Ludwig van Beethoven, nhà soạn nhạc thiên tài người Đức, được xem là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến âm nhạc đại chúng giai đoạn cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 cho đến bây giờ. Ông qua đời tại Vienna (Cộng hòa Áo) vào tháng 3/1827. Trong phần lớn cuộc đời kéo dài hơn 56 năm, ông gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, được nhắc đến nhiều nhất là chứng khó nghe ở cuối tuổi đôi mươi và phát triển thành điếc hoàn toàn vào năm 44 tuổi.
Trong khi nguyên nhân Beethoven bị điếc vẫn còn là bí ẩn, các nhà khoa học đã có đáp án cho câu hỏi điều gì đã giết chết tác giả Sonata Ánh trăng .
Ludwig van Beethoven là thiên tài âm nhạc đồng thời là kẻ bất hạnh khi bị bệnh tật dày vò trong phần lớn cuộc đời. Ảnh: Getty Images.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Current Biology ngày 22/3 tiết lộ bệnh gan di truyền, cộng với nhiễm viêm gan siêu vi B và thói nghiện rượu của Beethoven gây ra chứng suy gan mà nhiều người cho là đã giết chết ông.
Để có kết luận trên, nhóm nhà khoa học áp dụng công nghệ giải trình tự DNA từ những lọn tóc được cắt ra để làm vật kỷ niệm của Beethoven. Theo nghiên cứu, 5 ngọn tóc gần như chắc chắn là hàng thật. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng xét 3 lọn tóc khác, nhưng không thể xác nhận chúng là của nghệ sĩ dương cầm vĩ đại. Các xét nghiệm trước đây cũng lấy mẫu tóc và cho ra kết quả Beethoven bị nhiễm độc chì, nhưng thực chất đó là của một phụ nữ.
Đồng tác giả Johannes Krause, nhà cổ sinh vật học tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck của Đức, cho hay việc lấy gen là thách thức lớn vì DNA trong tóc bị cắt thành những mảnh nhỏ. Cuối cùng, sau khi sử dụng gần 3 m tóc của Beethoven, nhóm nghiên cứu có thể ghép thành bộ gen hoàn chỉnh và từ đó chẩn đoán các dấu hiệu của bệnh di truyền.
Ngoài bệnh gan có thể là nguyên nhân chính cái chết của thiên tài âm nhạc, nhóm nghiên cứu còn phát hiện bằng chứng cho các vấn đề về đường tiêu hóa mà Beethoven phàn nàn trong suốt cuộc đời. Mặc dù không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu di truyền rõ ràng, các nhà khoa học phát hiện bệnh celiac (rối loạn tiêu hóa) và không dung nạp đường sữa không phải là nguyên nhân.
Đồng tác giả Tristan James Alexander Begg, nhà nhân học sinh học tại Đại học Cambridge (Anh), tiết lộ nghiên cứu cũng dẫn đến khám phá đáng ngạc nhiên khác. Khi kiểm tra DNA của các thành viên còn sống trong đại gia đình Beethoven, các nhà khoa học đã tìm thấy sự khác biệt trong nhiễm sắc thể Y được truyền lại từ phía người cha. Các nhiễm sắc thể Y của năm người đàn ông khớp với nhau, nhưng chúng không khớp với nhiễm sắc thể của nhà soạn nhạc. Điều này thể hiện trước khi Beethoven ra đời, một đứa trẻ được sinh ra từ mối quan hệ ngoài hôn nhân trong cây gia đình của ông.
Ngày 26/3 tới đánh dấu 196 ngày mất của Beethoven. Một trong những nguyện vọng trước khi qua đời của ông là giới chuyên gia có thể làm rõ các vấn đề sức khỏe dày vò ông suốt nhiều thập kỷ.
“Đối với Beethoven, bệnh tật đôi khi hạn chế rất nhiều công việc sáng tạo của ông”, đồng tác giả Axel Schmidt, nhà di truyền học tại Bệnh viện Đại học Bon ở Đức, bình luận.
Theo RT, PBS