Giám đốc sở không dám hứa, Bí thư Thăng phê "là tư lệnh mà nói không biết, không dám!"

Đức Nguyên |

Sau khi nghe vị Giám đốc sở Quy hoạch và kiến trúc trình bày những vướng mắc, Bí thư Thăng phê bình ngay: "Anh là tư lệnh mà nói không biết, không dám!".

"Vấn đề là anh phải minh bạch ra"

Sáng 7/3, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND TP HCM đã tổ chức Hội nghị "Đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp" gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp trong nước năm 2017.

Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì hội nghị.

Tại buổi gặp gỡ, đại diện các doanh nghiệp nêu những ý kiến, đề xuất để tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và các hội ngành nghề trên địa bàn TP, góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế xã hội TP.

Trình bày tại hội nghị, ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Capella Holdings cho biết thủ tục định giá, giao đất, quy hoạch, xây dựng đang có rất nhiều vướng mắc.

Cụ thể là các dự án nhà ở hầu hết đều vướng chỉ tiêu dân số (nhằm kiểm soát vấn đề quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạn chế ùn tắc giao thông).

Hiện tại các chỉ tiêu dân số tại các quận – huyện đều vượt, thậm chí có quận đã vượt quy hoạch đến năm 2020.

"Rất nhiều ý kiến khác nhau, thủ tục cấp phép vướng cả năm trời. Chẳng hạn như tạm trú có tính vào chỉ tiêu dân số không. Bên công an nói có, UBND phường lại bảo không. 

UBND quận lúng túng. Định giá, đóng tiền sử dụng đất đầu mối là Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng vẫn phải hỏi quận – huyện. 

Không vướng lãnh đạo mà ngại nhất là các cán bộ chuyên viên Sở. Gần hết hạn, mấy ảnh bảo lấy hồ sơ ra nộp lại nên có dự án kéo dài 5-7 năm trong khi ở các tỉnh chỉ mất một tháng là có giấy phép", ông Trí cho biết.

Trả lời ý kiến doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc sở Quy hoạch và kiến trúc cho biết, các quận huyện đang điều chỉnh quy mô dân số và xu hướng là không tăng chỉ tiêu dân số.

Nếu quận huyện điều chỉnh quy mô dân số thì phải trình UBND thành phố. Trường hợp chỉ điều chỉnh chỉ tiêu dân số cục bộ, không thay đổi chỉ tiêu chung thì UBND quận, huyện quyết định.

Nghe tới đây Bí thư Đinh La Thăng ngắt lời: Điều chỉnh mất mấy tháng? Có cấp phép đúng thời hạn được không?

Ông Nhã trả lời: Theo quy định, Sở QHKT giải quyết trong 60 ngày, còn quận – huyện thì không dám hứa vì điều kiện mỗi nơi mỗi khác.

"Anh là tư lệnh mà nói không biết, không dám! Doanh nghiệp người ta không biết chỗ này bao nhiêu dân, chỗ kia bao nhiêu dân. Lúc thì anh bảo hết cấp phép rồi, lúc thì anh bảo còn. Vấn đề là anh phải minh bạch ra", Bí thư Thăng phê bình.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến lên tiếng: "Làm được hết ông Nhã ơi. Mình cứ quy định 60 ngày.

Đến hạn thì cứ ra văn bản trả lời cho nhà đầu tư, quận huyện nào làm chậm phải chịu trách nhiệm. Mình không nhất thiết phải chờ kết quả của quận – huyện rồi mới trả lời. Làm như vậy mới minh bạch".

Giám đốc sở không dám hứa, Bí thư Thăng phê là tư lệnh mà nói không biết, không dám! - Ảnh 1.

Buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp sáng 7-3. Ảnh: Quỳnh Như

"Rất mong cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục góp ý, hiến kế thường xuyên"

Tại hội nghị còn có rất nhiều những kiến nghị, ý kiến của doanh nghiệp, ban chủ tọa đã chủ động yêu cầu lãnh đạo, phụ trách các sở, ngành của thành phố giải đáp, cung cấp thông tin liền ngay.

Nêu ý kiến của mình, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food đặt trăn trở về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu.

Theo bà Lâm, cách dùng từ ngữ về thực phẩm hiện nay chưa thật sự đúng. Vì thế, bà đề nghị chỉ nên dùng "thực phẩm an toàn" để phân biệt với "thực phẩm không an toàn".

"Chúng ta cần tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người tiêu dùng; các cơ sở sản xuất thực phẩm... về việc kinh doanh hám lợi, đánh mất đạo đức sẽ gây hại đến sức khoẻ của chính mình và người dân; từ đó để họ đặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lên trên hết", bà Lâm nói.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food, các doanh nghiệp chọn sản phẩm vào siêu thị là những sản phẩm an toàn. 

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, các hệ thống này chưa chọn lọc kỹ dẫn đến nhiều sản phẩm không an toàn. Vì thế, việc nhà nước kiểm soát, ngăn chặn, răng đe phải trên tinh thần quyết liệt, không chạy theo thành tích.

Năm 2016 cũng chứng kiến sự phát triển ồ ạt của các chuỗi cửa hàng tiện lợi phát triển ồ ạt. Tuy nhiên khi phát triển quá nhanh, bản thân sự phát triển của họ chưa có sự chuẩn bị, doanh số không tăng nhưng chi phí bán hàng tăng, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, bà Thanh Lâm đề xuất TP.HCM cần có những chính sách tạo điều kiện cho siêu thị nội phát triển. 

Hiện nay chiết khấu các siêu thị nội không quá 10%, nếu hệ thống này được nâng đỡ thì các doanh nghiệp VN cũng sẽ có điều kiện phát triển.

Theo các doanh nghiệp, năm 2016 TP.HCM ban hành nhiều chính sách, đưa ra các gói kích cầu, khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao, hạ tầng... phát triển doanh nghiệp nhưng nếu nói về thủ tục hành chính thì so với các địa phương lân cận thì thành phố vẫn thấp điểm hơn.

Trước các đề xuất của doanh nghiệp, Bí thư Đinh La Thăng hoan nghênh tất cả ý tưởng, hiến kế của doanh nghiệp. Theo ông, đây là những phát biểu mang tính trách nhiệm rất cao với cộng đồng, với TP. 

Những sáng kiến, ý tưởng rất tâm huyết, không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mình mà cho cộng đồng, cho TP.

"Tôi hoan nghênh các sở ban ngành đã vì doanh nghiệp, vì người dân, có nhiều nỗ lực cải cách vì sự phát triển của doanh nghiệp. Cũng còn những điều chưa thực sự hài lòng. 

Rất mong cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục góp ý, hiến kế thường xuyên, liên tục hơn. Các cơ quan phải cải cách hành chính, mỗi lĩnh vực chỉ một người phụ trách để không đùn đẩy", Bí thư Đinh La Thăng phát biểu.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại