Giáo sư người Việt dùng mô hình toán học lý giải vì sao Trump thắng cử

GS. Nguyễn Tiến Dũng |

GS. Nguyễn Tiến Dũng, nhà toán học VN hiện đang giảng dạy tại Pháp cho biết, ông đã nhìn ra lỗ hổng trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử với kết quả cho thấy Clinton thắng.

Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết của ông dưới đây.

Tin hay không thì tuỳ bạn, nhưng từ trước khi bầu cử diễn ra, tôi có dự đoán là Trump nhiều khả năng thắng cử hơn là Hillary Clinton, và với một lượng nhỏ những người đủ cởi mở để nghe thì tôi có nói vì sao, nhưng không hề viết trên mạng để khỏi làm nhiều người khác hoang mang hoặc phiền lòng, hoặc trút gạch đá vào thân.

Nhưng nay kết quả bầu cử đã có, mọi người đã lắng xuống, cả Hillary Clinton và Obama cũng đã chúc mừng Trump, những người dân Mỹ có lý trí cũng đều nên chúc mừng ông ấy, vì dù muốn hay không ông ấy cũng sẽ là tổng thống Mỹ, và đối xử lịch sự với nhau thì sẽ tốt hơn cho tất cả.

Để nói cho rõ: Tôi chẳng hề là fan của Trump, cũng chẳng phải là fan của Hillary, nhìn sự việc hoàn toàn từ bên ngoài và cố đánh giá một cách khách quan nhất có thể (như thế thì dự đoán mới khỏi bị cảm tính làm nhiễu loạn, mới dễ đúng)

Giáo sư người Việt dùng mô hình toán học lý giải vì sao Trump thắng cử - Ảnh 1.

Sau đây là vài lý do vì sao Trump lại thắng chứ không thua như phần lớn mọi người tưởng:

1. Khi có các thăm dò dư luận về chuyện Hillary thắng điểm khá cao, khiến cho đa phần (kể cả những người bầu cho Trump) tin rằng phần thắng chắc sẽ thuộc về Hillary, thì sau khi tìm hiểu tình hình, tôi đã chẳng tin vào các thăm dò đó.

Như người ta nói: "lies, damn lies, and statistics". Thống kê rất dễ lừa dối, nếu như người làm thống kê vô ý hoặc cố tình tạo các bias (độ chệch - PV) trong cách thống kê của mình. Và trong trường hợp này rõ ràng là có nhiều bias.

Trong quyển sách "Nhập môn hiện đại Xác suất Thống kê" mà tôi viết (cùng GS Đỗ Đức Thái, in năm 2010, có online miễn phí từ 2015) cũng đã lấy cuộc bầu cử Mỹ từ năm 1936 làm ví dụ: Năm đó người ta gọi điện thăm dò dư luận thì ra kết quả là ứng cử viên Landon sẽ thắng to với 2/3 số phiếu đại cử tri.

Lúc bầu thật thì sao? Landon được có 2% số phiếu đại cử tri, còn 98% thuộc về đối thủ của ông, một người có cái tên sau đó đã đi vào lịch sử thế giới: Roosevelt của đảng Dân chủ. Tôi sẽ không giải thích vì sao thăm dò lại sai thảm hại vậy, để mọi người tự tò mò tìm hiểu một vấn đề toán học rất hay, là vấn đề bias trong thống kê.

2. Mô hình con lắc chính trị, tức là mô hình con lắc toán học ứng dụng vào phân tích chính trị. Ở các nước với hệ thống nhiều chính đảng như nước Mỹ, con lắc chính trị cứ phải lắc từ bên này sang bên khác chứ không đứng yên. Lý do đơn giản thôi: Như người ta nói, các nhà chính trị như là những cái tã, cứ sau một thời gian là phải thay. Con lắc chính trị là cơ chế "thay tã", "làm sạch" cho hệ thống.

Dịp bầu cử Mỹ lần này rơi vào lúc con lắc chính trị lắc sang phía bên phải sau 8 năm ở bên trái (tuy Obama là người "thánh thiện" nhưng sai lầm cũng rất là nhiều, ít ra là đa phần dân tình nghĩ vậy và đã chán đảng của ông), nên ứng cử viên Dân chủ bất lợi hơn nhiều so với ứng cử viên Cộng hoà.

3. Nếu ứng cử viên Cộng hoà không phải Trump thì hầu như sẽ chẳng có gì bàn cãi nữa, phần thắng gần như cầm chắc trong tay. Vấn đề trở nên khó dự báo hơn khi ứng cử viên đó lại là Trump với nhiều chuyện tai tiếng. Đấy là cơ hội để bên Dân chủ giữ ghế tổng thống tuy con lắc ngả sang hữu.

Tuy nhiên Clinton lại là nhân vật bị quá nhiều người ghét, độ bị ghét không kém gì mấy Trump (hơn 1/2 dân Mỹ cho là nếu Clinton làm tổng thống thì đáng lo ngại). Do đó có thể nói chính Hillary Clinton chứ không ai khác là "át chủ bài" của Trump khiến ông ta thắng cuộc.

4. Khi tôi quan sát Trump thì thấy ông ta là con buôn chính hiệu và cực kỳ thông minh (tất nhiên Hillary cũng rất thông minh, nhưng yếu hơn Trump cả về sức lực lẫn khoản "con buôn", và về độ đáng tin thì có lẽ không hơn gì Trump).

Trump được giới kinh tế Mỹ ủng hộ, dù đó có là sự ủng hộ ngầm (vì Trump tai tiếng nên nhiều người ủng hộ nhưng không ra mặt). Theo 1 lý thuyết, nếu xét từ primaries thì sự ủng hộ nhiệt thành dành cho Trump rất lớn, và cộng với ủng hộ ngầm thì suy ra là tổng ủng hộ cho Trump chắc chắn lớn hơn nhiều so với thăm dò dư luận, bởi vậy mà Trump có nhiều khả năng thắng.

Còn những lý do khác nữa, nhưng tạm thế là đủ.

Trump không điên khùng đến mức như bên Dân chủ tô vẽ bức tranh về ông ta hay như là sự ăn nói bạt mạng của ông khiến mọi người cảm tưởng vậy đâu.

Bằng chứng là từ lúc được bầu, Trump đóng được ngay vai một người ăn nói rất chừng mực đàng hoàng, quay sang khen ngợi Clinton. Đã là con buôn chính hiệu thì không biết phân biệt chủng tộc đâu (phân biệt chủng tộc chỉ có bất lợi cho kinh doanh, Trump thừa biết điều này), nên mọi người cũng đừng lo về chuyện đó. Tất nhiên vẫn có thể có nhiều bất ngờ xảy ra dưới thời Trump.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại