Nhân trường hợp “Dành cho tháng sáu”
Phim “Dành cho tháng sáu”
Có một điểm ở bộ phim mà những bậc phụ huynh ý thức về trách nhiệm giáo dục của phim ảnh có thể trở nên bực dọc.
Đó là chi tiết xoay quanh tình huống then chốt của toàn bộ phim: Kiên ngại ngùng tỏ tình với Minh (Trần Thiên Tú), cô bạn gái cùng lớp. Bị từ chối, Kiên buồn giận bỏ về quê khiến Minh và Hoàng quyết định đi kiếm.
Để có lý do được phép đi xa, Minh giả giọng mẹ mình để gọi cho mẹ Hoàng xin phép về một chuyến đi nghỉ hè với lớp.
Những người làm phim đã gieo vào câu chuyện một lời nói dối nho nhỏ. Tuy nhiên lại quên cần phải được xử lý khi bộ phim kết thúc, dù chỉ bằng một lời thú thật đáng yêu.
Ở “Long Ruồi”, chuẩn mực đạo đức như lòng trung thực cũng bị bỏ qua. Trong phim, nhân vật chính là một hai lúa khù khờ tình cờ lọt vào âm mưu trộm khoản tiền lớn của một bố già khét tiếng ở Sài Gòn.
Các nhà làm phim đã kể một “kết thúc có hậu” khi chàng hai lúa hỉ hả và không hề đắn đo với quán ăn mà anh vừa mở là nhờ khoản tiền phi pháp mà bố già tưởng thưởng do (lại vô tình) phá được những âm mưu.
Câu hỏi từ điều nhỏ nhặt
Phim “Cánh đồng bất tận”
Để tăng thêm độ “thảm thiết” cho bi kịch, “Cánh đồng bất tận” đưa vào chi tiết: Trong bữa cơm trưa, trước mặt hai đứa con tuổi mới lớn, ông bố bỗng quăng xấp tiền vào cô gái điếm tên Sương đang sống nương nhờ trên ghe nói là để trả công (cho lần làm tình với cô đêm qua). Cô gái lẳng lơ và trơ trẽn đáp trả: “Ba mấy cưng xộp ghê”.
Còn nhớ, cùng mô tả những tội tình của người lớn trong mối liên hệ với trẻ em, bộ phim The Fighter (Võ sĩ, đề cử Oscar phim xuất sắc nhất năm 2011) toát ra sự nhân hậu khiến người xem rưng rưng nước mắt.
Hễ khi các thành viên trong gia đình của nhân vật chính nổ ra xung đột, các nhà làm phim khéo léo để cho một nhân vật nào đó quát “mang những đứa trẻ ra ngoài” hoặc bồng vội chúng đi ra để chúng không chứng kiến những điều không hay của người lớn.
Điều này này làm nên ý nghĩa nhân văn, giúp bộ phim có thể vượt giới hạn của không gian và thời gian, đến cả các nền văn hóa khác.
Phải chăng những chi tiết này rất nhỏ nên phim Việt cho rằng khán giả sẽ
chẳng ai chắp nhặt?
Nếu bạn là khán giả phim Việt, bạn có đặt chúng thành vấn đề cần phải lên tiếng không? Và liệu rằng những điều nhỏ nhặt này có còn là nhỏ nữa không khi bản thân chúng ta trở thành nạn nhân của một hành vi tương tự trên phim?
Theo VietNamNet