Vì vậy, người phụ nữ không dùng hàng hiệu xem như không có tương lai.
Nhắc tới hàng hiệu, người ta hay nhắc tới cô gái được mệnh danh "yêu nữ" Vũ Hạnh Nguyên, người từng tuyên bố "trên người tôi từ trong ra ngoài toàn hàng hiệu".Tuy nhiên, giờ đây khi nhắc tới những món đồ xa xỉ này, cái tên Vũ Hạnh Nguyên sẽ bị lép vế rất nhiều so với cựu người mẫu Xuân Lan.
Không phải vì Xuân Lan cũng phủ kín hàng hiệu "từ trong ra ngoài" như Vũ Hạnh Nguyên, cũng không phải vì cô sở hữu những bộ sưu tập hiếm có của những nhà thiết kế lừng danh trên thế giới.
Điều giúp Xuân Lan dễ dàng "soán ngôi" của Vũ Hạnh Nguyên chỉ đơn giản là một câu nói đang gây ồn ào trong dư luận suốt mấy ngày qua: "Phụ nữ không dùng hàng hiệu, coi như không có tương lai!"
Người mẫu Xuân Lan
Dù rằng câu nói thuộc dạng bất hủ đó nằm trong khuôn khổ một bài phỏng vấn thuộc dạng "nghệ thuật sắp đặt", nhưng nó vẫn khiến không ít chị em cảm thấy chạnh lòng khi đột ngột nhận ra trước giờ mình ... không có tương lai. Mà lý do không phải vì họ lười biếng, không cầu tiến hay kém cỏi, tất cả chỉ vì họ không có tiền sắm được hàng hiệu mà thôi!
Nhưng hàng hiệu là thứ gì mà có sức ảnh hưởng ghê gớm tới tương lai của chị em như vậy? Nó là từ chung dùng để chỉ những thứ quần áo, phụ kiện xa xỉ, lộng lẫy của các nhãn hàng lừng danh trên thế giới và tất nhiên, giá tiền của nó cũng tỷ lệ thuận với sự đẹp đẽ và danh tiếng.
Có những món đồ có giá trị ngang ngửa với cả chiếc xe hơi, ngôi nhà, thậm chí còn lớn hơn tài sản một người bình thường ki cóp cả cuộc đời. Nhưng bỏ qua giá tiền và sự tinh tế, đẹp đẽ, hàng hiệu cũng chỉ có một công dụng duy nhất: dùng để khoác trên người.
Chiếc túi đẹp đẽ này có giá bằng cả một gia tài đối với rất nhiều người.
Với sự trên trời của giá cả và hạn chế của công dụng, hàng hiệu là không phải là sự lựa chọn dành cho đa số mọi người, nhất là tại Việt Nam. Chỉ một số nhỏ, thậm chí là rất nhỏ có đủ điều kiện và khả năng để sở hữu những món đồ xa xỉ đó.
Họ có thể là doanh nhân thành đạt, nghệ sĩ nổi tiếng hoặc thiếu gia, tiểu thư gì đó, chứ nhất định không thể là bà bán nước, bác công nhân hay đa số những người bình thường trong xã hội.
Chính bởi vậy, nếu như hàng hiệu có sức ảnh hưởng lớn tới tương lai của người phụ nữ, có lẽ 99% chị em Việt Nam sẽ "sống trong sợ hãi" vì không biết ngày mai của mình sẽ ra sao...
Tuy nhiên, chị em hoàn toàn có thể vui vẻ sống cuộc sống bình thường của mình mà không cần để ý tới phát ngôn rất shock và khó hiểu của cô gái chân dài Xuân Lan.
Bởi lẽ quảng cáo luôn khác xa sự thật, đặc biệt là những màn quảng cáo đậm màu phản cảm. Vẫn có tới hàng ngàn bà mẹ Việt Nam cả đời chưa bao giờ biết túi LV hay Hermes là ... cái con gì, chẳng hiểu Prada hay Gucci là những ông Tây nào, thậm chí phân biệt một chiếc áo sơ mi Burberry với áo 50 nghìn đồng cũng là cả một câu đố khó khăn.
Nhưng bù lại, họ biết chăm chỉ làm việc, biết chăm sóc và dạy dỗ cho con cái trưởng thành. Quyền quyết định tương lai vẫn nằm trong đôi bàn tay của họ, chứ không phải bất kì nhà thiết kế nổi tiếng nào trên thế giới!
Xuân Lan - người phát minh ra biện pháp cải thiện tương lai dựa trên việc mua đồ hiệu.
Sở hữu một món đồ hiệu tinh tế và đẹp đẽ là một điều tuyệt vời. Nhưng nếu coi đó là mục tiêu, lý tưởng phấn đấu của cuộc sống, e rằng nó hơi khiên cưỡng và hạn hẹp.
Khi mà đầu óc con người ta chỉ bó gọn trong tủ quần áo, thật khó để nhìn xa hơn, nghĩ rộng hơn. Khi những giá trị con người được đong đếm bằng giày, áo, túi, rất dễ dàng để nó trở thành phù phiếm và lệch lạc. Hãy cứ thưởng thức, hãy cứ say mê, nhưng đừng bao giờ tự biến mình thành nô lệ của những thứ vỏ bọc bên ngoài...