General Motors và Volkswagen đang cảm nhận ‘nỗi đau’ vì dân Trung Quốc ít sắm ô tô hơn

Lê Thanh Hải |

Doanh số bán hàng trên thị trường ô tô lớn nhất thế giới đang giảm, gây ra những vấn đề lớn cho các thương hiệu hàng đầu thế giới đã dựa vào nó để có được phần lớn sự tăng trưởng.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là một nguồn doanh số "bom tấn" cho các nhà sản xuất ô tô lớn, khi sự tăng trưởng kinh tế nhanh của đất nước này đã giúp hàng triệu người tiêu dùng có tiền để chi tiêu cho các "biểu tượng" thuộc tầng lớp trung lưu. Đối với các hãng như General Motors (GM) và Volkswagen (VW), Trung Quốc mang lại cho họ doanh thu cao hơn ở Mỹ hoặc châu Âu.

Tuy nhiên, những công ty này đang gặp khó khăn. Thị trường Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn trong năm nay khi nền kinh tế rộng lớn hơn đã mất đà tăng trưởng và cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng leo thang.

VW cho biết doanh số bán hàng của họ tại Trung Quốc đã giảm gần 11% trong tháng trước. Một ngày trước đó, GM cũng thông báo doanh số bán hàng của họ ở nước này giảm 15% trong quý 3, còn Jaguar Land Rover sẽ đóng cửa một trong những nhà máy ở Anh của mình trong hai tuần sau khi doanh số bán hàng của họ ở Trung Quốc giảm đến 46% trong tháng 9. Trong khi đó, doanh số của Ford ở quốc gia này đã sụt giảm suốt nhiều tháng.

"Sau nhiều năm tăng trưởng ồ ạt, thị trường ô tô của Trung Quốc cuối cùng cũng đang quay trở lại mặt đất", Trivium, một công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết trong một lưu ý vào hôm thứ Ba. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, doanh số ô tô tại Trung Quốc đã giảm trong cả tháng 7 và tháng 8.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ đã gây ra một "sự bất ổn chung rõ rệt ở người tiêu dùng" khiến họ lưỡng lự trong việc chi ra hàng đống tiền cho xe mới, VW nói.

Theo ông Yale Zhang, giám đốc điều hành của Automotive Foresight có trụ sở tại Thượng Hải, sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã làm cho vấn đề trở nên phức tạp thêm. Nó đã "thổi bay" một lượng lớn tài sản của hộ gia đình, khiến cho việc chi tiền cho những món hàng lớn trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn khí thải mới được thiết lập để có hiệu lực vào năm tới đang khiến một số người tiêu dùng trì hoãn việc mua sắm, theo Trivium.

Các thương hiệu nước ngoài có thể bị "tấn công"

Các thương hiệu nước ngoài dường như đang hứng chịu tác động của sự sụt giảm. Theo số liệu từ hiệp hội các nhà sản xuất, doanh số của các mẫu xe Mỹ đã đột ngột giảm 20% ​​trong tháng 8 so với một năm trước đó, hơn gấp đôi mức giảm của các đối thủ Trung Quốc.

Một số nhà sản xuất ô tô quốc tế phải đối mặt với những thách thức đặc biệt vì dòng sản phẩm đặc trưng của họ. Các công ty như Jaguar Land Rover và GM được biết đến ở Trung Quốc qua những chiếc SUV rất tốn xăng và các loại xe cỡ lớn, khiến cho họ trở nên kém hấp dẫn hơn sau khi giá nhiên liệu tăng đột biến trong thời gian gần đây.

Tu Le, người đứng đầu công ty tư vấn Sino Auto Insights tại Thượng Hải cho biết: "Giá xăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh số".

Các thương hiệu khác, như Ford và BMW, có thể sẽ chịu hậu quả bởi vì họ đã chậm giới thiệu các mẫu xe mới nhất của mình, khiến người tiêu dùng có xu hướng chờ đợi cho đến khi có gì đó mới hơn ra mắt trên thị trường.

Cuộc chiến thương mại đang gây ra tác động xấu

Nhiều nhà sản xuất ô tô phương Tây đã thiết lập cơ sở sản xuất tại Trung Quốc với các đối tác địa phương để bán ô tô trực tiếp vào thị trường Trung Quốc và tránh thuế nhập khẩu quá đắt. Tuy nhiên, một số thương hiệu cao cấp vẫn vận chuyển những mẫu xe đắt tiền hơn từ nước ngoài vào và đã bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại.

Hồi tháng 6, Daimler, công ty mẹ của Mercedes Benz, cảnh báo rằng mức thuế mới của Trung Quốc đối với xe SUV do Mỹ sản xuất sẽ làm tổn hại đến lợi nhuận của họ. Vào tháng 7, BMW nói rằng họ đã tăng giá ở Trung Quốc đối với những chiếc SUV nhập khẩu từ Mỹ, nơi họ đang có nhà máy sản xuất lớn nhất.

Trong tháng 9, BMW tiếp tục đưa ra một cảnh báo lợi nhuận, đổ lỗi "một phần là do xung đột thương mại quốc tế đang tiếp diễn".

Theo ông Le, người tiêu dùng Trung Quốc có thể chuyển từ những thương hiệu này sang các giải pháp thay thế rẻ hơn đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhìn chung, những ngày tăng trưởng rất nhanh cho các thương hiệu ô tô quốc tế ở Trung Quốc có thể không trở lại. Khi thị trường Trung Quốc "trưởng thành", các nhà sản xuất ôtô sẽ ngày càng phụ thuộc vào việc bán những chiếc xe ít lợi nhuận hơn cho người tiêu dùng tiết kiệm hơn bên ngoài các thành phố lớn, giàu có như Thượng Hải và Bắc Kinh.

"Tăng trưởng chậm hơn có lẽ là điều đã được chấp nhận", Tu Le nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại