Giành giật sự sống nhờ những chuyến bay

HẢI YẾN |

Cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175 không chỉ kịp thời chăm sóc sức khỏe mà còn là chỗ dựa vững chắc cho bộ đội và nhân dân tại các vùng biển đảo của Tổ quốc khi gặp vấn đề về sức khỏe

Hơn 1 năm trước, ngày 8-11-2019, sân bay cấp cứu bằng trực thăng trên nóc tòa nhà Viện Chấn thương - Chỉnh hình của Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) tại TP HCM chính thức hoạt động. Sự kiện này mở ra hướng phát triển mang tính chuyên nghiệp trong hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện. Đây cũng là mong ước ấp ủ hơn 30 năm của lực lượng quân y và ngành y tế TP HCM.

Hành trình từ cõi chết trở về

Sau quá trình điều trị tích cực tại Bệnh viện Quân y 175, ngư dân P.H.N (54 tuổi) đã thoát khỏi nguy hiểm, xuất viện trong niềm hạnh phúc của cả gia đình và các y - bác sĩ. "Các y - bác sĩ tại bệnh viện đã hồi sinh tôi vì khi trở bệnh, tôi không nghĩ mình còn sống để về với vợ con" - ông N. xúc động.

Giành giật sự sống nhờ những chuyến bay - Ảnh 1.

Hơn 66% các chuyến bay cấp cứu diễn ra trong đêm

Trưa 12-6-2022, khi đang theo tàu đi câu mực tại khu vực đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), ông N. có biểu hiện mệt mỏi, ý thức kém dần, không nói được, liệt nửa người. Bạn thuyền lập tức đưa ông vào đảo Song Tử Tây cấp cứu.

Các bác sĩ tại đảo đã hội chẩn từ xa với Bệnh viện Quân y 175, chẩn đoán ông N. bị đột quỵ não và được xử trí theo phác đồ. Tuy nhiên, bệnh nhân đáp ứng kém, có dấu hiệu phù não, tiên lượng nặng, có thể tử vong nên được đề nghị đưa về đất liền điều trị.

Nhận mệnh lệnh, Binh đoàn 18 đã điều động trực thăng EC 225 do cơ trưởng Đỗ Hoàng Hải điều khiển, cùng Tổ Cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 do thượng úy Tạ Văn Bạch làm tổ trưởng lên đường ra Song Tử Tây.

Giành giật sự sống nhờ những chuyến bay - Ảnh 2.

Nhờ được đưa về đất liền điều trị kịp thời, ngư dân P.H.N thoát khỏi lưỡi hái tử thần (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Bác sĩ Bạch cho biết do bệnh nhân có dấu hiệu phù não nên việc di chuyển bằng đường không gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, áp suất càng lên cao càng giảm sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn.

Tổ cấp cứu đã đề nghị phi công bay thấp hơn bình thường, là là trên mặt đất thay vì ở độ cao 1.500 m. "Chuyến bay chở bệnh nhân N. về đất liền diễn ra rất lâu và khó khăn" - bác sĩ Bạch nhớ lại.

Ngư dân N. đã được đưa về Bệnh viện Quân y 175 an toàn. Sau 2 tuần điều trị tích cực, ông qua cơn nguy kịch và có tiến triển tốt, được xuất viện.

Cũng là một trong những bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ được cấp cứu kịp thời bằng trực thăng, ông M.X.B (50 tuổi, ngụ Quảng Bình) bày tỏ lòng biết ơn đối với các y - bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa trong suốt 62 ngày ông hôn mê trên giường bệnh. Ngày được xuất viện, ông B. nghẹn ngào: "Nhờ các bác sĩ, tôi được làm chồng, làm cha thêm lần nữa".

Ông B. là nhân viên cơ điện trên tàu, làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa. Ông bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa có biến chứng tim mạch nặng. Trong đêm 16-5-2022, ông B. được Tổ Cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 kịp thời đưa về đất liền điều trị trong tình trạng lơ mơ, mệt nhiều, khó thở, mạch chậm, huyết áp tụt…

Vợ ông B. cho biết khi chồng mới nhập viện, bà và gia đình vô cùng lo lắng vì tình trạng của ông rất nặng. "Những thời điểm chồng rơi vào nguy kịch, tôi như chết lặng. Tuy nhiên, nhờ sự cứu giúp kịp thời của các y - bác sĩ Bệnh viện Quân y 175, chồng tôi như được sinh ra lần nữa" - bà bày tỏ.

Ông N. và ông B. là 2 trong hàng chục người làm việc tại vùng biển phía Nam được cứu sống trong tình trạng nguy kịch.

Nhiệm vụ đặc biệt

Thượng tá - bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Quân y 175, là người phụ trách chuyên môn của tổ cấp cứu đường không. Theo bác sĩ Ân, biển đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc. Người dân, cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám biển không thể tránh khỏi bệnh tật, tai nạn… Việc chăm sóc sức khỏe cho quân và dân tại các vùng biển đảo để họ yên tâm là nhiệm vụ đặc biệt.

Bệnh viện Quân y 175 đã triển khai cấp cứu vận chuyển đường không từ năm 2014. Lúc đầu, các bác sĩ chưa được học tập, huấn luyện về cấp cứu đường không. "Lúc đó, chủ yếu cấp cứu bằng kinh nghiệm chứ chưa được tập huấn nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Quá trình vận chuyển cấp cứu đường không khó hơn rất nhiều so với vận chuyển bằng xe cấp cứu trên bộ. Từ năm 2017-2018, bệnh viện đã cử nhiều y - bác sĩ sang Úc để được huấn luyện, đào tạo cấp cứu vận chuyển đường không" - bác sĩ Ân nói.

Bác sĩ Ân cho biết trước đây, khi có bệnh nhân cần cấp cứu bằng đường không, trực thăng phải đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, bệnh nhân mới được chuyển lên xe cứu thương vào bệnh viện.

"Khi khánh thành sân bay tại bệnh viện, việc cấp cứu vận chuyển thuận lợi hơn, như rút ngắn thời gian di chuyển, tranh thủ thời gian "vàng" điều trị; thuận tiện cho nhân viên y tế, an toàn hơn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong những điều kiện bất khả kháng vì an toàn bay, vẫn có một số ít trường hợp buộc phải hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất" - bác sĩ Ân tiết lộ.

Bãi đáp trực thăng tại Bệnh viện Quân y 175 được đầu tư một hệ thống đèn tín hiệu hiện đại, giúp phi công nhận diện từ xa. Khu vực điều phối, khu tiếp nhận bệnh nhân, chuyển bệnh nhân bằng thang máy và thang bộ từ nóc tòa nhà xuống khu vực cấp cứu hoặc có thể chuyển đến bất cứ khoa, phòng nào trong bệnh viện được thiết kế khoa học.

Không ngại khó khăn

Bác sĩ Vũ Đình Ân cho biết khi cấp cứu đường không, ê-kíp phải làm việc trong không gian chật hẹp, chịu tác động bởi nhiều yếu tố như nhiệt độ, chênh lệch áp suất, tiếng ồn, rung sốc… Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến thể trạng mà còn cả tâm lý của bệnh nhân, nhân viên y tế và tổ bay.

Là một trong những bác sĩ tham gia tổ cấp cứu từ những ngày đầu, bác sĩ Tạ Văn Bạch nhớ lại: Thời gian đầu, việc cấp cứu rất khó khăn do tổ bay chưa có nhiều kinh nghiệm. Có những chuyến bay đêm khiến tầm nhìn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của phi công. Có những chuyến bay cấp cứu trong điều kiện thời tiết bất thường, mưa giông, thậm chí một số địa điểm trực thăng không thể đáp xuống đón bệnh nhân. "Dù vậy, mỗi khi có bệnh nhân, chúng tôi bao giờ cũng khẩn cấp lên đường, tự động viên nhau cố gắng hết sức để cứu người" - bác sĩ Bạch nhấn mạnh.

Phối hợp tốt mới thành công

Tổ Cấp cứu đường không tại Bệnh viện Quân y 175 hiện có 12 thành viên (8 bác sĩ, 4 điều dưỡng). Để công tác cấp cứu vận chuyển hàng không phát triển và bảo đảm an toàn, bác sĩ Vũ Đình Ân cho biết có nhiều yếu tố quyết định.

Thứ nhất, tổ bay và tổ cấp cứu phải chuyên nghiệp, làm việc nhóm hiệu quả. Nếu không có sự kết nối, hiểu nhau thì không thể phối hợp nhịp nhàng khi vận chuyển bệnh nhân. Vì vậy, các tổ cấp cứu, tổ bay được huấn luyện từ 2-3 lần/năm về an toàn bay, kỹ năng vận chuyển bệnh nhân...

Thứ hai, việc phối hợp giữa tổ bay, tổ cấp cứu, lực lượng trên biển đảo và đất liền phải thật chặt chẽ. Nếu không có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng thì bệnh nhân khó giữ được mạng sống. Do đó, trước khi tổ cấp cứu tiếp cận thì bệnh nhân được hội chẩn từ xa.

"Chúng tôi gọi điện thoại trao đổi, hội chẩn chuyên môn liên tục với y - bác sĩ ngoài đảo để điều trị tối ưu trước khi đưa về đất liền. Như vậy, sức khỏe bệnh nhân mới bảo đảm để có thể vận chuyển an toàn" - bác sĩ Ân giải thích.

"Cướp" được thời gian vàng

Từ tháng 1-2018 đến hết tháng 10-2022, Tổ Cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175 đã thực hiện thành công hơn 50 chuyến bay cấp cứu bệnh nhân trên biển xa. Trong đó, tỉ lệ bệnh nhân đa chấn thương chiếm 33,4%; đột quỵ não 19% và bệnh nhân mắc một số bệnh lý khác như hội chứng giảm áp, viêm tủy, nhồi máu cơ tim... Thời gian cấp cứu, vận chuyển chủ yếu là bay đêm (66,1%). Tỉ lệ bệnh nhân được cấp cứu, vận chuyển thành công là 100%.

"Có nhiều ca nặng và nguy hiểm nhưng vẫn đưa về đất liền thành công. Tất cả những ca này đã "cướp" được thời gian vàng trong cửa sổ điều trị. Cụ thể, bệnh nhân đột quỵ não nếu sau 3 giờ không áp dụng tiêu sợi huyết thì bệnh nặng hơn, thậm chí tử vong" - bác sĩ Vũ Đình Ân dẫn chứng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại