Truyền hình thực tế: Khi tài năng phải núp bóng chiêu trò

Yếu tố “thực tế” không phải là tính hấp dẫn duy nhất quyết định sự thành công của chương trình truyền hình thực tế (THTT) tại VN.

Khán giả mơ hồ về việc chọn tài năng âm nhạc.

Yếu tố “thực tế” không phải là tính hấp dẫn duy nhất quyết định sự thành công của chương trình truyền hình thực tế (THTT) tại VN. Với lượng chương trình THTT tăng hằng tháng, khán giả sẽ không khó tìm ra vài “chiêu thức” chung cho thể loại show truyền hình này.

“Phi thực tế” mới hay!

Điều lạ lùng nhất ở cả phía người xem lẫn nhà sản xuất gần như gặp nhau ở điểm này, càng phi thực tế, dàn dựng thì càng trở nên hấp dẫn khán giả. Đương nhiên, với bản ký kết về format, nhà sản xuất phải đảm bảo được những dấu hiệu nhận biết chương trình như màu sắc hình hiệu, logo, thiết kế sân khấu, số lượng giám khảo, người dẫn chương trình... Thay vào cái khung áp sẵn đó, các chương trình THTT đa phần muốn thoát khỏi tính quy ước đó bằng một yếu tố lạ lùng là “phi thực tế”.

Kết quả nhiều chương trình THTT tại VN cũng nằm trong yếu tố phi thực tế nhất. Cái mô típ người hát hay - thì rớt, người hát dở - lại đi tiếp đã thành chuyện chính của rất nhiều show thực tế.

Thần tượng Ya Suy đăng quang đã mang lại ngạc nhiên không nhỏ cho khán giả yêu thích chương trình này. Nếu so giữa Hoàng Quyên và Ya Suy, thì chàng thần tượng của chúng ta rõ kém về kỹ thuật hát, giọng hát ngay thời điểm đăng quang. Trường hợp tương tự cũng diễn ra ngay tại Việt Nam Idol đang diễn ra, dù được cho là có giọng hát và cách biểu diễn giàu cảm xúc, nhưng vẫn thấy rõ Minh Thùy kém hơn Đông Hùng. Càng đặc biệt hơn, khi một chương trình có 2 quán quân như Bước nhảy hoàn vũ, khi xê xích nhau 0,01 tỉ lệ bình chọn, nhưng vì không phân biệt được ai hay hơn ai, nên BTC quyết định ca sĩ Thu Thủy và diễn viên Ngân Khánh cùng là quán quân.

Mâu thuẫn và kịch bản

Hầu hết trong các chương trình THTT mà khán giả đang xem, kịch bản đang hướng nhiều đến yếu tố mâu thuẫn để thu hút người xem. Công thức này đã được sử dụng khá nhiều trong thời gian qua và khán giả thỏa sức xem người nổi tiếng tranh cãi, nói xấu và giành nhau như thế nào trên sân khấu. Từ Vietnam’s Next Top Model, đến Cuộc đua kỳ thú, Big Brother - Người giấu mặt... đều lấy sự mâu thuẫn, cãi vã của thí sinh để làm nên tính thực tế cho chương trình.

Nhưng cũng khác biệt nhiều, là yếu tố mâu thuẫn ở đây đa phần phát sinh từ chuyện cá nhân - như vệ sinh chung, ăn mặc, nói xấu nhau... chứ hiếm khi thấy mâu thuẫn trong chuyên môn, hay từ chính yêu cầu các phần thi của một show THTT.

Và không ở đâu, chương trình THTT lại dễ đoán ra kết quả như trong thời gian qua. Do lạm dụng các yếu tố scandal, lựa chọn thí sinh gây sốc và chú trọng quá nhiều vào hình thức thể hiện gây chú ý, nên kịch bản thường bị lộ kết quả ngay từ vòng đầu tiên. “Thí con tốt bắt con xe”, hay theo kiểu kịch bản “nước mắt” đã được vận dụng khá nhiều. Không khỏi bất ngờ khi Minh Thư dừng ngay cuộc đua ở Tuyệt đỉnh tranh tài sau đêm thi thứ 2, dù phần thi của cô ở cả 2 đêm khá tốt hơn vài thí sinh khác. Hay kịch bản “nước mắt” đã được chọn trong nhiều trường hợp như: Cát Tường của Giọng hát Việt, Ngọc Thịnh của Thử thách cùng bước nhảy, Anh Thúy của Nhân tố bí ẩn...

Rõ ràng, vài chiêu thức hay công thức cho một show thực tế hấp dẫn hơn là không tránh khỏi - từ độ rating cao, thu quảng cáo, nhà sản xuất mới có nguồn kinh phí để tái sản xuất phục vụ khán giả. Nhưng việc lạm dụng quá mức, không đi sâu vào chuyên môn, và kịch bản “nước mắt” không ít lần góp phần tạo nên cái nhìn sai lệch về tài năng thực sự đã khiến cho chúng ta cảm thấy lo âu. Dù là ở một sân chơi giải trí, nếu tài năng bị xếp sau những chiêu trò thì đến cuối cùng chẳng còn ai tha thiết với nghệ thuật.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại