Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động tối 30-9, một người thân của gia đình giáo sư Vũ Khiêu xác nhận giáo sư đã qua đời ngày 30-9 tại Hà Nội.
Giáo sư Vũ Khiêu tên đầy đủ là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19-9-1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Sau khi tốt nghiệp tú tài tại Hải Phòng, ông lên Hà Nội làm nghề dạy học và đi theo cách mạng.
Giáo sư Vũ Khiêu, Anh hùng Lao động, nhà khoa học xã hội hàng đầu Việt Nam
Giáo sư từng đảm nhận chức vụ Giám đốc Sở Văn hóa khu 10 tại Việt Bắc rồi Tây Bắc (1947 - 1954), Sau giải phóng Hà Nội, ông sang Bắc Kinh học trường Đảng cao cấp (1954 - 1956), trở về, giữ chức Phó Tổng Giám đốc TTXVN. Tới năm 1959, ông tổ chức bộ phận Mỹ học đầu tiên ở Việt Nam rồi sang Hungary học, về dạy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Sau năm 1954, ông chuyển dần từ công tác tuyên huấn sang làm công tác nghiên cứu. Ông cũng tham gia giảng dạy triết học và lý luận khoa học xã hội cho các trường Đảng và các trường đại học. Năm 1959, ông làm Thư ký khoa học xã hội của Uỷ ban Khoa học Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học.
GS Vũ Khiêu cùng gia đình người con trưởng - vợ chồng GS-TS Cảnh Khanh, Lê Thị Quý và vợ chồng cháu nội Cảnh Linh
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và viết sách của mình, GS Vũ Khiêu đã xuất bản hàng trăm tác phẩm có giá trị trên nhiều lĩnh vực như triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hoá, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn, cuộc đời một số thi hào…
Các tác phẩm tiêu biểu như Đẹp (1963), Cao Bá Quát (1970), Ngô Thì Nhậm (1976), Anh hùng và Nghệ sỹ (1972), Cách mạng và Nghệ thuật (1979), Nguyễn Trãi (1980), Bàn về Văn hiến Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng biên soạn tổng tập Ngàn năm văn hiến Thăng Long (4 tập, nặng gần 27 kg).
Ông cũng tham gia biên soạn bộ Bách khoa thư Hà Nội, trực tiếp thực hiện tác phẩm Lịch sử khoa học xã hội và nhân văn TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học bộ sử Ngàn năm Thăng Long gồm hơn 100 cuốn. Gần đây nhất là bộ Văn hiến Thăng Long gồm 3 tập dày 2.400 trang…
GS Vũ Khiêu được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Nhất, công dân ưu tú Thủ đô trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội…
Đầu năm 2017, Giáo sư Vũ Khiêu đã vinh dự đón nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.