Hãng tin The Guardian cho hay, giá hành củ, một mặt hàng nhạy cảm ở Nam Á, nơi sự thiếu hụt có thể gây ra khủng hoảng diện rộng, thậm chí tác động tới cả chính trị, đã tăng kỉ lục ở Bangladesh. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh nước láng giềng Ấn Độ cấm xuất khẩu hành từ cuối tháng 9 bởi thiên tai khiến sản lượng giảm sút.
Một kilogram hành ở Bangladesh thường có giá 30 taka (8.200 đồng) đã lên tới 260 taka (71.200 đồng) kể từ sau lệnh cấm của Ấn Độ.
Ông Hasan Jahid Tizer - Phó Thư ký báo chí của Thủ tướng Pakistan - cho biết, hành đang được nhập khẩu bằng đường hàng không. Cũng theo ông, "Thủ tướng Sheikh Hasina cho biết bà đã ngừng sử dụng hành trong các món ăn". Không có món ăn nào tại nơi ở của Thủ tướng tại Dhaka hôm 16.11 có hành, ông nói thêm.
Truyền thông địa phương cho biết, một số lô hành đã cập cảng ở thành phố Chittagon hôm 17.11 sau khi chính phủ nhập khẩu hành củ từ Myanmar, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ai Cập.
Tập đoàn Thương mại nhà nước Bangladesh (TCB) cũng đang bán hành tây với giá giảm còn 45 taka/kg (12.300 đồng) ở Thủ đô Dhaka.
Tại khu dân cư Farmgate của thành phố, hàng trăm người xếp hàng nhiều giờ để mua hành đã được trợ giá.
"Kể cả tôi phải đứng đây thêm 2 tiếng nữa tôi cũng sẽ làm. Tôi có thể tiết kiệm khoảng 250 taka (68.400 đồng) khi mua 1kg hành của TCB. Tôi đang đứng đây bởi tôi phải tiết kiệm tiền. Tôi 41 tuổi. Tôi chưa từng chứng kiến giá hành vượt quá 120 taka (32.800 đồng)" - Ratan, một giáo viên tiếng Anh, nói.
Sharmin - một bà nội trợ cho biết đã ngừng sử dụng hành để nấu ăn suốt tuần qua. "Chồng tôi bán piazu (pakora - một món ăn chiên có nguồn gốc Ấn Độ và phổ biến khắp Nam Á), cần lượng hành rất lớn. Nhưng sau lần tăng giá gần đây, anh ấy đã ngừng bán piazu" - bà nội trợ trẻ nói.
The Guardian cho hay, các nhà hàng đã cắt hành khỏi thực đơn và chứng kiến cảnh doanh số sụt giảm với các món ăn nhẹ thường được chế biến với hành.