“The Impossible” với tựa Việt “Thảm hoạ sóng thần” là bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật về sự sống sót kỳ diệu của một gia đình sau thảm họa sóng thần tại Thái Lan vào năm 2004. Phim là những hồi ức không bao giờ có thể quên được của một gia đình cùng hàng ngàn con người xa lạ khác về một trong những thảm họa tự nhiên khủng khiếp nhất vào thời đại của chúng ta.
Bộ phim lấy bối cảnh một gia đình gồm Maria (do Naomi Watts thủ vai), Henry (do Ewan McGregor thủ vai) cùng với 3 cậu con trai bắt đầu kỳ nghỉ đông của gia đình tại Thái Lan và họ đều háo hức với những ngày tuyệt vời tại thiên đường nhiệt đới này. Nhưng vào buổi sáng ngày 26-12, khi cả gia đình đang cùng nhau thư giãn quanh bể bơi sau một đêm Noel tưng bừng náo nhiệt, bỗng có những tiếng động lạ vang lên và gió rít gào thét khắp nơi. Chỉ trong ít phút, một bức tường nước khổng lồ đen ngòm bỗng chốc đổ ập xuống mọi thứ và cuốn phăng đi tất cả.
Poster chính thức của bộ phim
Cơn sóng thần tưởng như đã chia cách gia đình mãi mãi
Maria cùng cậu con cả Lucas bị cuốn trôi đi không tài nào tìm cách dừng lại được, trong khi đó người chồng Henry và 2 người con còn lại đã bị mắc lại tại khu vực khách sạn.“Thảm hoạ sóng thần” là câu chuyện về cuộc hành trình sống còn và tìm lại nhau của gia đình Henry - Maria. Vì được dựa trên một câu chuyện có thật nên phim truyền tải được tới người xem những cảm xúc vô cùng sống động và chân thật. Bối cảnh sóng thần trong phim không phải là yếu tố chủ đạo để làm cao trào mà chính những cảm xúc của các nhân vật chính khi tìm cách sống sót mới là điểm nổi bật.
Thưởng thức “Thảm hoạ sóng thần”, bạn nên chuẩn bị sẵn tâm lý cho một bộ phim đánh mạnh vào cảm xúc người xem. Không như những bộ phim thảm hoạ khác chỉ lấy yếu tố thảm hoạ để giật gân và kịch tính bởi những màn chết chóc đau thương. “Thảm hoạ sóng thần” cũng khiến cho khán giả phải căng thẳng nhiều lúc tới bật khóc, nhưng là bằng chính tâm trạng và cảm xúc của nhân vật trong câu chuyện.
Maria và Henry đều đã thể hiện mình là ông bố, bà mẹ tuyệt vời
Bạn sẽ không khỏi giật mình hay có những lúc phải quay mặt đi bởi những cảnh quay khắc hoạ sự tàn khốc mà cơn sóng thần mang lại. Đó là những cảnh mà người mẹ Maria chỉ vì cậu con trai mà quên hết cả sự đau đớn về thể xác, khi những vết thương trên người cô còn không ngừng rỉ máu nhưng chỉ đến khi Lucas phát hiện ra và bảo với mẹ thì Maria mới nhận ra được điều đó.
Tình thương có lẽ là điều được khắc hoạ rõ ràng nhất trong “Thảm hoạ sóng thần” thông qua nhân vật người mẹ Maria. Với suy nghĩ rằng chồng và 2 người con kia đã ra đi trong thảm hoạ, Maria luôn cố gắng giành giật lấy từng hơi thở cuối cùng để có thể sống sót chăm lo cho cậu con cả Lucas. Trong những lúc giao tranh giữa sống và chết, cô thậm chí còn phải van xin bác sĩ hãy cứu lấy mình chỉ để có thể ở lại bảo bọc cho con trai. Dù bạn có là một đấng nam nhi cũng chưa chắc đã giữ nổi những giọt nước mắt cho nhân vật người mẹ cao cả này.
Mặt khác, nhân vật người bố Henry và 2 con trai vẫn chưa chết, họ mắc lại ở khu vực khách sạn và vẫn luôn tìm kiếm hai mẹ con Maria và Lucas. Mặc dù cơ hội tìm thấy nhau trong thảm hoạ dường như là vô vọng nhưng Henry vẫn không một giây nào từ bỏ niềm tin rằng vợ con anh vẫn sống sót ngoài kia và chờ được anh tìm thấy. Nhân vật này đã thực sự gây xúc động khi nói với cậu con trai út rằng: “Cảm giác đáng sợ nhất là khi con còn sống sót, tỉnh dậy và một mình. Vì vậy mà bố sẽ tiếp tục tìm kiếm mẹ và anh trai con”.
Không chỉ nói về tình cảm trong gia đình, “Thảm hoạ sóng thần” còn khiến cho nhiều người phải chạnh lòng suy nghĩ khi nói về tình thương giữa đồng loại, giữa con người với con người. Giữa cơn thảm hoạ khủng khiếp đó, trên con đường tìm nơi trú ẩn an toàn, mẹ con Maria đã nghe được một tiếng kêu cứu từ đằng xa. Mặc cho cậu con nhất định giữ mẹ lại và phớt lờ tiếng cầu cứu, Maria đã kiên quyết khuyên bảo Lucas về tình thương giữa con người với nhau, rằng dù có phải bỏ mạng tại đây cũng phải cứu lấy một sinh mạng con người ngay trước mắt.
Lucas là nhân vật có sự thay đổi rõ rệt nhất bộ phim
Câu chuyện trong phim dù vẫn mang rất nhiều tính nhân văn và chen vào đó những lý lẽ làm người nhưng lại không hề mang tính “kịch” hay “điện ảnh”. Mọi thứ cứ diễn ra như thể một câu chuyện sống động ở ngoài đời thực, không có sự làm quá, làm lố hay cố tình đánh bóng một nhân vật hay một chi tiết nào đó. Trong đó, không có ai là anh hùng, ai cũng là con người với những ưu khuyết điểm riêng mà trong câu chuyện thảm hoạ khủng khiếp đó, họ lại dần dần hoàn thiện chính bản thân mình khiến người xem có cảm giác vô cùng gần gũi.
Người xem sẽ nhận thấy rõ sự thay đổi của Lucas từ đầu phim là một cậu bé ngang bướng đã trưởng thành như thế nào để có thể làm chỗ dựa cho người mẹ bị thương nặng. Hay một Maria sợ hãi những thứ cỏn con nhất đã trở nên dũng cảm thế nào để cố gắng sống sót cùng con trai. Tất cả các nhân vật trong phim đều có những biến chuyển tâm lý rất mượt, hợp lý và lay động được cảm xúc của khán giả.
Không chỉ dừng lại ở cảm xúc, “Thảm hoạ sóng thần” còn rất hạn chế việc sử dụng kỹ thuật số trong phim, chính vì vậy mà những cảnh quay sóng thần đổ ập tới hay khung cảnh hoang tàn sau thảm hoạ trong phim đều vô cùng chân thật. Không sử dụng kỹ thuật 3D như nhiều phim điện ảnh thảm hoạ khác nhưng “Thảm hoạ sóng thần” lại cố gắng làm thật mọi thứ ngay từ giai đoạn quay phim để có thể khiến người xem choáng ngợp bởi hình ảnh.
Bộ phim hiện đang được trình chiếu rộng rãi trên toàn quốc.