Điều này khiến không ít các nhạc sĩ lo ngại về sự cổ súy cho những giá trị giải trí mà bỏ bê, lấn át những giá trị âm nhạc đích thực.
Tài năng của cá nhân + tài năng của nhà sản xuất = chiến thắng
Trong suốt nhiều năm, các cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình Việt Nam luôn yên phận với vẻ hiền lành chất phác là các cuộc liên hoan nhằm tìm kiếm giọng hát hay.
Không tin nhắn bình chọn từ khán giả, không chiêu trò, không scandal... thí sinh âm thầm ghi danh nhưng chiến thắng của họ lại luôn tạo được tiếng vang cùng những bước đi vững chãi. Những Anh Thơ, Trọng Tấn, Tân Nhàn và sau này là Ngọc Anh, Đức Tuấn, Tùng Dương… đều là niềm tự hào của nhà tổ chức và khán giả khi bước ra khỏi cuộc thi.
Trong khi đó, ở những cuộc thi như Vietnam Idol, sau ba bốn mùa giải tạo nên cơn sốt chưa từng thấy ở Việt Nam, có lẽ chỉ có Uyên Linh là thể hiện đúng tôn chỉ của cuộc thi tìm kiếm “thần tượng” khi từng bước chinh phục khán giả.
Phương Vy mùa đầu tiên chỉ là cơn sóng nhỏ, Quốc Thiên chấp nhận là một ca sĩ bậc trung. Còn người chiến thắng mới đây nhất là Ya Suy nhưng đã gần như chìm nghỉm so với sức hút mạnh mẽ mà anh tạo được từ trong cuộc thi.
Hương Tràm, người cũng từng gây nên những cơn sốt trong cộng đồng mạng và khán giả truyền hình ngay khi đang thi thố ở Giọng hát Việt thì hẳn không ít người đã phải đặt câu hỏi, cô sẽ làm gì để tận dụng và phát huy sức hút của mình?
Có lẽ vẫn còn quá sớm để đánh giá thành công của Hương Tràm, nhưng rõ ràng so với làn sóng hâm mộ trong cuộc thi, Hương Tràm đang bị nhạt nhòa.
Tại lễ bầu chọn giải thưởng Cống hiến do các nhà báo mảng văn hóa văn nghệ hai miền Nam - Bắc bình chọn, cái tên Hương Tràm đã khiến không ít nhà báo băn khoăn khi phải lựa chọn bên cạnh ca sĩ cá tính Nguyễn Đình Thanh Tâm của Sao Mai điểm hẹn - một cuộc thi đang được đánh giá là “lép vế” so với cơn sóng Giọng hát Việt.
Nếu Sao Mai điểm hẹn không bị “ép” nhường sóng ngày vàng VTV3 cho Giọng hát Việt để phát vào VTV6 thì cũng chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”.
Cho nên, nhiều khi tài năng của người chiến thắng trong một cuộc thi không hoàn toàn do tài năng của chính họ mà còn là “tài năng” của nhà sản xuất, của các chiêu thức lăng xê, chiêu trò.
Nguy cơ về sự lệch lạc trong thẩm mỹ âm nhạc
Sao Mai điểm hẹn từng được coi là chuẩn mực của các tài năng trẻ mong muốn khẳng định mình một cách chính quy, đã phải ngậm ngùi lép vế trước cơn sóng “ngoại lai” Vietnam Idol (hiện do BHD làm nhà sản xuất).
Một nhà báo tiết lộ, hồi Hoàng Hải thi Sao Mai điểm hẹn, có những tuần thí sinh này nhận tới 4 vạn tin nhắn bình chọn. Còn bây giờ, lượng tin dành cho mỗi thí sinh khiêm tốn đến mức, nhà đài cũng ngại công bố.
Vietnam Idol lúc hưng thịnh nhất thu hút tới 75,5 triệu lượt xem trên Youtube, 75 triệu lượt xem trên Zing tv, gần 242 triệu lượt bình chọn qua tổng đài... Nhưng khi Giọng hát Việt được Cát Tiên Sa mua bản quyền phát sóng, Vietnam Idol cũng nhanh chóng “thất sủng”.
Không chỉ phải nhường ngày vàng cho Cát Tiên Sa, BHD còn chịu thất thoát trong nguồn thu quảng cáo vì lượng người xem giảm sút. Đến mức có đồn đoán rằng, BHD đang rục rịch rút lui vào mùa Vietnam Idol sau để đầu tư cho một chương trình khác mới hơn, may ra mới đấu lại với Cát Tiên Sa.
Nhìn nhận về cơn sóng truyền hình thực tế, nhạc sĩ Huyền Thanh, người từng phụ trách chương trình Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn trong nhiều năm tự tin rằng, dù lượng người xem có giảm sút nhưng Sao Mai vẫn trung thành với mục đích của mình, đó là nói “không” với các chiêu trò, không đặt nặng yếu tố thương mại ngang hàng với chất lượng nghệ thuật:
“Chúng tôi không nao núng mà vẫn kiên định với con đường mình đi. Cũng giống như một ca sĩ đang hát dòng thính phòng, nếu họ có khả năng thực sự thì một ngày nào đó họ sẽ thành công. Còn nếu họ thấy ca sĩ đổ xô vào nhạc nhẹ và cũng làm như thế thì chắc chắn là họ sẽ khó mà ghi dấu ấn của mình”.
Với con mắt của một người làm nghề lâu năm, NSND Trung Kiên lo ngại: “Nhìn vào các chương trình âm nhạc trên truyền hình hiện nay tôi thấy xót xa, vì nó cổ súy cho những cái thuộc về xu thế chứ không phải giá trị đích thực. Ya Suy được cổ vũ ở Vietnam Idol nhưng bước ra khỏi cuộc thi thì không được chú ý nữa.
Nếu nhìn xa hơn, giới trẻ sẽ không còn thấy cái hay cái đẹp ở các dòng nhạc khác mà chỉ đổ vào nhạc nhẹ. Cái đó là rất nguy hại cho thẩm mỹ. Tôi lấy ví dụ, hàng năm, Học viện Âm nhạc Quốc gia đào tạo được rất nhiều những “hạt giống” tốt về thính phòng nhưng họ không có sân chơi để thể hiện mình. Đó là sự rất lãng phí.
Nhưng chúng ta cứ mải mê cố súy cho những cái trước mắt, cái hào nhoáng mà không nghĩ đến cái lâu dài. Tôi cho ở đây vai trò định hướng của cơ quan quản lý là chưa có, thậm chí buông lỏng”.
Cũng có không ít người trong nghề cho rằng, không nên quá nặng nề soi xét, bởi suy cho cùng, đây chỉ là chương trình giải trí, chỉ cần khán giả thấy vui, nhà nhà bình luận là thành công rồi. Còn với nhạc sĩ Ngọc Đại, ông có cái nhìn rộng mở hơn: “Cái giải trí người ta hiểu rất sai. Thực ra đó là nền giải trí cấp thấp nhưng đang bị che lấp đi bởi sự hào nhoáng bên ngoài. Nó nguy hại ở chỗ cổ vũ người ta chạy theo cái hào nhoáng”.
Cảnh báo này nên được các nhà quản lý nhìn nhận để “kìm chân” những cuộc chạy đua ồ ạt của các chương trình truyền hình thực tế hiện nay.
NSND Trung Kiên: Không chú ý đến thẩm mỹ âm nhạc là làm hại thí sinh
“Trong khi các sinh viên trường nhạc phải mất hàng chục năm mới thành sao thì ở chương trình âm nhạc thực tế, họ chỉ mất vài tháng đến một năm. Như vậy là cái gốc, cái căn bản họ không được trang bị. Nếu hội đồng giám khảo chỉ chăm chăm tưới tắm cho thí sinh giành chiến thắng mà không chú ý đến thẩm mỹ âm nhạc là làm hại họ.
Tôi cho rằng, với một cuộc thi, nhìn vào Hội đồng giám khảo là biết ngay cuộc thi đó chất lượng đến đâu, uy tín thế nào. Tài năng thì phải có rồi, nhưng phải có sự hiểu biết và văn hóa để định hướng thí sinh nữa chứ không phải chỉ có đào tạo, huấn luyện. Giọng hát Việt năm nay có 3 giám khảo Quốc Trung, Hồng Nhung, Mỹ Linh tôi cho là được, còn Đàm Vĩnh Hưng thì tôi chưa biết nhiều nên chưa thể nhận xét được”.
Nhạc sĩ Ngọc Đại: Giám khảo hiện nay chỉ là những diễn viên
“Các chương trình truyền hình thực tế họ có định hướng thiên về giải trí nên yếu tố âm nhạc sẽ bị lỗ mỗ. Hơn nữa, khi đã phải trông chờ vào tài trợ thì đương nhiên họ phải nghĩ ra đủ thứ mưu mẹo để có quyền lợi và trục lợi. Bạn dùng từ “ồ ạt” nhưng tôi thì gọi đó là sự “nới lỏng vô chính phủ”. Nghĩa là làm bừa, mà cái hại lâu dài thì người ta không nhìn thấy đâu. Cái lọc văn hóa kém quá nên nhái, bắt chước và làm trò.
Nếu tôi được mời ư? Không bao giờ tôi nhận lời họ như các nhạc sĩ đang ngồi. Tôi biết là họ sẽ không bao giờ mời tôi đâu, điều đó không làm tôi tự ái. Vì họ có được nói thật đâu, một nửa là họ nói theo nhà tổ chức, một nửa là nói theo cảm nhận âm nhạc. Tôi không thể làm giám khảo theo cách đó vì giám khảo hiện nay cũng chính là diễn viên thôi. Họ phải pha trò, phải “diễn” để được người ta yêu… Nhưng quan trọng hơn ở truyền hình thực tế, giá trị giải trí đang lấn át tinh thần âm nhạc đích thực, đó là điều tôi thấy rất buồn”.