- Trong vòng 9 tháng , Việt Nam đã tiếp đón nguyên thủ các nước Mỹ, Trung Quốc và Nga.
- Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của các công ty đa quốc gia.
- Nguồn vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tăng trong giai đoạn 2024- 2025.
Trong 9 tháng qua, Việt Nam đã tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin với các chuyến thăm ở cấp độ Nhà nước. Financial Times (FT) dẫn lời các chuyên gia cho biết, chuỗi các chuyến thăm này cho thấy một Việt Nam đang quản lý chính sách đối ngoại của mình một cách khéo léo như thế nào.
Financial Times trích dẫn bản sắc "ngoại giao cây tre" với gốc vững, thân chắc và cành uyển chuyển của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để giải thích về chính sách đối ngoại độc lập, muốn làm bạn với tất cả các nước của Việt Nam.
Nâng cấp quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ và các đồng minh của nước này như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Khi Tổng thống Mỹ Biden đến thăm Hà Nội vào tháng 9 năm ngoái, ông đã ca ngợi động thái nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện như một phần trong "vòng tiến bộ" kéo dài 50 năm giữa hai nước.
Tờ Nikkei Asia đưa tin, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden đã mang tới một số thương vụ kinh doanh lớn. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã ký thỏa thuận mua 50 máy bay Boeing 737 Max trị giá khoảng 10 tỷ USD.
FPT Software - công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam - cũng công bố hợp tác chiến lược với công ty khởi nghiệp Landing AI của Mỹ.
Synopsys - công ty chuyên về giải pháp phần mềm thiết kế bán dẫn hàng đầu của Mỹ - đã ký một biên bản ghi nhớ với Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các công ty đa quốc gia như Apple khi họ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 36,6 tỷ USD vào năm ngoái.
Việt Nam là cầu nối quan trọng giữa Trung Quốc với các nước ASEAN
Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và Nga. Trung Quốc là Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam từ năm 2008, còn Nga là Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam từ năm 2012.
Ba tháng sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden, vào tháng 12/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã sang thăm Việt Nam và hai nước đồng ý xây dựng một "tương lai chung" để tăng cường mối quan hệ. Lãnh đạo hai nước cũng kêu gọi doanh nghiệp Việt - Trung triển khai hợp tác trong các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng đường bộ, cầu, đường sắt, điện sạch, viễn thông, logistics.
Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - dự báo nguồn vốn FDI từ Trung Quốc sẽ tăng trong giai đoạn 2024- 2025 khi mối quan hệ hai nước ngày càng bền chặt.
"Trung Quốc mỗi năm đầu tư ra bên ngoài hàng trăm tỷ USD nhưng lượng vốn FDI vào Việt Nam vẫn chưa đáng kể", ông Mại nói. Theo quan sát của ông, hiện doanh nghiệp hai bên đã sẵn sàng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao thay vì những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày như trước.
Nguyễn Vinh Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á thuộc Ban Đối ngoại Trung ương - cho biết: "Việt Nam được đánh giá là có vị trí địa lý độc đáo, là cầu nối quan trọng kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN và là quốc gia quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Trung Quốc và khối này."
Susannah Patton - Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Lowy có trụ sở tại Sydney (Australia) - đánh giá, Việt Nam đã rất khéo léo trong việc điều hướng mối quan hệ với các đối tác lớn bằng cách đạt được sự cân bằng hợp lý "giữa thách thức và tôn trọng".
"Việt Nam đã được hưởng lợi từ lập trường chính sách đối ngoại đa phương của mình và khiến mình trở nên phù hợp với nhiều đối tác", bà nói.
Các nhà phân tích nói với FT rằng, lãnh đạo Việt Nam rất thực tế trong chính sách đối ngoại và hiểu tầm quan trọng của mối quan hệ đa phương để có thể vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp - nhà nghiên cứu cấp cao và điều phối viên chương trình nghiên cứu Việt Nam tại Viện Iseas-Yusof Ishak (Singapore) - cho biết, việc đón tiếp Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm cấp Nhà nước ngày 19-20/6 vừa qua là "vấn đề nguyên tắc" để Việt Nam thể hiện sự cân bằng và đa dạng trong chính sách đối ngoại của mình.
Trong khuôn khổ cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào chiều 20/6, đã có 11 văn kiện được ký kết trước sự chứng kiến của hai nhà lãnh đạo và đại biểu cấp cao hai nước. Danh sách văn kiện bao gồm:
1. Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học.
2. Chương trình hợp tác giai đoạn 2024-2025 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Nga.
3. Bản Ghi nhớ về Lộ trình thực hiện Dự án Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Rosatom.
4. Bản Ghi nhớ giữa Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ Nhiệt đới hỗn hợp Việt - Nga và Cơ quan Liên bang Nga về Giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an sinh con người về hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm để phòng chống dịch bệnh.
5. Trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh Lô 11-2 cho Tập đoàn Zarubezhneft.
6. Thỏa thuận hợp tác trao đổi khoa học giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện kinh tế quốc dân và Hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA).
7. Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Hà Nội và RANEPA.
8. Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học Tỏng hợp liên bang Viễn Đông (FEFU).
9. Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học quốc gia Hà Nội và Trường Kinh tế cao cấp (HSE).
10. Bản Ghi nhớ về hợp tác tại Việt Nam giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Cổ phần NOVATEK.
11. Biên bản ghi nhớ giữa Công ty Cổ phần Quản lý BVIM và Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF).