'Tước vương miện Mai Phương Thúy là sai luật'

lananh |

Giới luật sư khẳng định Bộ không thể tước vương miện của Mai Phương Thúy.

Xét về khía cạnh pháp lý, Tiến sĩ luật học Dương Tuyết Miên - giảng viên Đại học Luật, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu pháp luật phòng chống tội phạm - sau khi bàn luận cùng các đồng sự đã cho rằng, nếu tước vương miện của Mai Phương Thúy là sai luật. Theo lý giải của bà, Mai Phương Thúy đoạt danh hiệu Hoa hậu Việt Nam vào năm 2006, thời điểm đó, văn bản pháp lý có hiệu lực điều chỉnh cuộc thi hoa hậu này là Quy chế tổ chức thi hoa hậu. Điều 16 của Quy chế này có qui định về vấn đề xử lý vi phạm: “1.2. Thí sinh đạt danh hiệu tại các cuộc thi Hoa hậu, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng xấu đến xã hội sẽ bị ban tổ chức cuộc thi ra quyết định tước danh hiệu”.

Luật sư Miên khẳng định, bộ ảnh Áo dài khoe nét xuân thì của Mai Phương Thúy không vi phạm pháp luật Việt Nam. Về khả năng còn lại, bà Miên cho rằng: “Nếu ai đó bảo Mai Phương Thúy vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng xấu đến xã hội là quá vội vàng và hồ đồ vì dư luận về vụ việc đang trái chiều, người khen nhiều và người chê cũng không ít”. Bộ ảnh được giới chuyên môn đánh giá cao, như nhiếp ảnh gia Duy Anh, Trần Huy Hoan, Huỳnh Ngọc Dân, Đặng Minh Tùng, họa sĩ Uyên Huy, nhà thiết kế Đức Hùng…

Ngoài một số tấm hình nhạy cảm, bộ ảnh "Áo dài khoe nét xuân thì" của Mai Phương Thúy còn có những tấm hình đẹp, đậm chất nghệ thuật. Ảnh: Quốc Huy.

Về thẩm quyền tước danh hiệu hoa hậu, Điều 16 của Quy chế tổ chức thi hoa hậu 2006 có quy định: "Ban tổ chức cuộc thi có quyền tước danh hiệu hoa hậu nếu thí sinh có vi phạm nói trên chứ không phải Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch". Bà Miên phân tích, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2006 đã kết thúc, “Ban tổ chức cuộc thi” sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình đã tự giải thể. Nhà thơ Dương Xuân Nam cũng đã thôi nắm chức Tổng biên tập báo Tiền Phong- đơn vị giữ bản quyền cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Như vậy, chủ thể có thẩm quyền tước danh hiệu hoa hậu là “Ban tổ chức cuộc thi” không còn tồn tại về mặt pháp lý.

Quy chế tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp năm 2008 lại quy định Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch có quyền hạn “Tước danh hiệu Hoa hậu của thí sinh đạt giải khi thí sinh vi phạm quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật khác có liên quan, gây hậu quả xấu”. Tuy nhiên, không thể dùng Quy chế tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp năm 2008 để coi là căn cứ pháp lý cho phép Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch có quyền tước danh hiệu hoa hậu đối với Mai Phương Thúy. Văn bản này ra đời ngày 30/12/2008, chỉ được áp dụng đối với những cuộc thi hoa hậu, người đẹp diễn ra từ 2008 trở đi, không có hiệu lực hồi tố.

Một số bức hình được bán đấu giá, gây quỹ từ thiện vì người nghèo. Ảnh: Quốc Huy.

Từ những căn cứ này, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu pháp luật phòng chống tội phạm kết luận, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch không có đủ cơ sở pháp lý để tước danh hiệu hoa hậu đối với Mai Phương Thúy. Theo bà, việc tước danh hiệu hoa hậu đối với một ai đó (chứ không chỉ riêng đối với Mai Phương Thúy) phải được tiến hành một cách cẩn trọng và “tuyệt đối phải trên cơ sở quy định của pháp luật”.

Bộ ảnh Áo dài khoe nét Xuân thì của Mai Phương Thúy xuất hiện trên một tờ báo điện tử ngày 3/2. Hoa hậu Việt Nam 2006 để tóc xõa, diện áo dài trắng, mỏng, khoe những đường cong hút mắt với

nhiều tư thế gợi cảm quá mức. Ngay lập tức, những tấm hình được nhiều trang web đăng tải lại, thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả. Sự việc được đẩy lên cao khi xuất hiện ý kiến cá nhân của một quan chức của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đề cập đến vấn đề tước danh hiệu hoa hậu đối với Mai Phương Thúy.

Chiều 13/2, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch ra văn bản khẳng định, đây không phải quan điểm chính thức của Bộ. Việc có hay không quyết định tước danh hiệu của Hoa hậu Mai Phương Thúy, Bộ sẽ giao cho một cơ quan chuyên môn thẩm định, xem xét tất cả điều kiện và sau đó mới có kết luận cuối cùng.

Theo VnExpress

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại