Đỉnh điểm phải kể đến là phiên phiên giao dịch ngày 7/3, khi các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng trong nước liên tục điều chỉnh giá vàng với những “bước nhảy” rất cao từ 500.000 đồng – 1.000.000 đồng/lượng, kéo giá vàng miếng SJC trong nước đứng ở đỉnh 74.000.000 đồng/lượng, tăng hơn 4 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng 24 giờ. Đây được đánh giá là phiên giao dịch “điên loạn” nhất của vàng từ trước đến nay.
Người dân giao dịch mua bán vàng tại TP HCM. Ảnh: Đình Đại
Điều đáng nói là giá vàng miếng SJC trong nước tăng liên tục, trong khi giá kim loại quý trên thị trường thế giới ngày 7/3 chỉ tăng 30 USD/ounce, tương đương 840.000 đồng/lượng, lên 2.001 USD/ounce, đồng nghĩa với việc người mua vàng trong nước phải trả giá cao hơn quốc tế đến 32%. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới cũng thiết lập lịch sử mới, lên đến 18 triệu đồng/lượng, cao nhất trong lịch sử của ngành kim hoàn.
Sự lệch pha của giá vàng trong nước với thế giới lâu nay đã luôn khiến giới chuyên gia cũng như nhà đầu tư bất bình. Nhiều người cho rằng, việc quyết định giá vàng tăng hay giảm hoàn toàn nằm trong tay của những doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Bởi khi có lực mua nhiều thì họ sẽ tăng giá bán lên cao. Còn khi có nhiều người bán ra thì ngay lập tức giá vàng sẽ quay đầu giảm giá, thậm chí chênh lệch biên độ mua bán cũng do chính các doanh nghiệp tự quyết định, họ có thể kéo dãn hoặc thu hẹp biên độ mỗi khi có biến động lớn để tránh rủi ro.
Điều này càng thấy rõ ràng hơn khi nhìn vào 2 phiên giao dịch gần nhất là ngày 7 và 8/3. Nếu như trong phiên giao dịch ngày 7/3, người mua vàng là chủ yếu và diễn biến của phiên giao dịch này thì ai cũng thấy, đó là một phiên rượt đuổi vô tiền khoáng hậu của giá vàng, khiến giá vàng trong nước thiết lập lại tất cả các cột mốc lịch sử về giá, chênh lệch biên độ mua - bán và cả chênh lệch giá với thế giới.
Nhưng đến phiên giao dịch ngày 8/3, mọi diễn biến đã quay ngoắt 180 độ, khi người dân đổ xô đi bán vàng chốt lời vì cho rằng giá vàng đang rất cao và bán vàng vào thời điểm này là hợp lý. Ngay lập tức giá vàng giảm mạnh chỉ sau ít giờ mở cửa. Đến cuối giờ chiều ngày 8/3, vàng miếng SJC của Công ty CP Vàng bạc đá quý Sài Gòn giảm 1.500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, chỉ còn 72.000.000 đồng/lượng, chiều mua vào cũng chỉ còn 70.200.000 đồng/lượng, cũng giảm 1.500.000 đồng/lượng.
Như vậy, nếu như chiều ngày 7/3 những người mua vàng của Công ty SJC với mức giá 73.500.000 đồng/lượng và bán ra chiều ngày 8/3 với mức giá 70.200.000 đồng thì đã lỗ 3.300.000 đồng/lượng.
Lực mua bất thường
Không những vậy, sự lệch pha của giá vàng còn khiến không ít nhà đầu đặt câu hỏi “liệu có hay không chuyện thị trường vàng trong nước đang bị thao túng giá?”. Bởi khi giá trong nước cao hơn giá thế giới hơn 30% nhưng vẫn có lực mua. Hơn nữa, hiện nay người dân cũng đã ít quan tâm đến giá vàng hơn. Do đó, dù giao dịch ngoài thị trường có tăng nhưng cũng không thể đẩy giá vàng tăng nhanh và mạnh như mấy ngày gần đây.
Giá vàng trong nước và thế giới luôn có sự lệch pha rất lớn. Ảnh: Biến động của giá vàng quốc tế ngày 8/3 - Nguồn: kitco.com.
Theo chuyên gia tư vấn đầu tư Phan Dũng Khánh tại Maybank Investment Bank, giá vàng đang được hỗ trợ đi lên bởi nhiều yếu tố. Đó là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng dần lãi suất và một số quốc gia khác cũng bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Dòng tiền đã rút dần khỏi các kênh đầu tư tiền số, chứng khoán gần đây để chuyển sang trú ẩn vào một số tài sản an toàn như vàng, trái phiếu.
Như vậy trong bối cảnh lạm phát gia tăng toàn cầu thì các nhà đầu tư đã phân bổ lại dòng vốn đầu tư, thay vì tập trung vào cổ phiếu hay tiền số như năm trước. Hơn nữa, kim loại quý thế giới còn được hỗ trợ tăng do tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng nhà đầu tư trong nước chỉ nên mua vàng với tỷ lệ ít do giá vàng tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Giá vàng thế giới còn lâu mới vượt đỉnh nhưng giá vàng Việt Nam đã tăng quá đà và vượt đỉnh cũ. Chênh lệch giữa giá vàng SJC với thế giới vẫn đang duy trì ở mức rất cao nên sẽ là rủi ro lớn cho người mua vào.
Bên cạnh đó, giá vàng trong nước còn bị ảnh hưởng bởi tỷ giá ngoại tệ. Dù trong thời gian qua tỷ giá được duy trì khá ổn định nhưng vẫn có thể biến động nên phải tính hết mọi khả năng rủi ro.
Có thể giá vàng thế giới trong năm nay sẽ quay trở lại mức 2.000 USD/ounce, nhưng nếu chênh lệch giá thu hẹp vì lý do nào đó như chính sách, tỷ giá, cung cầu... thì nhà đầu tư sẽ lỗ nặng. Vì vậy vẫn nên phân bổ thêm các kênh đầu tư khác ngoài vàng”, chuyên gia Phan Dũng Khánh khuyến nghị.