Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn nhất trong năm của đạo Phật, kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở thế kỷ VII trước Công Nguyên. Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 âm lịch được Liên Hợp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới.
Tại quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan năm nay sẽ diễn ra các hoạt động và nghi lễ kính mừng Phật đản từ 10h đến 21h ngày 3/6 (nhằm ngày 16/4 âm lịch). Tới nay, toàn bộ các công trình kiến trúc tâm linh tại độ cao 2.900m trên đỉnh Fansipan đã được trang hoàng với hàng nghìn lá cờ hội ngũ sắc. Cùng với đó, Phật tử trên cả nước đã cúng dường về Fansipan gần 3.000 đóa hoa sen tươi, tất cả sẽ được kết thành đại cảnh hoa sen ở khu vực sân mây.
Đại Tượng Phật A Di Đà từ bi giữa đại ngàn.
Đại lễ Phật đản nơi đỉnh thiêng Fansipan
Chương trình năm nay lấy chủ đề "Phật ban phước lành" và được chủ trì bởi Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tính đến 30/5, sự kiện đã thu hút hàng trăm Tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khắp mọi miền đất nước cùng tham dự.
Theo đó trong buổi sáng 3/6, tại quần thể tâm linh Fansipan ở độ cao 2.900m sẽ diễn ra đại lễ cầu quốc thái dân an. Đại lễ được tổ chức trang trọng với các nghi thức Phật giáo truyền thống, theo đó sẽ có lễ rước cờ từ Đại tượng Phật A Di Đà, qua đường La Hán men theo thế núi và kết thúc bằng lễ dâng hương tại Kim Sơn Bảo Thắng Tự. Trước cửa Phật, các cao tăng, ni và Phật tử sẽ cùng nguyện cầu bình an, may mắn cho đất nước, người dân.
Chiều 3/6, trong lòng Đại Tượng Phật A Di Đà ở độ cao cao nhất châu Á, sẽ diễn ra đại lễ "Phật ban phước lành". Thượng tọa Thích Đức Thiện cùng các Tăng ni, Phật tử trong trang phục áo lam sẽ tụng kinh Chuyển Pháp Luân và Kinh Khánh Đản. Đây đều là những bài kinh để Phật tử cảm nhận rõ hơn về tư tưởng giáo lý nhà Phật và ý nghĩa của những lời răn dạy của Đức Phật, nhìn nhận lại về quá trình tu tập của mình. Du khách và Phật tử mong muốn tham dự đừng quên mặc trang phục kín đáo, lịch sự để giữ nét trang nghiêm cho buổi lễ.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên tại Fansipan diễn ra Pháp thoại mừng lễ Phật đản. Chương trình pháp thoại có chủ đề "Phật ban phước lành" được giảng bởi thượng tọa Thích Đức Thiện. Bài pháp cũng là một bài học, để nuôi dưỡng trí tuệ và từ bi trong mỗi con người. Trong không gian trang nghiêm của nghi lễ, được lắng nghe âm vang tiếng kinh kệ, tiếng giảng pháp hòa lẫn trong tiếng gió của đại ngàn, mọi muộn phiền như để lại ngoài thiền môn, trong tâm trí mỗi người chỉ còn an yên, thanh tịnh.
Đại lễ cầu quốc thái dân an được tổ chức trang trọng tại Fansipan năm 2020.
Mãn nhãn ngàn đăng dâng Phật
Đặc biệt, tham dự lễ Phật Đản tại Fansipan năm nay, du khách và Phật tử có cơ hội "một không hai" khi tham dự lễ "Ngàn hoa đăng dâng Phật" tại khu vực Đại Tượng Phật A Di Đà. Theo quan niệm Phật giáo, hoa đăng chính là nghi thức truyền thống, như một sự tưởng nhớ đến Đức Phật, người đã truyền ánh sáng của trí tuệ đến với chư tăng và Phật tử. Đồng thời qua mỗi chiếc đăng sáng, mỗi người đều gửi gắm những nguyện cầu bình an, sức khỏe cho gia đình và chúng sanh.
Vì thế, Sun World Fansipan Legend, với công đức cúng dường của rất nhiều Phật tử đã chuẩn bị gần 1.000 hoa đăng dành cho người tham dự lễ. Giữa không gian bao la nơi đỉnh thiêng, ánh sáng của hoa đăng tựa như ngọn đèn của trí tuệ, soi đường dẫn lối cho những người con Phật chinh phục hơn 100 bậc đá hướng về Đại Tượng Phật A Di Đà cao nhất châu Á. Gần 1.000 hoa đăng cũng sẽ được dùng để xếp chữ "Quốc Thái", "Dân An" và chữ "Vạn" ở khu vực sân bao quanh Đại Tượng Phật. Tất cả sẽ cùng tạo nên một kiệt tác của ánh sáng, mang đến khung cảnh lung linh, huyền ảo nơi đỉnh thiêng Fansipan.
Lễ dâng đăng từng được Sun Group tổ chức tại Núi Bà Đen, Tây Ninh năm 2023.
Không thể thiếu trong lễ Phật Đản, nghi thức tắm Phật sẽ được tổ chức tại sân bên ngoài Đại Tượng Phật. Mỗi gáo nước tắm Phật thể hiện một nguyện ước: Gáo thứ nhất tắm bên vai trái- nguyện bỏ mọi điều ác; gáo thứ hai tắm bên vai phải- Nguyện làm mọi điều lành; Gáo thứ ba tắm từ đầu gối xuống chân: Nguyện độ hết chúng sinh. Nghi thức tắm Phật cũng còn được xem như tắm chính mình để thân tâm an lạc, sạch sẽ.
Tham dự lễ Phật đản tại Fansipan cũng là cơ hội "có một không hai" để du khách và thập tử bốn phương chiêm ngưỡng khung cảnh hoàng hôn diệu kỳ nơi đỉnh thiêng Fansipan. Khi ánh sáng cuối ngày lẫn trong biển mây cuồn cuộn chảy và mặt trời dần lặn khuất sau dãy núi, những con đường đá men theo thế núi và 12 công trình tâm linh ở độ cao hơn 2.900 m của quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan sẽ đồng loạt được thắp sáng, tạo nên khung cảnh lung linh và ấn tượng hơn bao giờ hết.
Xen giữa Đại lễ "Phật ban phước lành" và lễ dâng đăng, Sun World Fansipan Legend sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật "Kính mừng Phật Đản". Trên nền các ca khúc về Phật giáo sẽ là các tiết mục múa hoa sen dịu dàng và thanh thoát. Cũng trong ngày lễ, khu du lịch sẽ chuẩn bị riêng ẩm thực chay với đa dạng các món ăn hấp dẫn dành cho du khách và quý Phật tử tại các nhà hàng Vân Sam, Vân Sơn Trà Quán và nhà hàng Đỗ Quyên ở ga đến.
Quần thể tâm linh Fansipan lung linh huyền ảo trong đêm.
Fansipan với độ cao 3.143m là ngọn núi cao nhất Việt Nam và các nước Đông Dương. Theo các nhà nghiên cứu, đỉnh Fansipan nằm chính giữa trục thần đạo kết nối từ cao điểm lớn nhất của thế giới Himalaya về cao điểm linh thiêng của Việt Nam - núi Ba Vì. Fansipan cũng được coi là cao điểm linh thiêng, nơi hấp thụ nhiều năng lượng và linh khí đất trời. Ngày nay tọa lạc nơi đỉnh Fansipan, cao điểm linh thiêng của nước Việt là quần thể tâm linh Fansipan, trải dài từ độ cao 2.900 m lên tới đỉnh. Quần thể bao gồm 12 công trình kiến trúc mang dáng những ngôi chùa Việt cổ từ thế kỷ 15-16. Văn hóa Phật giáo cân bằng cùng thế giới tâm linh bản địa đã tạo nên giá trị có một không hai của đỉnh Fansipan. Cũng vì thế hàng năm, đặc biệt trong các ngày lễ Phật giáo, hàng nghìn Phật tử trở về đây, chiêm bái đảnh lễ trước quần thể tâm linh giữa mây ngàn gió núi.
Năm nay, với nhiều hoạt động và nghi lễ lần đầu tiên được tổ chức quy mô, bài bản chưa từng có trong dịp lễ Phật Đản, Fansipan chắc chắn sẽ là điểm đến mà các Phật tử không nên bỏ qua trong suốt dịp lễ lớn nhất trong năm của Phật giáo.