Vô tư tài trợ miễn phí gần 18 tỉ đồng
Những khán giả từng xem bộ phim truyền hình Hồng Lâu Mộng phiên bản 1987 chắc sẽ còn nhớ dòng chữ thường xuất hiện cuối phim "Đoàn phim biết ơn sự trợ giúp hợp tác của Công ty Khang Lạc, Duy Phường tỉnh Sơn Đông".
Đó chính là lương duyên giữa đoàn phim và "người cứu cánh" - doanh nhân Trần Tăng Hữu.
Dòng chữ cảm ơn cuối phim Hồng Lâu Mộng.
Những năm 80 của thế kỷ trước, tên tuổi Trần Tăng Hữu nức tiếng trong giới doanh nhân ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Ông là bộ đội được giải ngũ và chuyển về làm trong cơ quan nhà nước nhưng quyết định từ chức để bắt tay vào kinh doanh.
Số tiền đầu tiên ông kiếm được từ buôn táo, dồn góp để thành lập Công ty Khang Lạc, kinh doanh đủ mặt hàng từ tivi, máy giặt, tủ lạnh... và phất lên từ đó.
Ông Trần Tăng Hữu khi còn trẻ.
Trần Tăng Hữu từng chia sẻ, từ khi là bộ đội ông đã yêu thích văn học, những tác phẩm trong "Tứ đại danh tác" ông đều đọc không biết bao lần.
Năm 1984 khi đài trung ương Trung Quốc khởi quay bộ phim Hồng Lâu Mộng, ông Trần đã vui đến mất ngủ.
Khi biết ê kíp có nguy cơ phải hủy quay do thiếu kinh phí trầm trọng (chỉ có thể quay được 28 tập, trong khi tổng số tập là 36), ông Trần đã nghĩ tới việc mang số tiền đầu tư kinh doanh trợ giúp cho đoàn phim.
Đoàn phim Hồng Lâu Mộng có nguy cơ hủy quay giữa chừng
Nghĩ là làm, Trần đến phim trường Hồng Lâu Mộng gặp đạo diễn Vương Phù Lâm cùng nhà sản xuất Đại Huệ.
Sau khi trò chuyện, Trần Tăng Hữu hứa tài trợ đoàn phim 5 triệu NDT (tương đương gần 18 tỉ đồng hiện tại) hoàn thành nốt những tập phim còn lại.
Công ty phá sản, bệnh tật hiểm nghèo, đời sống khốn khó
Vợ của ông Trần - bà Thang Nhàn Binh nhớ lại, kể từ sau những năm 90, chồng bà dồn nhiều tâm huyết cho các công tác xã hội lẫn từ thiện và không còn thời gian cho việc kinh doanh khiến công ty dần đi xuống, dẫn đến phá sản.
Bà Thang ngày ngày chăm sóc cho chồng.
Sau đó vợ chồng ông Trần kinh doanh nhỏ kiếm kế sinh nhai. Vị tổng giám đốc 72 tuổi giờ nằm liệt giường sau khi trúng gió và bị xuất huyết não từ năm 2001. Tiền tích lũy của ông đều dùng chi trả viện phí.
Hiện tại, viện phí và sinh hoạt của ông bà đều trông cậy vào sự trợ giúp của người thân và bạn bè. Hai người thuê một căn phòng cũ nát hơn 400 NDT/tháng (1,4 triệu đồng) gần bệnh viện.
Ông Trần Tăng Hữu khi còn tình táo.
Ông Trần nằm liệt giường vì bệnh hiểm nghèo.
Việc chăm sóc ông Trần đều do một tay người vợ kém ông 20 tuổi lo lắng. Bà Thang năm nay ngoài 40 tuổi từng mở một cửa hàng thời trang. Do bệnh tình ông ngày càng nặng, không ai chăm sóc, bà đành đóng cửa để chăm chồng.
Hai người mới kết hôn được 3 năm. Bệnh tình của ông ngày càng nặng khiến nói năng gặp khó khăn, ăn uống phải nhờ đến ống trợ giúp, cách 2 tiếng lại phải cho ăn một lần.
Nhiều người khuyên bà ly hôn, thậm chí gia đình ông Trần Tăng Hữu cũng khuyên như vậy nhưng bà đều bỏ ngoài tai.
Mỗi ngày bà phải cho ông ăn cách nhau 2 tiếng đồng hồ.
Theo bà Thang thì đầu năm 2012 cả hai ông bà đều ký vào đơn hiến tặng cơ thể cho y học sau khi qua đời: "Chết rồi vẫn có thể cống hiến được chút ít, đúng không nào", bà Thang tâm sự.
Sau khi báo chí Trung Quốc đăng tải sự việc trên, cư dân mạng Trung Quốc đã kêu gọi quyên góp giúp đỡ vợ chồng ông Trần Tăng Hữu.
Nhiều khán giả xem truyền hình bày tỏ lòng biết ơn tới vị cứu tinh họ Trần, đồng thời hy vọng nhận được số tài khoản của vợ chồng ông Trần để chuyển khoản giúp vợ chồng ông vượt qua khó khăn.
Ông Trần Tăng Hữu và vợ đều khẳng định tài trợ cho đoàn Hồng Lâu Mộng số tiền 5 triệu NDT. Một bài báo trong cuốn tạp chí Bầu trời nghệ thuật do ông Trần lưu giữ cũng ghi rõ khoản tiền như trên.
Bài báo khác trên Báo giải phóng quân ra ngày 17.6.1987 cũng viết, ông Trần tài trợ đoàn Hồng Lâu Mộng 5 triệu NDT.
Vợ chồng ông Trần Tăng Hữu hiện tại.
Mới đây, phóng viên tờ Thương mại Thành Đô liên lạc với đạo diễn đoàn phim Hồng Lâu Mộng là Vương Phù Lâm và được vị đạo diễn khẳng định, ông Trần chỉ tài trờ 2,5 triệu NDT (8,9 tỉ đồng):
"Tổng cộng kinh phí là hơn 6 triệu NDT, ông ấy không thể tài trợ 5 triệu NDT được, đúng không?", đạo diễn Vương tiết lộ.
Theo đạo diễn Vương, tổng số tiền đoàn phim phải dùng là 6,8 triệu NDT (24 tỉ đồng), được chính phủ Trung Quốc cấp cho 3,5 triệu NDT (12,4 tỉ đồng) ban đầu.
Vương Phù Lâm nhớ lại chuyện hơn 20 năm trước và cho biết ông vui như trẻ được cho kẹo:
"Nếu không có số tiền này thì không thể dựng được nên những phủ Vinh Quốc, đường Ninh Vinh, cũng không thể thực hiện được những đại cảnh Nguyên Phi tỉnh thân, đám tang Tần Khả Khanh. Giờ nhớ lại tôi còn cảm ơn ông ấy lắm lắm".
Đạo diễn Vương khẳng định ông Trần chỉ tài trợ 8,9 tỉ đồng.
Nhà sản xuất phim khi đó là Nhiệm Đại Huệ lại sốt sắng khi nhắc đến tên Trần Tăng Hữu và nôn nóng muốn biết tình hình của vị cứu tinh năm xưa:
"Khi đó ông ấy hỏi tôi quay phim cần bao nhiêu tiền nữa, tôi nói phải khoảng 2 - 3 triệu NDT". Sau đó giữa ông Trần và đài trung ương ký thỏa thuận và doanh nhân đã mang 2,5 triệu NDT đến tài trợ.
Đoàn phim chỉ dùng hết 1,9 triệu NDT (6,8 tỉ đồng), còn dư 600.000 NDT (2,1 tỉ đồng) mang trả lại Trần Tăng Hữu. Như vậy có thể nói khi đó ông Trần tài trợ cho đoàn 1,9 triệu NDT.
Phía bà Thang, vợ ông Trần còn tiết lộ, bản thân ông góp 5 triệu, còn ký thỏa thuận với nhà sản xuất theo hình thức chia hoa hồng.
Theo đó phim bán được ông sẽ hưởng 50% hoa hồng: "Nói là hoa hồng nhưng coi như là tài trợ miễn phí", bà Thang nói.
Ông Trần không nhận được đồng hoa hồng nào từ đoàn Hồng Lâu Mộng.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, thời kỳ này Trung Quốc chưa bước vào giai đoạn kinh tế thị trường thì không thể có cách nói về chia hoa hồng.
Ông Trần đề cập đến tờ thỏa thuận chia hoa hồng từng được đưa cho luật sư để liên lạc với đoàn phim. Thế nhưng cuối cùng luật sư biến mất, tờ thỏa thuận cũng theo đó "lặn mất tăm".
Nhà sản xuất Nhiệm thừa nhận, Trần Tăng Hữu có ký thỏa thuận với đoàn phim và đài trung ương, trong đó có bao gồm chia hoa hồng nhưng đến nay Trần chưa nhận được đồng nào.