Điệp viên hai mang lừng danh Kim Philby. Nguồn: BBC
Kế hoạch tinh vi
Gần đây, các chi tiết từ tài liệu Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Vương quốc Anh được giải mật. Câu chuyện bắt đầu từ việc các nhà ngoại giao Anh biết thông tin tạp chí Paris Match của Pháp có ý định đăng hồi ký của Kim Philby - một sĩ quan tình báo đối ngoại cấp cao của Anh - đã bí mật làm đặc tình cho Liên Xô trong nhiều năm. Vào cuối những năm 1940, Philby trở thành người đứng đầu bộ phận phản gián của Cơ quan Tình báo mật (còn gọi là MI6) của Anh và trong một thời gian dài, là một điệp viên hai mang.
Năm 1963, Philby trốn sang Liên Xô - một đòn giáng mạnh vào ngành tình báo Anh. Tại Moscow, Philby tiếp tục cố vấn cho KGB và cho đến năm 1968, ông viết hồi ký. Chính phủ Anh lo ngại các tiết lộ trong hồi ký của viên điệp viên nhị trùng này sẽ dẫn đến làn sóng chỉ trích MI6, và KGB sẽ sử dụng việc đó cho mục đích tuyên truyền. Để ngăn chặn việc cuốn hồi ký được công khai trên báo chí Pháp, các quan chức Anh đã nghĩ ra một kế hoạch. Mục đích rõ ràng là thuyết phục người Pháp ngăn tạp chí Paris Match xuất bản hồi ký của Philby - và làm chệch hướng một số lời chỉ trích chống lại tình báo Anh vào thời điểm đó.
Trong một bản ghi nhớ, Denis Greenhill cáo buộc người Pháp “phản bội” khi ông lo sợ họ có thể đồng ý xuất bản hồi ký của Philby.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã thực hiện tất cả các bước hợp lý để cản trở Philby trong vấn đề này và tôi rất tiếc nếu người Pháp cuối cùng đã đồng ý trả cho Philby một số tiền đáng kể. Tuy nhiên, sự phản bội quen thuộc với người Pháp hơn chúng tôi và chắc chắn nhà xuất bản đã vì lý do này mà có thể thích nghi hơn với thực tế rằng đã tự do thưởng cho một người nào đó đã làm tổn hại đến lợi ích của đất nước mình”, ông này viết.
Denis Greenhill, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh, đã viết về điều này trong một công văn ghi ngày 3/1/1968 gửi Bộ trưởng Nội các Sir Burke Trend và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lord Chalfont: “Như đã thỏa thuận, tôi đã tham khảo ý kiến Ngài Lord Chalfont có là một ý tưởng hay nếu mời [Harry] Evans [biên tập viên của tờ báo] The Sunday Times viết một bài báo dưới tiêu đề “Có một Philby người Pháp không?”. Lord Chalfont đồng ý rằng điều đó có thể hữu ích”. Greenhill đã sớm gặp gỡ biên tập viên của Sunday Times.
Theo các tài liệu lưu trữ, không chỉ Bộ Ngoại giao biết về hành động của các nhà ngoại giao, nhiều thành viên chính phủ cũng đã biết, đặc biệt có Harold Wilson khi đó là Thủ tướng.
“Tối qua tôi đã gặp Evans trong vài phút và trao đổi về ý tưởng này. Tôi gợi ý rằng bài báo có thể bắt đầu bằng việc đề cập đến việc có thể xuất bản hồi ký của Philby, và sau đó chuyển sang suy nghĩ về việc liệu người Pháp có thoát khỏi cuộc thâm nhập tương tự mà Philby và cộng sự đã thực hiện thành công hay không... Anh ta có vẻ rất thích ý tưởng này, nhưng không hứa hẹn điều gì”, Greenhill thông báo cho lãnh đạo Bộ.
Trong ghi chú, nhà ngoại giao cũng nói rằng ông đã đề nghị tờ Sunday Times tham khảo cuốn tiểu thuyết tình báo có tựa đề “Topaz” của Leon Uris về hoạt động tình báo của Liên Xô tại Pháp. Greenhill ngầm ám chỉ các nhà báo rằng bài báo dựa trên các sự kiện có thật. Trong một ghi chú khác, ngày 16/3/1968, Greenhill kể lại một cuộc trò chuyện khác với biên tập viên của Sunday Times. Evans yêu cầu nhà ngoại giao xác nhận hoặc phủ nhận những gì các phóng viên có thể khai thác được.
“Sau khi tham khảo ý kiến của Lord Chalfont, tôi đã gọi cho Evans và nói với anh ta rằng chúng tôi không muốn đưa ra bất kỳ bình luận chi tiết nào cho anh ta. Nhưng anh ta nói thêm rằng, theo quan điểm của chúng tôi, họ đã làm rất tốt”, Greenhill viết trong một tài liệu vừa được giải mật.
“Công việc bẩn thỉu”
Một tuần sau đó, vào ngày 28/3, Denis Greenhill báo cáo lại với cấp trên của mình về một cuộc trò chuyện khác. “Hôm nay, ông Harold Evans đã nói chuyện với tôi một lần nữa về bài của Sunday Times “Liệu có tồn tại Philby người Pháp không?”... Họ đề xuất phát hành nó vào Chủ nhật ngày 7/4 và tạp chí Life cũng quan tâm đến chủ đề này. Anh ta nói rằng sẽ nhận được toàn văn của bài báo vào tuần tới và rất vui được cho tôi xem”. Trên một mảnh giấy ghi chú, Lord Chalfont viết nguệch ngoạc: “Chẳng vinh quang gì khi làm việc bẩn thỉu đó lúc này. Tôi sẽ nói với Thủ tướng”.
Vào giữa tháng 4, tạp chí Sunday Times và Life đều đã đăng các bài báo cho rằng một nhân viên tình báo Liên Xô có thể làm việc trong văn phòng của Tổng thống Pháp Charles de Gaulle. Tờ Sunday Times đưa tin: “Có một kẻ phản bội, Philby người Pháp, người đã đẩy Tổng thống de Gaulle vào hành động chống phương Tây”. Ấn phẩm một phần dựa trên bằng chứng của Philippe de Vosjoli - một cựu Đại tá tình báo Pháp - người được cho là đã bắt đầu làm việc cho Mỹ. Các giả định do các nhà báo đưa ra đã bị phủ nhận bởi chính quyền của de Gaulle và được gọi là “lố bịch và kỳ cục”…
Có những báo cáo sau đó khẳng định các cáo buộc của Vosjoli là sự trả thù của CIA đối với cuộc thanh trừng của de Gaulle đối với các sĩ quan tình báo Mỹ ở Pháp. Có một giả thuyết cho rằng, theo chỉ thị của Tổng thống, các cơ quan đặc nhiệm của Pháp được cho là đã thực hiện một cuộc thanh trừng và làm giảm đáng kể số lượng sĩ quan tình báo Mỹ làm việc tại nước này. Tất cả điều này diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa London và Paris khá căng thẳng. De Gaulle đã nhiều lần cản trở Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (tiền thân của Liên minh Châu Âu)./.