Gỡ khó tìm vốn hậu Covid: Cần thích ứng, tầm nhìn, niềm tin, và... chuyên nghiệp hoá

Bizlive |

Nội dung tọa đàm “Nối lại cung - cầu vốn, tiếp sức phục hồi” do BizLIVE phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) tổ chức.

Tính đến ngày 29/5, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế mới chỉ ở mức 1,96% so với cuối năm 2019. Đây là mức tăng trưởng rất thấp so với mức 5,74% cùng kỳ năm 2019 và 6,16% cùng kỳ năm 2018, dù hệ thống ngân hàng thương mại đã sẵn sàng các gói tín dụng ưu đãi quy mô lên tới khoảng 600.000 tỷ đồng.

Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, một trong những nguyên nhân chính của tốc độ trên là nhu cầu vay vốn thấp, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ở khía cạnh này, tăng trưởng tín dụng trở thành một trong những chỉ báo cùng phản ánh thực tế và triển vọng phục hồi của nền kinh tế trong và sau đại dịch.

Ở một chỉ báo khác, thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đã thể hiện đà hồi phục mạnh hơn hai tháng qua. Nhưng xu hướng này có bền vững hay không với thực trạng và triển vọng phục hồi nền kinh tế?

Trong khi đó, qua hơn ba tháng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mặc dù Việt Nam đã kiểm soát thành công và thiết lập trạng thái “bình thường mới”, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, còn những hệ quả nặng nề từ đại dịch.

Đến nay, các guồng quay của nền kinh tế đang dần trở lại sau khi gỡ bỏ giãn cách xã hội; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bước vào chu kỳ cao điểm thường thấy trong năm. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh đã thuận lợi hơn chưa, và liệu các kênh dẫn vốn đã thực sự được thúc đẩy để cùng tiếp sức doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19?

Tọa đàm “Nối lại cung - cầu vốn, tiếp sức phục hồi” do BizLIVE phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) tổ chức, đang diễn ra sáng nay (12/6) tập trung thông tin xoay quanh những câu hỏi trên.

Tham dự tọa đàm có:

- Đại diện 20 doanh nghiệp thành viên Hanoisme

- TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế

- TS. Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hanoisme

- TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính

- TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương

- Ông Vũ Tuấn Anh, Quyền Giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB)

- Bà Tạ Thị Tuệ Anh, Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội

- Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng, Giám đốc chiến lược CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI)

- Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Khối Phân tích & Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

- Các nhà báo, phóng viên kinh tế


12h15: Chốt lại tọa đàm, mỗi diễn giả đã nêu quan điểm ngắn gọn về giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là tính thanh khoản của doanh nghiệp vẫn chưa được nói đến nhiều. Các doanh nghiệp đang cần thanh khoản, có thể họ không cần chính sách, không cần  giảm lãi suất, nhưng họ rất cần dòng tiền để trả lương cho nhân viên, tiền mua nguyên vật liệu… nên giải pháp phải hướng vào vấn đề này.

Ông Lê Đức Khánh cho rằng, doanh nghiệp cần có khả năng thích ứng và có tầm nhìn.

Còn theo ông Vũ Tuấn Anh, hiện tại doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có những khó khăn, liên quan đến thanh khoản hay tầm nhìn. Nên ngân hàng phải có giải pháp chia sẻ cùng doanh nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và xây dựng GMA Việt Nam cho rằng, cần căn chỉnh pháp lý để doanh nghiệp tiếp cận vốn được dễ dàng hơn. Doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để duy trì niềm tin với ngân hàng. “Ngoài nguồn vốn ngân hàng, chúng tôi cũng nghĩ đến hướng cổ phần doanh nghiệp để tăng thêm kênh huy động vốn cho doanh nghiệp”, ông nói.

Bà Tạ Thị Tuệ Anh, Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội nhận xét, nhiều diễn giả nói về khó khăn thách thức, nhưng thực sự ở Việt Nam thời buổi này, mọi người nên cảm thấy may mắn. Nhìn vào số lượng người nước ngoài quay về Việt Nam thời buổi này, có thể thấy niềm tin của họ với thể chế Việt Nam rất cao. Hiện tại là lúc doanh nghiệp nâng tầm tư duy để có thể tham gia vào những chuỗi cung ứng lớn.

Bà Đinh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn doanh nghiệp Hanoisme nhấn mạnh một ý, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bổ sung qua các năm đến 2.000 tỷ, nhưng đến nay mới có hơn 100 tỷ được duyệt và 52 tỷ được giải ngân cho 14 dự án. Một con số quá nhỏ, giống như ném đá ao bèo. Chính sách đưa ra rất hoàn hảo, thế nhưng chúng ta không đánh giá được kết quả cuối cùng.

Ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hóa mới đi được đường dài. Đặc biệt doanh nghiệp cần có quan hệ chuyên nghiệp với ngân hàng, đối tác.

Theo ông Võ Trí Thành, bản chất dân tộc Việt Nam rất linh hoạt, đó là thế mạnh, nhưng điểm yếu của người Việt là lười sáng tạo. Người Việt Nam cũng có truyền thống duy tình nhưng điều này lại không tốt cho quá trình chuyên nghiệp hóa.


TÍNH CÁCH SỐNG CHUNG VỚI DỊCH

11h30: TS. Nguyễn Trí Hiếu phát biểu, tại Mỹ có câu đại ý “cuộc giải phẫu thành công nhưng bệnh nhân chết”, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian qua đã và đang ngắc ngoải.

"Tại sao chúng ta không xây dựng một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, địa phương cũng sẽ bổ sung vốn của mình vào đó", ông đặt vấn đề.

Còn theo ông Tú Anh, "trong khoảng đệm này, mình cứ sống đã, chưa mở rộng quy mô, nhưng nên mở rộng tư duy. Chúng ta cần phải tính cách sống chung với dịch, đây là giai đoạn để ngẫm, để nghĩ, để chuẩn bị cho sắp tới".

TS. Võ Trí Thành tổng kết, các ngân hàng cũng đang trong quá trình khó khăn, phải cải tổ, tăng vốn đạt chuẩn mới, ngoài ra còn rất nhiều câu chuyện dài hạn khác. Tuy nhiên, các ngân hàng có định mức tín nhiệm dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Gói hỗ trợ của Việt Nam có quy mô ấn tượng, dù rằng hỗ trợ trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Việt Nam cũng đang phải tính đến bài toán hỗ trợ cho các tập đoàn, tổng công ty lớn. Covid-19 tác động đến tất cả các loại hình doanh nghiệp, không chừa doanh nghiệp nào. Nguồn lực hạn chế này vừa phải lo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, lại phải hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn.

"Nhưng cũng như nhiều chuyên gia, tôi tin rằng tương lai đất nước này sẽ rất tươi sáng", ông nói.


Gỡ khó tìm vốn hậu Covid: Cần thích ứng, tầm nhìn, niềm tin, và... chuyên nghiệp hoá - Ảnh 1.

RỦI RO THỜI GIAN TỚI, VIỆT NAM KHÁC HẲN CÁC NƯỚC

11h25: Về rủi ro trong thời gian tới, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, về mặt bản chất tình hình Việt Nam hiện nay khác hẳn các nước khác.

Dù ảnh hưởng của dịch, lạm phát năm nay cũng khó tăng trên 4%. Trước đây, khi kinh tế có rủi ro gì người dân tích trữ USD rất cao, nhưng hiện nay tình trạng tích trữ không có, nên tỷ giá giảm liên tục. Bên cạnh đó, tuy thâm hụt ngân sách có thể cao hơn nhưng so với các nước khác vẫn thấp hơn, chỉ khoảng 3%. Ngoài ra, dự trữ lương thực của Việt Nam ổn định.

Theo ông, vấn đề của Việt Nam hiên nay là làm thế nào để thu hút và giữ được nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Hiện thế giới có khoảng 9.000 tỷ USD đang đi vào đầu cơ do không biết đầu tư đi đâu. Việt Nam đang là điểm đến của dịch chuyển đầu tư nên sẽ là đích đến của dòng vốn ngoại. Do đó, Việt Nam đừng để đứt dòng tiền vào thời điểm này.

Còn về vấn đề nên cứu doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, ảnh hưởng của doanh nghiệp lớn lớn hơn rất nhiều, nên phải giữ được doanh nghiệp lớn. Cạnh tranh toàn cầu cần có doanh nghiệp lớn. Bài học từ Mỹ cho thấy, khi để Leman Brothers sụp đổ đã kéo theo hàng loạt doanh nghiệp khác sụp đổ. Tuy nhiên, cũng không thể chỉ cứu doanh nghiệp lớn mà cũng phải cứu các doanh nghiệp nhỏ, vì các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đa phần là các doanh nghiệp nhỏ.

Ông nhận xét, Việt Nam đang là điểm sáng hậu Covid-19, Chính phủ đã vào cuộc rất sớm không chỉ trong công tác phòng chống dịch mà còn gỡ khó cho các doanh nghiệp. Với các chính sách tài chính thì Chính phủ có thể quyết định, nên có thể vào cuộc sớm, nhưng chính sách tài khóa phải chờ Quốc hội thông qua, do đó sẽ lâu hơn.

Dù sao, trong thời gian tới, với doanh nghiệp nhỏ vốn sẽ rẻ hơn. Cần xây dựng lòng tin để có thể đi đường dài cùng nhau.


"BASEL II KHIẾN DOANH NGHIỆP KHÓ VAY VỐN HƠN"

11h15: Một lý do quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp khó vay vốn là do trong chiến lược của ngành ngân hàng, các ngân hàng phải nâng chuẩn tín dụng lên, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương nêu.

"Việt Nam đang chuẩn bị áp dụng chuẩn Basel II, ngân hàng rất muốn cho vay nhưng do cần tiến tới nâng chuẩn nên điều kiện cho vay phải khắt khe hơn".

Tuy nhiên, ngân hàng không thể ôm mãi một đống tiền được nên sẽ có thể giảm lãi suất.

Ngân hàng có thể hạ lãi suất 1-2% nhưng do độ co giãn về cầu của doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay khá "cứng", nên dù giảm lãi suất thì số tiền cho vay vẫn không tăng.


"NGÂN HÀNG MUỐN CHO VAY CHỨ, NHƯNG..."

11h10: TS. Võ Trí Thành kể, ông từng đọc một cuốn sách có tên “Nguồn vốn vô hạn” do một doanh nhân viết. Và, nếu nói về nguồn tiền vô hạn thì chắc chắn tiền đó không phải vốn ngân hàng mà là vốn từ cổ phần hóa, đó chính là cách huy động vốn lớn nhất.

DNVVN đứng trước lựa chọn hoặc là duy trì theo kiển doanh nghiệp gia đình hoặc là cổ phần hóa để mở ra một bầu trời huy động vốn vô tận. Chính thị trường vốn sẽ giúp giải quyết bài toán huy động vốn dài hạn, không phải ngẫu nhiên mà NHNN quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng. Vốn dài hạn phải là từ trái phiếu, là vốn cổ phần.

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương tiếp lời: "Vấn đề DNVVN khó tiếp cận tín dung không phải là mới, chúng tôi cũng đã tìm hiểu khá nhiều về vấn đề này".

"Về bản chất, hệ thống BCTC của các doanh nghiệp Việt Nam có độ tin cậy thấp nên khó có thể thuyết phục ngân hàng, nhưng một điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu cải thiện".

"Về ảnh hưởng của Covid-19, tôi rất đồng ý là chính sách của chúng ta trong thời gian qua đã phản ứng rất nhanh, tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là chúng ta muốn nhanh nhưng hệ thống pháp luật cũng không thể bỏ qua", ông nói.

Ông Tú Anh nêu một ý kiến đáng chú ý: "Thực tế, thanh khoản hệ thống ngân hàng không thiếu, vấn đề của doanh nghiệp là thiếu thị trường, cầu thấp quá, nên việc hạ lãi suất hay việc đẩy tín dụng ra, cái nào quan trọng hơn?

Lãi suất liên ngân hàng hồi tháng 3 quanh ngưỡng 3,8%, đến hiện nay chỉ hơn 1%, trên 100 nghìn tỷ đồng đã được đưa ra thị trường qua tín phiếu, điều đó chứng tỏ thanh khoản rất dồi dào. Bản thân các ngân hàng cũng muốn cho vay chứ, nhưng quan trọng là họ phải thu lại được tiền".


Gỡ khó tìm vốn hậu Covid: Cần thích ứng, tầm nhìn, niềm tin, và... chuyên nghiệp hoá - Ảnh 2.

UPCOM LÀ MỘT GIẢI PHÁP TÌM VỐN ĐÁNG CHÚ Ý

11h: Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng, Giám đốc chiến lược CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) phân tích, nếu mà luật chứng khoán sắp tới có sửa đổi và có định chế tài chính độc lập thẩm định doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ có thêm kênh phát hành trái phiếu, tức là sẽ có thêm kênh huy động vốn.

Ông Võ Trí Thành hỏi, năm 2019 là năm đầu tiên trong lịch sử ngành tài chính Việt Nam, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn hơn trái phiếu chính phủ. 4 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn tăng đôi chút so với cùng kỳ năm 2019. Vậy trong các công ty phát hành trái phiếu vừa qua, mức nhỏ nhất phát hành là bao nhiêu?

Ông Lê Đức Khánh trả lời, quy mô đợt phát hành quy mô nhỏ nhất là 50 tỷ.

Ông Thành: Xin mời thêm ý kiến của công ty chứng khoán?

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Khối Phân tích & Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đáp lời, cho đến nay đã có sân chơi nhất định cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, ví dụ như sàn UpCOM.

Giờ đây chúng ta mới nhìn thấy vốn ngắn hạn của doanh nghiệp từ tín dụng, còn nếu nhìn dài, chúng ta có thể đẩy mạnh minh bạch hóa trên thị trường như UpCOM, mặc dù có thể cơ hội trên UpCOM chưa lớn, nhưng nó minh bạch hơn và tiếp cận được dòng vốn lớn hơn, ông nói.


Gỡ khó tìm vốn hậu Covid: Cần thích ứng, tầm nhìn, niềm tin, và... chuyên nghiệp hoá - Ảnh 3.

NGÂN HÀNG KHÔNG PHÂN BIỆT CÁ NHÂN HAY DOANH NGHIỆP

10h50: Trả lời cho câu hỏi tại sao hiện nay lãi suất cho vay cá nhân lại cao hơn, ông Vũ Tuấn Anh, Quyền Giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng SHB cho biết, hiện nay các ngân hàng xếp hạng tín nhiệm không phân biệt cá nhân hay doanh nghiệp. Như tại SHB, ngân hàng đã đưa ra các tiêu chí cụ thể cho các chi nhánh để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng.

Bổ sung ý kiến về vấn đề này, ông Võ Trí Thành cho rằng có hai lý do hiện nay lãi suất cho vay cá nhân cao. Thứ nhất là vì cho vay cá nhân rủi ro hơn, cá nhân thường không có tài sản thế chấp, không như doanh nghiệp phải có tài sản mới được vay.

Thứ hai, quy mô vay nhỏ, mà quy mô nhỏ thì cần nhiều người hơn để quản lý nên cho phí quản lý tốn kém hơn.

Thông tin thêm về việc triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Vũ Tuấn Anh nói, ngay trong tháng hai, SHB đã triển khai gói 5.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, SHB cũng đã tung ra gói 25.000 tỷ, dựa trên cơ sở tính toán mức độ doanh nghiệp cần hỗ trợ và mức độ hỗ trợ lãi suất 2%. Gói hỗ trợ này áp dụng cho toàn bộ hệ thống chi nhánh của ngân hàng. Đến 30/4, các chi nhánh đã thực hiện được 5.000 tỷ, trong gói 25.000 tỷ này.


NGUYÊN NHÂN TỪ CẢ HAI PHÍA

10h30: "Trước hết tôi xin chia sẻ, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, vì vậy, chúng tôi luôn thấu hiểu và chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Với tinh thần đó, SHB đã triển khai rất nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua", ông Vũ Tuấn Anh, Quyền Giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) nói tại tọa đàm.

Cụ thể, theo ông Tuấn Anh:

Thứ nhất, SHB đã triển khai gói tín dụng 25 nghìn tỷ với lãi suất giảm 2% so với thông thường, để đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Thứ hai, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và NHNN, SHB đã thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi với các khách hàng đáp ứng đủ Thông tư 01. Đồng thời, miễn giảm các phí giao dịch như phí giao dịch online, giao dịch liên ngân hàng…

"Chúng tôi cũng đã thực hiện cắt giảm chi phí, đồng thời, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mức lợi nhuận phù hợp hơn so với kế hoạch ban đầu".

"Ban điều hành cũng đã thống nhất sẽ cắt giảm 50% lương, lãnh đạo từ cấp phòng trở xuống giảm từ 10-30% lương để giúp ngân hàng cắt giảm chi phí, đồng hành cùng doanh nghiệp".

Ông nói, SHB hiểu rằng với các doanh nghệp vừa và nhỏ, việc tiếp cận nguồn vốn là khá khó khăn. Nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía: doanh nghiệp và ngân hàng.

Về phía doanh nghiệp, thì các thông tin về thị trường, công nghệ, quản trị có hạn chế nhất định còn về phía ngân hàng, thủ tục đôi khi còn rườm rà.

Theo đó, mới đây SHB và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên của VINASME nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả.

Đặc biệt, SHB đưa ra các sản phẩm tài trợ theo chuỗi giá trị làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Bởi khi tài trợ riêng lẻ từng doanh nghiệp thì bản thân ngân hàng cũng phát sinh chi phí, các chi  phí đó lại được cộng vào giá bán làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

SHB cũng hợp tác với Amazon thúc đẩy thương mại điện tử, tạo ra các trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại điện tử, hiện đã được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM.

Đây hiện là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ kết nối doanh nghiệp để bán hàng cung cấp tiện ích trên Amazon.


Gỡ khó tìm vốn hậu Covid: Cần thích ứng, tầm nhìn, niềm tin, và... chuyên nghiệp hoá - Ảnh 4.

LÝ LỊCH TÍN DỤNG CỦA DOANH NGHIỆP "VÔ CÙNG PHỨC TẠP"

10h20: TS. Võ Trí Thành hỏi, khi cho vay, ngân hàng có vẻ hơi máy móc khi không nghiên cứu thật kỹ về đặc điểm, quy trình kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy ngân hàng phản hồi ra sao về điều này?

Bà Tạ Thị Tuệ Anh, Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội trả lời, ở Việt Nam, doanh nghiệp giao dịch với quá nhiều ngân hàng, chính vì vậy, lý lịch tín dụng của họ vô cùng phức tạp. Muốn làm bạn, đồng hành với nhau, cần phải có sự tin tưởng dài hạn. Khi một doanh nghiệp hỏi vay vốn ngân hàng, nhưng khi đến thẩm định dự án, lại phát hiện ra doanh nghiệp cũng đang dùng tiền của ngân hàng khác, thành ra quá trình vay khá phức tạp.

Liên quan đến dịch Covid-19, các ngân hàng cũng đã kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định 01 để giãn nợ nhưng không hạ nhóm nợ. Tuy nhiên NHNN lại chốt ngày là 23/1/2020, mà trong khi đó thực tế phải đến hiện tại hoặc vài tháng nữa, doanh nghiệp mới thực sự bộc lộ tác động nặng nề.

Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã có chương trình giảm phí giảm lãi cho ngân hàng, tuy nhiên cũng cần đến sự thông cảm của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chú trọng đầu tư về công nghệ, quản lý và thanh toán. Khi làm việc cùng với doanh nghiệp, HSBC nhận thấy rằng nếu doanh nghiệp làm tốt những việc này, doanh nghiệp sẽ bớt nhu cầu phải vay vốn.


HỘ CÁ NHÂN VAY LÃI CAO HƠN LÀ "KHÔNG CÔNG BẰNG"

10h05: Ông Hoàng Ngọc Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Phúc Thọ phát biểu, nên gia hạn và cơ cấu lại các khoản vay cho doanh nghiệp khó khăn trong thời kỳ Covid-19 vừa qua. Nếu không làm nhanh sẽ ảnh hưởng đến uy tín, không vay được vốn.

Bình thường, doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn, chỉ được 6 tháng thì sau khoảng thời gian quá ngắn lại phải xoay vốn để trả. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thiếu vốn lại phải chuẩn bị trả lại. Vậy tại sao chính sách không cho doanh nghiệp lên 12 - 15 tháng, ông đặt câu hỏi.

"Hiện tại các hộ cá nhân vay lãi cao hơn nhiều, tôi nghĩ rằng điều này không được công bằng lắm. Hộ kinh doanh không thể dễ lên doanh nghiệp, bởi đa phần họ ban đầu khởi nghiệp không có đủ hiểu biết và chưa đủ khả năng".

"Như doanh nghiệp chúng tôi, mấy chục năm nay chưa bao giờ quá hạn dù chỉ một ngày, có lúc vay đến cả trăm tỷ, tuy nhiên đợt dịch vừa rồi xin giảm lãi suất mà làm việc mãi cũng chỉ được giảm rất thấp".


Gỡ khó tìm vốn hậu Covid: Cần thích ứng, tầm nhìn, niềm tin, và... chuyên nghiệp hoá - Ảnh 5.

"TÔI KHÔNG MUỐN CÁC DOANH NGHIỆP CHỈ KÊU CA"

10h00: Giãi bày tại tọa đàm, ông Dương Văn Dân, Giám đốc CTCP Bigsun Việt Nam nói, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất thiếu vốn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ cũng thiếu kinh nghiệm quản trị và tài sản đảm bảo.

90% các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thiếu tài sản đảm bảo nên khi rơi vào khó khăn lại càng khó tiếp cận nguồn vốn. Khi có nguồn tiền về ngân hàng chỉ muốn thu lại khoản vay, chứ không muốn cho vay thêm. Cho nên, ông Dân đặt câu hỏi: ngân hàng liệu có giải pháp gì để giãn nợ và nới lỏng điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp khó khăn về vốn?

Trong khi đó, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội nói, ở góc độ doanh nghiệp, ông tán thành ý kiến của ông Võ Trí Thành là Chính phủ phải quyết tâm và nhanh.

Ông kể, hôm qua Chính phủ vừa đồng ý cho ngành nông nghiệp nhập khẩu heo sống thương mại từ Thái Lan về Việt Nam. Đây là ý kiến của ông trong một tọa đàm gần đây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

“Mặc dù doanh nghiệp của tôi đang sản xuất heo tươi nội địa nhưng chúng tôi chấp nhận điều này. Bên cạnh đó, theo tôi, hiện nay, thuế nhập khẩu heo đang là 15% thì nên giảm xuống 0%, chứ không nên chỉ 10%”, ông nói.

Theo ông Dũng, hiện nay ở biên giới phía Nam, mỗi ngày có khoảng 10.000 con heo đi đường tiểu ngạch về Việt Nam, các cơ quan cũng đau đầu về áp lực CPI. Tuy giá heo đã giảm xuống 90.000-91.000 đồng/kg rồi, song nguồn cung heo vẫn thiếu nên việc nhập khẩu thịt heo sẽ giúp giá thịt heo trong nước giảm xuống.

Ông nói, doanh nghiệp hiện nay rất cần tiền, nhưng không phải chỉ cho bằng cách vay vốn, thay vào đó, cần có những chính sách nhanh, nhưng phải khớp để tạo ra lòng tin cho doanh nghiệp, mà có lòng tin là có tất cả.

“Doanh nghiệp chúng tôi cũng có điều lệ, nhân viên có điều lệ, đối tác có hợp đồng, nên doanh nghiệp chỉ mong chính sách nhanh và khớp, mang tính thực tiễn. Tôi không muốn các doanh nghiệp chỉ kêu ca, mà kêu ca thì không có thời gian để làm”.


CHƯA TỪNG CÓ NỢ XẤU, NHƯNG VAY NGÂN HÀNG KHÓ QUÁ!

9h45: Ông Bùi Ngọc Tường (Tập đoàn Đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành) kể, hiện doanh nghiệp ông đang quản lý 22 nhà máy nước sạch trên khắp cả nước, thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, tức thuộc nhóm doanh nghiệp được ưu tiên, "nhưng vẫn thấy vay vốn ngân hàng khó quá".

"Hiện vốn điều lệ của chúng tôi là 120 tỷ đồng trong khi lại đầu tư tới hơn 20 nhà máy nước nên nhu cầu vay vốn rất lớn. Tuy nhiên, để vay vốn, thì các ngân hàng đòi doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, mà tài sản thế chấp đó phải thuộc về người sáng lập, không thể lấy tài sản của các bộ nhân viên ra thế chấp được. Như vậy thì khó quá!", ông nói.

"Thêm nữa, các ngân hàng cũng không chấp nhận tài sản thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai càng khiến cho cánh cửa vay vốn của chúng tôi thu hẹp lại".

"Cho tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp tôi chưa từng có nợ xấu, nợ quá hạn tại các ngân hàng. Về dòng tiền, mỗi tháng chúng tôi có khoảng 2 tỷ đồng chảy vào tài khoản tại ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Long Biên, tuy nhiên, 10 năm nay chúng tôi vẫn chưa vay được đồng vốn nào tại đây".


Gỡ khó tìm vốn hậu Covid: Cần thích ứng, tầm nhìn, niềm tin, và... chuyên nghiệp hoá - Ảnh 6.

BỐI CẢNH HIỆN TẠI CẦN QUYẾT LIỆT VÀ NHANH

9h30: TS. Võ Trí Thành phát biểu, ngân hàng chắc chắn cần người gửi tiền, cần doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp có nhiều cách huy động vốn. Ở Việt Nam, tình hình tài chính đang do hệ thống ngân hàng chi phối.

Vậy nên doanh nghiệp cần ngân hàng và ngân hàng cần doanh nghiệp. Khi chưa có Covid-19 mọi chuyện cũng không hề đơn giản, quan hệ ấy có thể là cùng thắng, cũng có thể là một bên thua một bên thắng và thậm tệ nhất là 2 bên cùng thua.

Với Covid-19, khi mà chuỗi cung ứng khó khăn, thu nhập thế giới suy giảm, cơ hội làm ăn không còn nhiều như bình thường. Về phía ngân hàng, tiền có thể có nhưng lo nợ xấu. Ban đầu, VAMC dự tính sẽ hoàn thành trong 5 năm, tuy nhiên dù rằng cho đến giờ 8 năm, gần 10 năm rồi vẫn chưa giải quyết xong.

Giờ đây nếu cục nợ xấu bùng phát, không nhẽ lại 10 năm nữa. Trong bối cảnh hiện tại, cần phải rất quyết liệt và nhanh. Giải pháp vừa rồi của chính phủ có thể chưa hoàn hảo nhưng cần nhát phải làm nhanh.


KHẢ NĂNG TRẢ NỢ: ĐIỀU KIỆN ĐẦU TIÊN ĐỂ "TIỀN ĐÂU"

9h15: Phát biểu tại tọa đàm, TS. Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hanoisme cho biết, trước cuộc tọa đàm này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để tìm ra giải pháp giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp.

“Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong quá tình quan sát và hỗ trợ doanh nghiệp, Hanoisme nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng đến công tác thị trường, nhất là các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng 80-90%”, ông nói.

Cũng theo Phó chủ tịch Hanoisme, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01, hỗ trợ trực tiếp cho nhiều doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, Hanoisme đã hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội hoàn thiện các thủ tục để có thể thụ hưởng từ Thông tư 01.

“Một trong những điều kiện đầu tiên để được vay vốn là doanh nghiệp phải có đủ khả năng trả nợ. Đây cũng là việc đang gây khó giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và ngân hàng, nên tôi mong muốn tọa đàm hôm nay tìm ra lời giải để kết nối cung cầu vốn, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp”, TS. Mạc Quốc Anh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại