những gì ông để lại cho thế hệ sau sẽ còn mãi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại