Sáng 24/5 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ đã gửi một bức thư cá nhân tới nhà lãnh đạo Kim Jong-un thông báo việc hủy cuộc gặp Thượng đỉnh. Hành động này phần nào hé hộ “phong cách ngoại giao” của Tổng thống thống Mỹ. Bức thư của ông đang được giới phân tích “mổ xẻ” để tìm hiểu hành động tiếp theo của Mỹ là gì?
Khổ mở đầu của bức thư:
Mở đầu bức thư, Tổng thống Trump đã sử dụng danh xưng “Ngài”- một cách gọi “đáng chú ý” dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Danh xưng này được ông Trump sử dụng trong cả bức thư, với lời cảm ơn nhà lãnh đạo Triều Tiên vì “đã dành thời gian, kiên nhẫn và nỗ lực”.
Tổng thống Trump cũng đã dùng những từ ngữ “công kích tiêu cực” nhằm vào ông Kim Jong-un khi gọi phát ngôn mới nhất của nhà lãnh đạo Triều Tiên là “thịnh nộ” và “thù địch”, khiến ông Trump cảm thấy rằng thời điểm này không phù hợp để tổ chức cuộc gặp.
Ông Trump chỉ ra rằng, chính ông Kim Jong-un là người muốn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh với lời đề nghị đầu tiên đưa ra hồi tháng 3. Ông cũng nhấn mạnh, đây là cuộc gặp “được lên kế hoạch từ lâu”- tính từ thời điểm lời đề xuất đầu tiên của ông Kim Jong-un hồi tháng 3 cho đến tuyên bố ấn định thời gian và địa điểm gặp vài tuần trước đây của ông Trump.
Bức thư “bất ngờ” của Tổng thống Trump gửi tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng ngày Bình Nhưỡng tiến hành đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri như đã cam kết. Tuy nhiên, ngay trước đó Triều Tiên cũng gửi tới Washington những cảnh báo cứng rắn về nguy cơ chiến tranh hạt nhân và lời chỉ trích nặng nề nhằm vào Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, khi gọi phát biểu của ông này là “ngu ngốc”.
BBC dẫn ý kiến phân tích cho rằng, Tổng thống Trump đã hết lần này đến lần khác cho thấy ông sẽ không chịu đựng những lời lẽ gây hấn nặng nề từ Triều Tiên.
Những từ ngữ mang hơi hướng “lửa và thịnh nộ” đã được ông Trump sử dụng trong bức thư gửi ông Kim, khi nhắc tới năng lực hạt nhân của Mỹ. Điều này đưa chúng ta trở lại giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm Mỹ-Triều trong mùa Hè năm ngoái, khi 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên không ngần ngại dùng lời lẽ cảnh báo và chỉ trích nặng nề nhằm vào nhau. Căng thẳng Mỹ-Triều thời điểm này thậm chí khiến thế giới lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa 2 bên.
Bức thư của Tổng thống Trump mở đầu bằng những lời lẽ ngoại giao, nhưng phần cốt lõi của bức thư nằm trong những dòng này.
“Ngài nói về năng lực hạt nhân của Ngài nhưng năng lực hạt nhân của chúng tôi cũng rất mạnh và tôi cầu Chúa là chúng sẽ không bao giờ được sử dụng”, ông Trump viết.
Khổ thứ hai
Sau những lời lẽ đanh thép khẳng định đây không phải là “thời điểm thích hợp” để tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh và kết thúc bằng cảnh báo sức mạnh hạt nhân của Mỹ, Tổng thống Trump đặt bút xuống dòng tiếp tục trở lại văn phong ngoại giao mềm mỏng.
Ông Trump nhấn mạnh bầu không khí thiện chí gần đây khi nói rằng hai bên đã có một “cuộc đối thoại tuyệt vời”, đồng thời ngụ ý rằng cánh cửa đối thoại không hoàn toàn đóng lại.
“Tôi rất mong sẽ gặp Ngài vào một ngày nào đó”, Tổng thống Mỹ viết.
Nhà lãnh đạo Mỹ hâm nóng lại bầu không khí thiện chí của Triều Tiên khi nhắc lại việc Bình Nhưỡng đã trả tự do cho 3 công dân Mỹ. Ông Trump không giấu sự cảm kích và gọi đây là “cử chỉ tuyệt vời và rất đáng trân trọng” của Triều Tiên.
Tuy nhiên, những câu chữ này của bức thư sẽ khiến giới chuyên gia đặt ngược lại câu hỏi rằng: “Vậy còn thời điểm nào thích hợp hơn với ông Trump?”
Khổ kết của bức thư
Đây là khổ kết theo đúng khuôn mẫu thông thường. Tổng thống Trump đã dùng những từ ngữ hoa mỹ nói về tầm quan trọng của cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều:
“Nếu như Ngài đổi ý liên quan tới cuộc hội nghị quan trọng bậc nhất này, đừng ngần ngại mà hãy gọi điện hoặc viết thư cho tôi. Cả thế giới, và Triều Tiên nói riêng, đã bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời vì hòa bình lâu dài và sự phát triển thịnh vượng. Cơ hội bị bỏ lỡ này thực sự là một khoảnh khắc đáng buồn của lịch sử”.
Trong dòng Tweet sau đó, ông Trump nhắc lại cụm từ “thời khắc vô cùng đặc biệt cho hòa bình thế giới” để nói đến cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà chính ông vừa tuyên bố hủy bỏ.
Trước đó, những người ủng hộ Tổng thống Mỹ tham gia cuộc gặp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tán dương và thậm chí muốn ông Trump giành giải Nobel Hòa bình.
“Giải thưởng mà tôi mong muốn là chiến thắng cho cả hòa bình thế giới”, BBC dẫn lại một tuyên bố của ông Trump. Tuy nhiên, thực tế lúc này lại là một “thời khắc đáng buồn trong lịch sử”./.