Nhọc nhằn đời ca sĩ tỉnh lẻ

vytran |

Khái niệm “chạy sô” với họ là điều xa lạ, ngoài những chương trình nghệ thuật của tỉnh, họ đi làm giống như một công chức nghèo.

Các nghệ sĩ tỉnh, luôn ở trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn nếu so với các tỉnh miền xuôi, chứ chưa dám “đọ” với Hà Nội và TP HCM. Nhạc sĩ Tiến Bình, Trưởng Đoàn ca múa nhạc Hà Giang, khẳng định, các nghệ sĩ ở đây khó khăn nhất cả nước. Cả đoàn hiện nay chỉ hơn 40 người, phương tiện, cơ sở vật chất khó khăn, bởi thế, việc hoàn thành chỉ tiêu biểu diễn ở cơ sở của đoàn vô cùng gian nan. Đường sá xa xôi, thường xuyên gặp sạt lở, mưa lũ chắn đường, vậy nhưng họ luôn cố gắng hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu đề ra.

Thiếu thốn trăm bề

Khi được hỏi về đời sống văn nghệ sĩ, ông Tiến Bình ngậm ngùi nói, cơ chế bồi dưỡng thanh sắc dành cho nghệ sĩ đã quá lạc hậu khi nghệ sĩ bậc nhất cũng chỉ được 50.000 đồng/đêm, còn bộ phận lái xe, hậu đài cũng chỉ được 20.00 đồng.

Với trường hợp Mỹ Như, giọng ca vàng của mảnh đất Phú Yên, nếu không có hai cuộc thi Sao Mai và Sao Mai điểm hẹn có thể cô sẽ mãi mãi bị chìm lấp trong đời sống nghệ thuật. Chất giọng trời phú giúp cô càng hát những nốt cao, giọng càng sáng, khỏe. Nhưng ít ai biết rằng Mỹ Như từng có một tuổi thơ nghèo khó, phải phụ mẹ làm rẫy và chăn bò. Sau khi may mắn được đi học, cô trở về đoàn ca múa nhạc Sao Biển với đồng lương hơn 2 triệu đồng. Chồng cô, một diễn viên múa gốc Campuchia, thu nhập cũng chỉ tương đương với vợ. Căn phòng hạnh phúc của hai vợ chồng và cô con gái nhỏ trong khu tập thể của đoàn chỉ vừa đủ kê một chiếc giường và tủ. Ở Phú Yên, cơ hội để đi hát phòng trà hoặc các sự kiện của doanh nghiệp hầu như không dễ kiếm, hoặc nếu có, cát-sê cũng rất bèo bọt. Cuộc sống cứ vậy quẩn quanh. Không chỉ cô gái Bana này, mà các đồng nghiệp của cô cũng đều chung cảnh ngộ. Vì vậy, Nam tiến là một việc mà Mỹ Như bất đắc dĩ phải làm với hy vọng đổi đời, hoặc chí ít ra cũng có được một album để mà “vui với đời”.

Những nghệ sĩ ở Thái Bình, Nam Định, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Long An, Đồng Tháp… tuy có dễ thở hơn đôi chút, nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn bộn bề quanh cuộc sống thường ngày.

Cái khó ló cái khôn

Họ không ngần ngại “bắt” show đám cưới, event của huyện để các nghệ sĩ có thêm thu nhập (Ảnh minh họa)

Đứng trước muôn vàn khó khăn như vậy, các nghệ sĩ phải bươn chải với cuộc sống, đặc biệt, những người đứng đầu các đoàn nghệ thuật phải nghĩ cách để đời sống anh em dễ thở hơn.

Nhạc sĩ Tiến Bình, đoàn Hà Giang, cho biết, ngoài việc tham dự các sự kiện của tỉnh và khu vực Đông Bắc, ông còn tìm kiếm thêm những việc bên ngoài để nghệ sĩ vừa được làm nghề, vừa cải thiện thêm đời sống. Còn ông Tuấn Minh, Trưởng Đoàn ca nhạc huyện Tân Hồng, Đồng Tháp lại không ngần ngại “bắt” show đám cưới, event của huyện để các nghệ sĩ có thêm thu nhập. “Chúng tôi làm thế vì vừa được làm nghề, vừa có thêm thu nhập. Cuộc sống anh em vì thế cũng ổn định hơn”, ông Minh chia sẻ.Cũng là người luôn hướng đến cuộc sống của anh em nghệ sĩ tỉnh, NSƯT Minh Mẫn, người đứng đầu Đoàn Ca múa nhạc Biển xanh tỉnh Bình Thuận, cũng đi tìm các hợp đồng biểu diễn từ bên ngoài. NSƯT Minh Mẫn cho biết, đặc thù của nghệ thuật là chưa đến tuổi hưu đã hết tuổi nghề, bởi vậy, ông tạo điều kiện cho các nghệ sĩ đi học để sau này có “đầu ra” an toàn, có thể luân chuyển công tác, thế hệ kế cận có thể gia nhập đoàn. Ông tự hào vì nghệ sĩ ở đây có được mức thu nhập trung bình khoảng hơn 6 triệu đồng/ tháng và thu nhập của họ không quá chênh lệch nhau.

Theo Đất Việt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại