Nếu như đỉnh điểm của những fan cuồng phương Tây là ý nghĩ và kế hoạch giết chết thần tượng thì ở châu Á, những biểu hiện chủ yếu vẫn là sự theo đuổi, bám riết với những mong ước trong suy nghĩ để thỏa mãn niềm yêu thích cá nhân. Tuy nhiên, càng ngày xu hướng bạo lực đang ngày một bùng phát trong lượng fan cuồng châu Á.
Lý giải cho sự khác biệt này chính là phông nền tự do trong ý thức, hành động tại phương Tây có phần thoáng hơn so với phương Đông. Nhưng cũng chính sự tự do mà khuôn khổ quá lỏng lẻo này đã trở thành cội nguồn cho những bạo lực và hành động quái dị.
Fan cuồng thế giới
Tại Mỹ đã có ít nhất 25 phụ nữ đưa ra ý kiến bảo vệ hành động đánh bạn gái đến nhập viện mà nam ca sỹ Chris Brown đã giáng lên người cô bạn – nữ ca sỹ Rihanna. Họ ủng hộ việc anh ta đánh bất cứ lúc nào. Một số fan còn bày tỏ khao khát được anh này đánh. Biểu hiện này phần nào thể hiện sự mất lý trí về đạo đức. Chúng gián tiếp cổ xúy cho những hành động xúc phạm, chà đạp nhân phẩm của người khác.
Bên cạnh đó, fan cuồng bên trời Tây còn khá phổ biến “mốt” phẫu thuật chuyển giới để giống thần tượng. Lúc này, việc yêu thích ngưỡng mộ đã bị lai tạp thành sự hủy hoại toàn bộ cơ thể. Một cô gái Catrina Best 21 tuổi người Bồ Đào Nha vì yêu thích thành viên Harry Styles nhóm One Direction mà quyết định chuyển giới để giống anh này.
Ngược lại, một chàng trai 24 tuổi Penio Daskalov đến từ Bulgaria lại phẫu thuật để trở thành người phụ nữ giống Lady Gaga. Một chàng trai 16 tuổi Shaqua Lee sống tại London phẫu thuật vì mong muốn mình sẽ có ngoại hình giống thần tượng là nữ ca sỹ Rihanna. Chi phí cho những cuộc “lột xác” biến mình thành một người mang giới tính khác để giống thần tượng luôn là những con số khổng lồ, lên đến hàng tỷ VND.
Hiện tượng bạo lực xuất hiện nhiều ở nước ngoài cũng bao gồm một phần từ những fan cuồng trong showbiz. Không chỉ dừng lại ở những hành động ném chai nước, ném giày vào người thần tượng, mức độ cuồng được đẩy lên cao hơn khi thể hiện ở những hành động dọa giết và… giết thật. Họ dọa giết những người được thần tượng yêu mến, dọa giết thần tượng và thâm chí là gây nên những thảm sát.
Sau cái chết của nữ danh ca Whitney Houston, FBI mới công bố hồ sơ dài 128 trang giấy trong đó là những bức thư tỏ tình rồi hăm dọa của người hâm mộ. Khi không được thần tượng đáp trả tình cảm, những fan cuồng này liên tục viết những bức thư quấy rối, đe dọa, tống tiền và dọa giết. Chỉ đến khi cục điều tra FBI vào cuộc dọa truy tố, họ mới dừng những hành động điên rồ này.
Năm 2009, trong chuyến lưu diễn tới Nga, “công chúa nhạc pop” Britney Spears không may nhận được một bức thư dọa giết. Ngay lập tức cô đã phải gửi hai người con của mình về London vì quá lo sợ.
Hàng loạt những ngôi sao thế giới như Lady Gaga, Kim Kadarshian, Halle Berry, Michael Jackson, Daniel Radcliffe, Gwyneth Paltrow, Marion Cotillard… đều từng phải trải qua những cơn hoảng loạn tinh thần vì những fan hâm mộ dọa giết nếu không thỏa mãn nhu cầu của họ.
Tháng 3 mới đây, hàng loạt tin nhắn dọa giết từ người hâm mộ của “hoàng tử nhạc pop” Justin Bieber đã được gửi đến cho một cô bé 15 tuổi, chỉ vì cô nhận được một tin nhắn trả lời trên mạng twitter từ Justin.
Sự ghen tuông mù quáng của những fan cuồng trở thành nguyên nhân chính của những ý nghĩ muốn giết chết người được thần tượng yêu mến. Không ít những lời hăm dọa được gửi đến “một nửa yêu thương” của thần tượng. Selena Gomez, Guy Richie, Imogen Thomas… là những ngôi sao hiểu rất rõ tình trạng này.
Nhưng không phải tất cả những việc làm mất lý trí này đều được kiểm soát. Đã có những trường hợp đau lòng xảy ra vì những fan cuồng muốn giết chết thần tượng. Câu chuyện đau lòng nhất mà tới nay vẫn còn là ám ảnh với những fan chân chính của The Beatles chính là việc John Lennon bị fan cuồng ám sát vào ngày 8/12/1980. Năm 1995, nữ ca sỹ người Mỹ Selena Quintanilla- Perez đã bị người quản lý của fan club bắn chết khi mới 23 tuổi. Năm 2004, Darrell Abbott, thủ lĩnh nhóm Damageplan cùng 4 người bảo vệ đã bị gục ngã sau những cú bắn của một fan cuồng.
Những vụ thảm sát đã gây nên cái chết đau đớn cho những ngôi sao thần tượng là một hồi chuông báo động đến ý thức, lý trí của fan cuồng. Đương nhiên, những người hâm mộ chân chính không bao giờ thừa nhận những kẻ sát nhân này là một fan.
Fan cuồng tại Châu Á
Trong không gian văn hóa phương Đông tĩnh hơn phương Tây, những hành động bạo lực, bạo động diễn ra ít hơn, với mức độ nhẹ hơn. Phần lớn, các fan cuồng ở các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Việt Nam… thiên về xu hướng “đua theo mốt”. Tuy nhiên, không vì thế mà mức độ nguy hiểm kém đi.
Ảnh hưởng fan cuồng ở các quốc gia châu Á xuất phát từ phương Tây như châu Âu, châu Mỹ. Khi những làn sóng văn hóa nhạc Tây Âu đổ bộ vào Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… thì kèm với đó là mặt tiêu cực của việc đua đòi theo các fan cuồng. Vì muốn chứng minh tình yêu với thần tượng, các cô gái trẻ không ngại “xả thân”, bỏ nhà, bỏ học để lang thang theo bước chân thần tượng.
Đặc điểm nổi bật trong fan cuồng châu Á là sự a dua. Khi có một số bạn trẻ, phần lớn là nữ giới, yêu thần tượng đến mức quên ăn, quên ngủ, gào khóc và được sờ vào người thần tượng, chia sẻ cảm xúc hả hê lên các trang mạng cá nhân, ngay lập tức tạo nên một dây chuyền kích động sự ghen tỵ và ham hố của những người khác. Cứ thế, những bạn trẻ tự tung hô thần tượng lên mây, tự đề cao những việc mình vừa làm được nhưng trong mắt những người xung quanh, họ đang là những “con bệnh” về tinh thần.
Những fan cuồng châu Á có sở thích đeo bám cuộc sống riêng tư của thần tượng. Tại Hàn Quốc, một lượng fan cuồng được gọi là sasaeng-fan. Ngoài việc bám theo thần tượng 24/7 thì họ còn xâm nhập thông tin tư qua mã số an ninh xã hội. Một số hack tài khoản cá nhân, kiểm tra danh sách tin nhắn, cuộc gọi, lắp camera theo dõi quanh khu vực nhà ở của sao, xâm nhập trái phép chỉ để chụp ảnh khoe hôn thần tượng lúc ngủ, sau đó gửi ảnh cho họ và khoe “thành tích” trên mạng cá nhân.
Trong thời gian gần đây có rất nhiều những hình ảnh cảnh báo việc fan bị ngất trong những lần nằm đường vạ vật chờ thần tượng. Những minh chứng có thật của những tai nạn nhập viện này vẫn chưa đủ sức răn đe với một bộ phận fan quá khích. Vì thế, số lượng những lần fan cuồng đuổi theo sao bất chấp tính mạng hay những vố bị chấn thương, bị ngất trong những biểu diễn xuất ngoại của sao vẫn đang tăng lên tại châu Á.
Việt Nam cũng có những fan hâm mộ cuồng nhiệt đối với những diễn viên, ca sĩ ngoại quốc cũng như trong nước. Để bám theo thần tượng, nhiều bạn trẻ đã không ngại bỏ học, bỏ thời gian, công sức thậm chí chấp nhận làm gái mại dâm để có tiền rồi tận tâm tận lực đi theo một ca sĩ, một diễn viên nổi danh mà không cần nhận được bất cứ gì. Thậm chí còn có trường hợp ái mộ đến mức đưa thần tượng lên bàn thờ, có cả nhang đèn thắp thường xuyên (ca sĩ Đan Trường).
Nhiều bạn trẻ tìm mọi cách vòi vĩnh cha mẹ, thậm chí đòi chết để có vé hoặc được ra sân bay chầu chực để một lần trông thấy thần tượng. Nhiều bạn bỏ học, bỏ thời gian, nhịn đói chỉ để chờ đợi thấy thần tượng rồi bật khóc, ngất xỉu, gây rối loạn trật tự. Họ không ngại bỏ tiền thuê xe chạy theo xe thần tượng đến tận khách sạn rồi chầu chực bên ngoài chỉ để hy vọng một lúc nào đó thần tượng đi ngang qua. Nhiều fan thức đến nửa đêm chầu chực ngoài sân bay mong nhìn được thần tượng, khi họ không thấy được thần tượng thì khóc lóc sụt sùi. Những fan đó có thể nhịn ăn nhịn mặc để mua những chiếc vé chợ đen có giá vài triệu đồng đi xem thần tượng bất chấp trời nắng nóng nhưng sẵn sàng đứng đến nửa ngày trời để mong gặp thần tượng.
Cũng ở Việt Nam, khi có các chuyến lưu diễn của các ca sĩ, diễn viên ngoại quốc (nhất là từ Hàn Quốc) thì người hâm một trẻ bất chấp nắng, mưa, nhịn đói nhịn khát, chẳng màng đến những lời chê trách có thể làm mọi thứ ngoài sức tưởng tượng của người lớn để thỏa mãn một điều duy nhất là biểu lộ cảm xúc với thần tượng của mình. Họ bất cần thân thể, chỉ chờ mà không ăn uống, thậm chí khóc lóc vô cớ, nhất là những cô gái rất trẻ cố bám mình theo xe thần tượng chạm tay vào kính xe rồi khóc lóc vật vã.
Cá biệt hơn, một số fan cuồng ở Hà Nội xúm nhau ngửi và hôn lên chiếc ghế thần tượng đã ngồi, họ ái mộ đến mức xúm nhau hôn chỗ ngồi của thần tượng và được coi là việc làm có một không hai trên thế giới. Thậm chí một số fan cuồng còn sẵn sàng chấp nhận làm tình một đêm để có được tấm vé vào xem thần tượng biểu diễn.
Một số ý kiến cho rằng, việc gào thét, khóc lóc khi thấy thần tượng không phải là hành vi vốn có của thanh thiếu niên Việt Nam mà là sự bắt chước, theo đuôi giới thanh thiếu niên Nhật Bản, Hàn Quốc và do hiệu ứng của các phương tiện truyền thông đại chúng và đặc biệt là Internet làm nên nền văn hóa cuồng si thần tượng trong giới thanh thiếu niên hiện nay ở Việt Nam.
Mặt trầm của người phương Đông còn tiềm tàng những ý nghĩ có khi còn điên rồ hơn cả người phương Tây. Có những trường hợp được đưa ra như một bài học sâu sắc về vai trò của gia đình trong vấn nạn fan cuồng.
Ở Trung Quốc có trường hợp một cô gái Dương Lệ Quyên mê diễn viên Lưu Đức Hoa đến điên cuồng. Cô gái này đã hâm mộ thần tượng Lưu Đức Hoa trong suốt 13 năm, và mong ước để gặp thần tượng. Gia đình cô đã bán hết nhà cửa, thậm chí vay tiền để lo cho con đi Hong Kong gặp thần tượng, cha cô còn định bán thận để có tiền.