Giãi mã chiến thuật pháo binh mới của Nga khiến xe tăng Ukraine gặp nguy

Hồng Anh |

Nga dường như đã có sự thay đổi chiến thuật trong 2 tháng qua, với việc tăng cường sử dụng các hệ thống pháo do sự thay đổi tình hình trên thực địa.

Tài liệu công khai của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy kể từ tháng 5, các lực lượng nước này thường xuyên triển khai những hệ thống pháo lớn để tấn công đối phương, trong khi giảm tần suất sử dụng máy bay không người lái cảm tử.

Theo một số chuyên gia, sở dĩ Moscow thay đổi chiến thuật là bởi vũ khí hạng nặng mang lại nhiều ưu thế hơn trong việc ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine .

Giãi mã chiến thuật pháo binh mới của Nga khiến xe tăng Ukraine gặp nguy - Ảnh 1.

Lựu pháo Malka của Nga. Ảnh: Eurasia Times.

Lý do Nga đổi chiến thuật

Nga đã tăng cường sử dụng máy bay không người cảm tử Lancet-3 sau khi rút quân khỏi Kherson vào tháng 11/2022. Ở thời điểm đó, Ukraine bắt đầu nhắm vào các tuyến tiếp tế của Nga để vận chuyển súng ống và đạn, pháo ra chiến trường.

Nhưng khi Ukraine chuẩn bị tiến hành phản công, Nga đã tăng cường khả năng phòng thủ và cố gắng đảm bảo an toàn cho các tuyến đường vận chuyển pháo binh. Theo giới quan sát, Nga đã chứng minh khả năng thích ứng cao, nhanh chóng kết hợp hoặc phát triển các chuyến thuật mới và rút kinh nghiệm từ những sai lầm. Điều này sẽ giúp họ có được lợi thế trong những cuộc xung đột tiêu hao kéo dài.

Việc sử dụng pháo binh để đối phó pháo binh là điều cần thiết. Không thể phủ nhận UAV cảm tử hoạt động hiệu quả khi chống lại những phương tiện bọc thép hạng nhẹ mà phương tây cung cấp cho Ukraine, đồng thời giúp Nga tiết kiệm đạn dược. Ước tính có tới 45% số phương tiện này bị UAV phá hủy kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Nhưng máy bay không người lái không thể tiêu diệt các đoàn xe tăng, xe chiến đấu bộ binh (IFV), điểm tập kết binh sỹ và trung tâm chỉ huy kiên cố. Chúng cũng rất khó tiêu diệt những chiếc xe tăng hoặc xe bọc thép riêng lẻ nếu không đánh đúng góc độ.

Theo Eurasia Times, Nga đã sử dụng những hệ thống pháo được cho là trụ cột chính trong kho vũ khí của nước này, chẳng hạn như pháo tự hành Akatsiya 23SM, 2S19 Msta-S; 2S7 Pion/2S7M Malk… để tiêu diệt lựu pháo D-20, D-30, pháo tự hành Gvozdika, pháo 2A65 Msta-B hay lựu pháo M777 của Ukraine.

Vào ngày 28/6, Bộ Quốc phòng Nga đã đăng tải video cho thấy hỏa lực mạnh mẽ của hệ thống pháo tự hành 2S7M Malka – phiên bản nâng cấp của hệ thống pháo Pion. Nó có khả năng cơ động tốt hơn, tốc độ bắn nhanh hơn và hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến hơn so với phiên bản cũ.

Malka sử dụng đạn 203 mm, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt như áp chế và loại bỏ các cơ sở chỉ huy kiên cố, pháo binh, súng cối, xe bọc thép của đối phương. Tốc độ bắn của loại đạn pháo này lên tới 2,5 viên mỗi phút, tầm bắn khoảng 50 km.

Phù hợp với học thuyết pháo binh của Nga

Sự thay đổi chiến thuật của Nga được thể hiện qua cách lực lượng mặt đất của nước này sử dụng chiến thuật phản pháo đối phó với cuộc phản công của đối phương. Tác chiến phản pháo được hiểu là việc sử dụng các hệ thống pháo để tiêu diệt pháo binh của đối phương, hoặc làm vô hiệu hóa chúng bằng radar phản pháo.

Nhưng điều này không có nghĩa là Nga thay thế hoàn toàn UAV Lancet bằng những hệ thống pháo thông thường. Trái lại, Moscow đã sử dụng song song cả máy bay không người lái cảm tử và pháo binh để thực hiện các mục tiêu cốt lõi của họ. Máy bay không người lái cảm tử sẽ cản trở quá trình di chuyển của các đoàn xe đối phương, còn pháo binh sẽ dội hỏa lực phá hủy chúng.

Ngoài ra, Nga cũng triển khai cả máy bay trực thăng tấn công Ka-52, phóng tên lửa dẫn đường chống tăng Vikhr để phá hủy thiết giáp của Ukraine nằm cách xa hơn 7km. Moscow đã sử dụng trực thăng kết hợp pháo binh khi quân đội Ukraine tiến hành các cuộc tấn công thăm dò để xác định lỗ hổng phòng thủ của Nga, hoặc cố gắng xuyên phá phòng tuyến kiên cố. Khi đó, chỉ bởi những phương tiện có hỏa lực mạnh mẽ mới đủ sức ngăn chặn đối phương.

Việc tái áp dụng chiến thuật sử dụng pháo hạng nặng trên chiến trường được cho là phù hợp với học thuyết quân sự của Nga. Khác với cách tiếp cận của Mỹ, Nga không sử dụng pháo binh làm suy yếu mục tiêu, sau đó triển khai bộ binh để tiêu diệt những gì còn lại. Thay vào đó, các Nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG), dưới sự hỗ trợ của pháo binh, sẽ dồn đối phương vào khu vực tiêu diệt, sau đó giáng đòn quyết định cuối cùng.

Theo một bài báo trên Armada International, Nga cũng áp dụng chiến thuật "cơ động bằng hỏa lực", theo đó, các đơn vị pháo binh sẽ không "bắn và chạy" ngay lập tức cho đến khi họ đối mặt với nguy hiểm.

"Các đơn vị pháo binh thường giữ nguyên vị trí khai hỏa, chỉ chuyển từ mục tiêu này sang mục tiêu khác. Điều đó sẽ giúp cho hệ thống pháo phản ứng nhanh khi mục tiêu xuất hiện. Với cách thức này, Nga có thể tập trung hoặc phân tán hỏa lực một cách linh hoạt".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại