Góc giả tưởng: Nếu thế giới chỉ còn 2 người, liệu Trái đất có thể hồi sinh?

J.D |

Chỉ với 2 người, liệu một cộng đồng mới có thể được sinh ra, hay đó là dấu chấm hết cho loài người?

Adam và Eva là 2 người đầu tiên của Trái đất do Chúa tạo dựng nên, và họ cũng chính là tổ tiên của loài người. Hay ít nhất, theo Kinh Thánh thì đó là như vậy.

Góc giả tưởng: Nếu thế giới chỉ còn 2 người, liệu Trái đất có thể hồi sinh? - Ảnh 1.

Nhưng hãy xét trên góc độ khoa học. Liệu chỉ với 2 người có đủ để tạo ra toàn bộ một giống loài như chúng ta ngày nay? Hãy xem điều gì sẽ xảy ra, theo một bài viết trên BBC Future.

Trước hết, hãy đến với câu chuyện thực tế nhất, đó là toàn bộ thế hệ đầu tiên sẽ là anh chị em ruột. Thế hệ tiếp theo của họ, tất cả sẽ là họ hàng. Và rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc giao phối cận huyết trong 1 - 2 thế hệ không đem lại kết quả tốt đẹp gì.

Những thế hệ đầy bi kịch

Theo một báo cáo từ Viện khoa học Czechoslovakian, tại Cộng hòa Czech giai đoạn 1933 - 1970 có rất nhiều trường hợp giao phối cận huyết. Và trẻ em sinh ra trong giai đoạn này có tỉ lệ tử vong rất cao, cộng thêm nhiều khuyết tật về cả thể chất lẫn tinh thần.

Một trường hợp khác là người dân trên đảo Pingelap (Micronesia, châu Đại dương). Một cơn bão khổng lồ đã quét đến đây khiến gần như toàn bộ dân đảo thiệt mạng, chỉ còn sót lại 20 người. Nhóm sống sót đã gây dựng mọi thứ lại từ đầu, và người ta phát hiện ra có tỷ lệ người mù màu rất lớn ở các thế hệ sau đó.

Góc giả tưởng: Nếu thế giới chỉ còn 2 người, liệu Trái đất có thể hồi sinh? - Ảnh 2.

Cộng đồng người mù màu trên đảo Pingelap

Hay như vua Charles II của Tây Ban Nha cũng thực sự là một ví dụ điển hình cho thấy hệ quả của giao phối cận huyết, khi ra đời với một loạt khuyết tật bẩm sinh.

Góc giả tưởng: Nếu thế giới chỉ còn 2 người, liệu Trái đất có thể hồi sinh? - Ảnh 3.

Vua Charles II

Dĩ nhiên, lý do gây ra những câu chuyện như vậy chỉ có một: bộ gene quá giới hạn.

Trên thực tế, các căn bệnh di truyền hiếm gặp (bao gồm cả mù màu) thường chỉ xuất hiện nếu cả 2 gene lặn được truyền sang từ cha hoặc mẹ.

Nếu cha mẹ cũng đồng thời là anh chị em, tỉ lệ ấy sẽ cao hơn rất nhiều, và khả năng xuất hiện cũng cao hơn qua từng thế hệ.

Đa dạng di truyền còn là một trong những điều kiện bắt buộc để một loài sinh vật có thể vượt qua những biến đổi về mặt môi trường. Khi giao phối cận huyết, dĩ nhiên lợi thế này đã mất đi. Và đồng thời, chất lượng và số lượng tinh trùng cũng bị ảnh hưởng cực kỳ nhiều, dẫn đến tình trạng vô sinh.

Góc giả tưởng: Nếu thế giới chỉ còn 2 người, liệu Trái đất có thể hồi sinh? - Ảnh 5.

"Chỉ sinh sôi trong một cộng đồng nhỏ, không sớm thì muộn các vấn đề liên quan đến giao phối cận huyết cũng sẽ bộc lộ," - Bruce Robertson từ ĐH Otago (New Zealand) cho biết.

Tại sao chúng ta phải quan tâm đến vấn đề này?

Khả năng con người rơi vào cảnh chỉ còn 2 cá thể là cực kỳ thấp. Tuy nhiên, câu chuyện này có thể đã và đang xảy ra với nhiều loài sinh vật khác trên thế giới.

Vậy phải chăng nếu tình trạng ấy xảy ra với một giống loài, đó cũng là dấu chấm hết dành cho chúng? Câu trả lời không hoàn toàn như vậy.

Lịch sử loài người đã từng chứng kiến một vài cộng đồng có khả năng vượt qua rủi ro về mặt di truyền. Như người Hutterite tại Bắc Mỹ, tất cả đều là con cháu từ 18 cặp vợ chồng thôi.

"Dù rủi ro mắc bệnh di truyền là rất lớn, nhưng mọi thứ cũng chỉ là tỉ lệ thống kê," - trích lời John Moore, chuyên gia NASA cho biết. "Khi đã là bắt buộc, thì mọi thứ đều có thể xảy ra."

Tham khảo: Science Alert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại