Một chuyên gia an ninh mạng đã cảnh báo rằng khả năng chiến tranh mạng trong tương lai của Trung Quốc sẽ nguy hiểm hơn bất cứ vũ khí hủy diệt nào trong khu vực.
Và vào thập kỷ tới, khả năng chiến tranh mạng của Trung Quốc có thể thay đổi cục diện toàn khu vực.
Đó là quan điểm của chuyên gia an ninh mạng Greg Austin, người dự đoán chiến tranh công nghệ sẽ “định nghĩa lại cả chiến tranh lẫn chính trị khắp Đông Nam Á”
Vị giáo sư an ninh mạng kiêm nhà chiến lược và ngoại giao đến từ trường đại học NSW còn khẳng định với news.com.au rằng trong khi những căng thẳng tiếp tục leo thang ở biển Đông, mối đe doạ lớn nhất đến hoà bình khu vực vẫn chưa thật sự lộ diện.
Hiện tại, Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách tích hợp vũ khí điện tử và thống trị thông tin trong các chiến lược quân sự. Đến 2030, Trung Quốc sẽ hoàn toàn làm chủ khả năng chiến tranh điện tử.
Điều này sẽ làm thay đổi cân bằng chiến lược ở TâyThái Bình Dương hơn bất cứ điều gì đang xảy ra xung quanh các rạn san hô ở vùng biển biển Đông hiện tại.
Ông Austin cho biết hiện tại, Trung Quốc và Mỹ đang có những căng thẳng trên điểm nóng biển Đông. Tuy nhiên, ông nhận định trong tương lai điểm nóng này sẽ thay đổi.
“Vấn đề chính ở đây là an ninh mạng. Tất cả chúng ta đang chú ý vào một điểm nóng chưa thật sự chính xác. Điểm nóng không phải ở biển Đông, nơi các lợi ích chiến lược của Trung Quốc và Mỹ đụng chạm. Thay vào đó, nó sẽ xảy ra ở không gian mạng.” – Ông Austin khẳng định.
Cũng theo ông Austin, ở thời điểm hiện tại dường như Trung Quốc đang bị tụt lại phía sau so với Mỹ trong cuộc chạy đua chiến tranh điện tử. Tuy nhiên, điều này sẽ sớm thay đổi.
“Đến năm 2030, khả năng quân sự Trung Quốc trong chiến tranh điện tử sẽ khác hoàn toàn so với thời điểm hiện tại.
Đến năm 2030, khả năng quân sự của Trung Quốc sẽ không dừng lại ở việc vô hiệu hoá cuộc tấn công điện tử của Đài Loan” - Ông Austin cho hay.
Với khả năng này, ông Austin khẳng định Trung Quốc sẽ thay đổi cán cân quyền lực tại biển Đông mà chẳng cần phát động một cuộc tấn công thực sự.
Những gã khổng lồ quân sự như Mỹ dựa vào vệ tinh để liên lạc với các nước đồng minh. Và ông Austin cho biết mục tiêu của cuộc chiến tranh điện tử là vô hiệu hoá các kênh liên lạc này.