Một buổi sáng trời mưa cô bé So-won nhỏ đến trường, sau khi người cha mệt mỏi rời nhà vì xưởng gọi, và người mẹ cầm dù chạy theo em, hỏi bé có muốn được đưa tới trường không.
So-won nói em có thể tự đi, mẹ dặn hãy đi đường lớn đến trường. Những bạn trai hàng ngày vẫn đi chung xóm với em đã chạy trước vì trời mưa. Đó cũng là buổi sáng So-won không còn đến trường được nữa. Em bị hiếp dâm đến mức gần như chết, và bị ném vào thùng rác.
Sống ra sao sau một cuộc hiếp dâm?
Bộ phim “WISH” (Hi vọng – 2013) của đạo diễn Lee Joon-Ik đã bắt đầu bằng một buổi sáng ngập nước mưa và buồn như thế. Nhưng suốt bộ phim là một hành trình khác hẳn.
Ở đó, cha mẹ So-won lần đầu tiên nhận được danh thiếp của một bà ngồi xe lăn và bà nói: “Cô bé phải được điều trị. Ông bà cũng vậy.” – Cha mẹ So-won khóc lóc và đuổi bà ra khỏi nơi họ đứng.
Trước mặt họ chỉ là đứa con gái bị cắt bỏ ruột già, bị đánh gần như nát gương mặt và thân thể, mãi mãi không còn đi vệ sinh hay sống cuộc sống bình thường nữa. Ở đó, mẹ cô bé vừa mang bầu, vừa gào khóc chửi bới khắp nơi, vừa ngã xuống vì bất lực thấy mình có lỗi. Và cũng trong cơn bấn loạn ấy, ông Dong – Hoon, cha của cô bé, vì bế con gái chạy trốn ống kính truyền hình và phải thay tã cho con, đã khiến cô bé nhầm tưởng cha là kẻ hiếp dâm. Cô bé không nhìn mặt cha nữa.
Cuối cùng, người ta đã phải cầu cứu tới bà bác sĩ ở trung tâm trị liệu, bắt đầu nhiều tháng bà làm việc bên cô bé và cả hai vợ chồng Dong-Hoon.
Bộ phim nhỏ này làm người xem giật mình nhận ra, không chỉ có cô bé bị hiếp dâm kia mới cần vượt qua khủng hoảng tinh thần, mà cả cộng đồng của em cũng phải được điều trị và phải chậm rãi cùng với em đi qua những ngày tháng đầy vết xước ấy.
Bà mẹ hàng xóm phải đến bệnh viện để an ủi mẹ của em vượt qua cơn chấn động. Ông bố hàng xóm phải sẵn sàng giúp Dong-Hoon công việc ở công ty để ông chăm sóc con gái. Dong-Hoon phải khoác lên mình bộ quần áo màu đỏ to sụ của một nhân vật hoạt hình mà cô bé mê: Con Kokomo. Chỉ có ở trong bộ dạng của con thú bông khổng lồ ấy, ông mới có thể lại gần con gái mình. Cô bé không một lần quay nhìn cha vì bị ám ảnh bởi vụ hiếp dâm, nhưng cô bé dám ôm thú bông khổng lồ vào lòng.
Đám học sinh hàng xóm đi ngang qua nhà em, dán lên cửa kiếng những tờ giấy như: “Nội quy lớp học”, “bài thầy cho về nhà”. Hàng trăm tờ giấy như thế được dán mỗi ngày đám trẻ đi học ngang qua nhà. Có thể chúng chưa biết hiếp dâm là một tội ác đau đớn, nhưng chúng biết bạn đã đi xa một thời gian và bạn sẽ trở về nhà, nên những tờ giấy sẽ giúp bạn không bị chậm bài học.
Ngày cuối cùng ở bệnh viện, So-won nói với bà bác sĩ rằng em sợ quay về, sợ bị bạn bè cười, em xấu hổ với điều xảy ra với em, sợ nghỉ học nhiều quá không nắm được bài. Có quá nhiều nỗi sợ cản trở cô bé tiểu học vừa trải qua nỗi đau đớn khôn cùng ấy. Nhưng chỉ vừa trèo xuống xe, đi đến cửa nhà, cô bé đã thấy hàng trăm tờ giấy chi chít trên cửa nhà, và chỉ cần gỡ chúng xuống, em có thể biết hết đám bạn mình đang làm gì ở lớp mấy tháng em xa trường vừa qua. Em sẽ trở lại trường học và đi học như những ngày tươi đẹp nhất.
Sự tha thứ cuối cùng của một đứa trẻ
Từ ngày trở về, mỗi ngày So-won đi đến trường, ông bố lại phải chạy bộ từ xưởng về nhà, mặc cái áo thú bông to sụ lên, chạy đến đứng ngay cái hẻm So-won bị hiếp dâm – như thể cho cô bé biết em được bảo vệ. Những đứa bạn con trai cùng xóm đến tận nhà dắt em đi học, dắt em đi qua cái hẻm định mệnh ấy, có một đứa đã bật khóc: “Nếu hôm đó con không chạy trước vì trời mưa, bạn đã không bị như vậy.” – Cô giáo biết em sẽ không còn đi vệ sinh được nữa và phải thay túi chất thải bên bụng, cô giúp em thấy dễ chịu vượt qua chuyện tế nhị đó.
Cha mặc đồ thú bông chạy vòng vòng dưới sân trường đợi em về. Tất cả những người xung quanh đã làm tất cả để nụ cười có lại trên môi So-won – cô bé có tên là Hy Vọng. Buổi chiều hạnh phúc nhất đến khi cô bé lần đầu tiên hỏi con thú bông: “Cha, là cha phải không?” – Rồi tự cô bé mở cái nón thú bông ra, nhìn thấy cha mình ướt nhẹp mồ hôi bên dưới cái áo thú nặng trịch. Em đã hết sợ, những ám ảnh cũ hẳn sẽ mờ theo năm tháng.
Nhưng phiên tòa xử kẻ hiếp dâm rồi cũng đến, như một bóng ma xấu xa, khơi lại những đau khổ ngày đầu tiên của tội ác. Cảnh sát nói có thể kẻ hiếp dâm chỉ bị 10 năm tù, vì hắn nói hắn bị say rượu nên chẳng nhớ gì. Kẻ ác còn nhởn nhơ nói với bố cô bé: “Tôi biết vì sao nó cứng đầu, nó rất giống ông!”
Và trong đêm ở nhà, So-won nghe thấy cha mình bảo ông sẽ liều mình, ông sẽ đợi kẻ hiếp dâm ra tù và đi giết hắn, ông không muốn tương lai So-won vấy bẩn vì hắn còn nhởn nhơ, và tội ác phải đền trả. Ông nói ông sẵn sàng chết để giết kẻ hiếp dâm. Đêm đó, So-won không ngủ, em nằm ôm cái bọc chất thải bên bụng mình, và nhìn trân trối lên trần nhà.
Trong phiên tòa hôm ấy, kẻ ác chỉ bị 10 năm tù. Dong-Hoon như một người mất hồn, ông cầm trên tay một mảnh gỗ và lầm lụi bước đến chỗ bị cáo vừa quay lưng đi – có thể ông sẽ giết hắn. Thậm chí, những người hàng xóm tức giận đã đứng giữa tòa và chửi mắng vì quá phẫn nộ. Trong khoảnh khắc đó, chính So-won đã lao tới vồ ấy chân ông, khóc nấc lên: “Bố ơi, mình về nhà đi!” – Trong đêm qua, có thể cô bé đã biết mình phải chọn lựa, và em đã chọn buông xả tất cả, vứt bỏ tất cả, để cha không phải giết ai, và gia đình trở lại như ngày xưa, hạnh phúc như chưa từng có nỗi đau khổ nào…
Sau một vụ hiếp dâm cô bé gái phải chịu, cả làng xóm, ngôi trường và cha mẹ cô bé đều đã phải vượt qua hai nỗi đau lớn. Họ phải là những người chung tay giúp cha mẹ So-won và em vượt qua nỗi sợ bị xua đuổi, dè bỉu trước tội ác ô nhục, họ phải học cách sống chung và bình thản cùng cô bé đi qua cơn đau thể chất sau tai nạn bị hiếp dâm.
Cũng chính họ, phải học cách tha thứ cho tội ác, tha thứ cho chính nỗi đau khổ đang giày vò mình, giày vò sự phẫn nộ bên trong mình, như chính So-won đã tự mình tha thứ cho kẻ ác, vì cô bé cần phải sống tiếp.
Đó là cách người ta phải đi qua một cuộc hiếp dâm, đau đớn và tổn thương vô cùng tận…