Trong một tài liệu mới đây gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Grab lần đầu tiên tiết lộ về lượng tiền đã đầu tư vào thị trường Việt Nam. Theo đó, Grab cho biết đã đầu tư hơn 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng) vào Việt Nam.
Không công bố doanh thu nhưng sau 5 năm Grab hiện đang nắm thị phần lớn nhất trong mảng gọi xe tại thị trường Việt Nam dù có rất nhiều đối thủ.
Sau khi "chắc chân" ở vị trí số 1 trong khu vực Đông Nam Á ở mảng dịch vụ gọi xe, Grab nhanh chóng chuyển hướng mở rộng vào hàng loạt các dịch vụ mới với tham vọng trở thành siêu ứng dụng hàng đầu. Hai dịch vụ mới là GrabFood và GrabExpress mang lại thành công lớn cho Grab trong suốt năm 2018.
Hai dịch vụ mới của Grab là GrabFood và GrabExpress hiện đang có mức tăng trưởng vượt trội. Trong khi mảng dịch vụ gọi xe vẫn tăng trưởng ở mức 2 con số (đối với số lượng chuyến xe).
Grab thử nghiệm dịch vụ GrabFood vào tháng 4 và chính thức triển khai dịch vụ vào tháng 5 năm ngoái ở TP.HCM. Đến đầu tháng 10, Grab mới triển khai dịch vụ này ở thị trường Hà Nội. Chưa đầy 1 năm sau khi công bố dịch vụ GrabFood, Grab đã trở thành một trong 2 cái tên chiếm lĩnh thị phần lớn nhất.
Theo một con số được Grab công bố, mức tăng trưởng số đơn hàng giao nhận thức ăn GrabFood trong năm 2018 vào khoảng 23 lần. Ứng dụng này cũng thu hút lượng lớn tài xế chạy dịch vụ với mức tăng trưởng của các đối tác GrabDood tăng tới hơn 4 lần.
Với mức tăng trưởng này, Grab rõ ràng đang trở thành một đối thủ nguy hiểm nhất đối với các ứng dụng giao đồ ăn tại thị trường Việt Nam với lượng người dùng và mạng lưới tài xế GrabBike đông đảo.
Sau 5 năm hoạt động tại Việt Nam, Grab hiện đang có mặt tại 43 tỉnh, thành phố và phục vụ nhu cầu thiết yếu di chuyển, ăn uống giao hàng của 1/5 người Việt mỗi tháng.
Trong khi các đối thủ mới như Go-Viet, FastGo hay "be" vẫn đang giành giật thị trường gọi xe qua ứng dụng thì sự chuyển dịch sang các mảng dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn của Grab đã có những kết quả ấn tượng.
Không chỉ thành công khi tăng trưởng GrabFood, mức tăng trưởng số đơn hàng gia nhận hàng hóa qua GrabExpress tăng lên tới 241%. Hiện, ứng dụng này cũng đang có 175.000 đối tác tài xế tham gia mạng lưới với các dịch vụ gọi xe (ô tô và xe máy, giao hàng, đồ ăn).
Dù vậy thì Grab vẫn đang có rất nhiều vấn đề phải giải quyết tại thị trường Việt Nam. Trong đó, đáng kể là cuộc kiện tụng còn chưa ngã ngũ với Vinasun hay việc phải đối mặt với cuộc điều tra của Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) trong thương vụ mua lại Uber tại Đông Nam Á.
Ngoài ra, Chính phủ vẫn chưa có quyết sách cuối cùng về vấn đề quản lý taxi công nghệ. Nếu các điều khoản quản lý mới vẫn được giữ nguyên như văn bản cuối cùng mà bộ GTVT trình lên, hoạt động của Grab tại Việt Nam cũng khó khăn hơn.