Trong 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, mỗi quốc gia đều có lá quốc kỳ để làm biểu trưng, chúng chứa đựng sự kiêu hãnh và niềm tự hào của người dân đối với đất nước của mình.
Điều đáng nói, trong số gần 200 lá quốc kỳ đó, có rất ít lá cờ sử dụng màu tím. Cụ thể, chỉ có hai nước Dominica và Nicaragua là có màu sắc này trên lá cờ của mình.
Vậy nguyên nhân của hiện tượng hết sức thú vị này là gì?
Trái ngược với tổ hợp trắng, đỏ, xanh dương vô cùng phổ biến, tím là màu sắc rất ít xuất hiện trong các lá quốc kỳ. Ảnh: Internet
Được biết, màu sắc này không được ưa chuộng để sử dụng trong quốc kỳ là vì sự đắt đỏ và quý hiếm của thuốc nhuộm màu tím. Thời xưa, bất kể là ở phương Đông hay phương Tây, việc tìm kiếm các nguyên liệu thiên nhiên để bào chế ra thuốc nhuộm tím đều rất khó khăn.
Trong quá khứ, màu tím ở Trung Quốc và Nhật Bản được chiết xuất từ cây tử thảo - 1 loại cây khá khó trồng. Thêm vào đó, quá trình nhuộm đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao do thuốc nhuộm khó bám vào vải, điều này càng khiến nó có giá thành cao hơn.
Riêng tại Nhật Bản, màu tím là màu sắc dành riêng cho hoàng gia, quan lại có phẩm trật cao và giới quý tộc trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời kỳ Nara, Heian cho đến Edo.
Ở thế giới phương Tây, suốt nhiều thế kỷ, thuốc nhuộm màu tím được nhập khẩu từ thành phố Tyre của người Phoenicia, vùng đất hiện nay thuộc lãnh thổ Lebanon. Nó được chiết xuất từ loài ốc biển ngày nay gọi là Bolinus brandaris ở vùng Địa Trung Hải.
Đặc biệt, để tạo ra được 1 gam thuốc nhuộm, người ta cần dùng tới 10 nghìn con ốc nên việc giá cả không hề rẻ là điều khá dễ hiểu.
Hình dạng của loài ốc biển Bolinus brandaris. Ảnh: Monaco Nature Encyclopedia
Vì có giá quá cao, màu tím từng chỉ được sử dụng bởi tầng lớp hoàng tộc của các đế chế hùng mạnh như La Mã, Ai Cập và Ba Tư. Thậm chí, hoàng đế La Mã Aurelian (215 - 275) đã không cho phép vợ ông mua một chiếc khăn choàng lụa nhuộm tím vì nó có giá ngang với số vàng cùng trọng lượng.
Sự xa xỉ của thuốc nhuộm màu tím đã khiến màu sắc này trở thành màu tượng trưng cho hoàng gia, quyền lực và sự giàu có. Nữ vương Anh Elizabeth I (1533 - 1603) đã từng cấm những người không phải là thành viên hoàng tộc mặc phục trang có màu sắc này.
Với mức giá cao như vậy, sẽ là rất bất tiện và hao tổn chi phí cho quốc gia nào lựa chọn thiết kế có chi tiết màu tím để làm quốc kỳ.
Tuy nhiên, màu tím đã thôi không còn quý hiếm và đắt đỏ kể từ giữa thế kỷ 19. Vào năm 1856, nhà hóa học 18 tuổi người Anh William Henry Perkin đã vô tình tạo ra một hợp chất tổng hợp màu tím trong quá trình bào chế thuốc ký ninh trị sốt rét.
Nhà hóa học William Henry Perkin (1838 - 1907) - “vị cứu tinh” của những con ốc biển Bolinus brandaris. Ảnh: Internet
Khi biết rằng hợp chất này có thể dùng để nhuộm vải, ông đã xin được cấp bằng sáng chế, sản xuất hàng loạt để bán và nhờ đó trở nên giàu có. Nhiều thường dân đã có thể tiếp cận và sử dụng màu sắc này, vì vậy màu tím không còn là biểu tượng của địa vị cao như trong quá khứ.
Màu tím đã trở nên phổ biến, nhưng vì nhiều lá quốc kỳ đã ra đời từ trước đó nên số quốc kỳ hiện nay có chứa sắc tím rất ít. Nicaragua và Dominica là hai nước hiếm hoi có màu tím trong cờ của mình. Chúng chính thức trở thành quốc kỳ lần lượt vào năm 1971 và năm 1978.
Quốc kỳ Nicaragua với dải cầu vồng 7 sắc, trong đó có cả sắc tím. Ảnh: Internet
Quốc kỳ Dominica có biểu tượng vẹt hoàng đế, loài chim đặc hữu của đất nước này, với phần đầu và bụng màu tím. Ảnh: Internet
https://soha.vn/gan-200-quoc-gia-tren-the-gioi-nhung-chi-2-nuoc-co-mau-tim-tren-quoc-ky-vi-sao-vay-20220319205841423.htm