Góc tối dưới những tòa nhà chọc trời ở Dubai

Hạ Minh |

Có ba Dubai ở Trung Đông: một thành phố hoa lệ trong mắt du khách nước ngoài, một Emiratis dưới sự lãnh đạo của Sheikh Mohammed, và một vùng đất mắc kẹt của những lao động nhập cư.

Dubai lộng lẫy xa hoa, đó là những gì dân du lịch đến quốc gia Trung Đông này được chứng kiến. Có thể, đôi lúc, tầm nhìn của họ bắt gặp một vài hình ảnh lạ lẫm - những thân hình mệt mỏi, khát cháy, mắc trên mình bộ quần áo lao động sờn cũ, gù lưng làm việc dưới cái nắng sa mạc - nhưng rồi rất nhanh, điều đó thoảng qua trong tâm trí họ. Bởi Dubai không muốn thế giới nhớ về nó như vậy.

Chỉ tới khi chiều buông, những thân hình ấy mới xuất hiện, ngày càng dày đặc. Họ, hàng trăm công nhân xây dựng nhập cư tuổi đời còn rất trẻ, tập trung trên những con đường tối cạnh công trình dang dở ở rìa Dubai, leo lên xe và trải qua chặng đường di chuyển dài 1 tiếng để trở về Sonapur - nơi tập trung những người nghèo khổ nhất Dubai.

Sonapur trong tiếng Hindu có nghĩa là "thành phố vàng", được miêu tả là một khu vực rộng lớn gồm nhiều dãy nhà bê tông giống hệt nhau kéo dài hàng dặm nằm sâu trong sa mạc, nơi ánh mắt của những du khách hiếu kỳ không bao giờ nhìn thấy được.

Được chia thành hàng nghìn phòng nhỏ, mỗi phòng gồm 6 giường, Sonapur có sức chứa tới 300.000 người. Tất cả họ đều là đàn ông, và đều là dân nhập cư đến Dubai.

Góc tối dưới những tòa nhà chọc trời ở Dubai - Ảnh 1.

Dubai là thiên đường của thế giới, nơi vàng được mua bán như thực phẩm. Nhưng ở sâu trong vùng sa mạc, nhiều lao động nhập cư lại bỏ mạng cho mỗi miếng ăn hàng ngày.

Chàng thanh niên gầy gò Sahinal Monir 24 tuổi đến từ vùng đồng bằng Bangladesh, sống tại Sonapur đã vài năm. 4 năm trước, khi một đại lý tuyển mộ công nhân tìm đến ngôi làng của Sahinal tại miền nam Bangladesh, họ vẽ ra trước mắt cậu bé mới 19 tuổi một Dubai có lương cao, việc nhàn, thức ăn nước uống đầy đủ và được đối xử tốt.

"Để lôi kéo, họ nói Dubai là thiên đường. Nhưng đó chỉ là thiên đường với những người có tiền. Còn với chúng tôi, ngay khi bước chân đến đây, đã hiểu thế nào là địa ngục".

Khi ấy, Sahinal Monir được hứa hẹn mức lương 400 bảng một tháng, làm việc từ 9h sáng đến 17h chiều tại công trường xây dựng. Tất cả những gì Sahinal phải làm là chi trả khoản tiền 2.300 USD để lấy được thị thực lao động với lời hứa khoản phí này sẽ được hoàn trả hết ngay trong 6 tháng đầu.

Thế là Sahinal Monir bán đất gia đình, vay nóng một khoản tiền và mang theo ước mơ về cuộc sống tốt đẹp, lên máy bay tới Dubai.

Ngay khi đến sân bay Dubai, hộ chiếu của Sahinal Monir bị công ty xây dựng giữ lại, rồi suốt 4 năm sau Sahinal Monir chưa từng được thấy lại nó. Ông chủ nói với Sahinal Monir rằng cậu sẽ phải làm việc 14 tiếng đồng hồ dưới cái nắng 55 độ của sa mạc vào mùa hè - điều không một khách du lịch nào chịu đựng nổi trong vòng 5 phút - và nhận 90 bảng trong vòng mỗi tháng, chưa bằng 1/4 số tiền Sahinal Monir từng được hứa hẹn.

"Ông chủ nói nếu không muốn làm thì cứ việc về nhà. Nhưng tôi làm sao có thể quay trở lại khi không có hộ chiếu, không có tiền mua vé máy bay. Thế là phải làm việc, làm việc cật lực".

Sahinal Monir sợ hãi nơi đất khách, còn gia đình anh mong ngóng khoản tiền mà cậu con trai có thể gửi về từ đất nước xa xôi. Sahinal Monir phải mất tới 2 năm lao động cật lực chỉ để trả được khoản tiền đã chi làm visa, ít hơn cả những gì cậu có thể kiếm được khi làm nông dân tại Bangladesh.

Sahinal Monir chỉ cho phóng viên căn phòng của mình tại Sonapur. Đó là một khoang bê tông gồm 3 chiếc giường tầng, nơi cậu và 11 người đàn ông khác chia sẻ chỗ ngủ. Tất cả đồ đạc mà Sahinal Monir có xếp chồng trên giường, gồm ba chiếc áo sơ mi cũ, một đôi quần ống và chiếc điện thoại di động.

Căn phòng bốc lên mùi hôi, đầy ruồi, không quạt, không cửa sổ và nóng không thể chịu nổi. "Bạn không thể ngủ. Tất cả những gì có thể làm là đổ mồ hôi như tắm và gãi cả đêm".

Góc tối dưới những tòa nhà chọc trời ở Dubai - Ảnh 2.

Sống ở Dubai suốt nhiều năm, hầu hết các công nhân nhập cư chưa từng thấy nơi này là thiên đường.

Mỗi ngày, Sahinal Monir ngồi trên chiếc xe tải vốn dùng để chở gia súc, di chuyển từ Sonapur tới các công trình dang dở ở Dubai. Công việc của chàng thanh niên là vác 50kg gạch và một khối xi măng lên các tầng xây dựng.

"Tôi uống nước nhiều nhưng không thể đi tiểu, vì cơ thể đổ mồ hôi qua nhiều. Nắng thiêu đốt trên da, mệt mỏi nhưng không thể dừng lại, không thể ngã quỵ, không thể bị ốm. Bởi nếu ốm, tiền lương sẽ bị cắt, những ngày tháng mắc kẹt tại nơi này sẽ kéo dài".

Kể từ khi Dubai lâm vào suy thoái, cuộc sống của những lao động nhập cư như Sahinal Monir càng rơi vào ngõ cụt. Họ bị cắt điện, quỵt lương trong nhiều tháng. Các ông chủ công ty biến mất cùng với hộ chiếu và tiền công.

"Chúng tôi bị cướp đi tất cả. Ngay cả bằng cách nào đó chúng tôi có thể trở lại Bangladesh, những con cá mập cho vay nặng lãi cũng sẽ yêu cầu chúng tôi phải hoàn trả món nợ ngay lập tức. Nếu không có tiền, họ sẽ tống chúng tôi vào tù".

Sahinal Monir có thể sẽ chết tại xứ người, như rất nhiều mảnh đời khốn khổ đã chết ở xứ thần tiên này qua hàng thập kỷ. Rất nhiều vụ tự sát xảy ra trong các khu nhà sống tập trung, nhưng gia đình họ chỉ nhận được một thông báo về "tai nạn ngoài ý muốn". Thậm chí, kể cả khi những con người tha hương này bỏ mạng nơi đất khách, gia đình họ sẽ mắc kẹt mãi mãi với Dubai, vì xiềng xích của những khoản nợ cho ước mơ tới vùng đất thiên đường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại