Theo tờ Avia.Pro, ít nhất một chiến đấu cơ F-16 của Không quân Israel tham gia cuộc không kích Syria vào sáng ngày 22/1 đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi bay quá cao để thả bom lượn GBU-39. Ở độ cao như vậy, máy bay Israel dễ dàng trở thành mục tiêu lý tưởng cho phòng không Syria.
Cũng theo Avia.Pro, với sai lầm trên, khả năng F-16 Israel bị các hệ thống phòng không tầm xa S-200 hay S-300 của Syria bắn hạ lên đến 90%-95%.
Các chuyên gia quân sự của Avia.Pro phân tích, sở dĩ F-16 Israel phải bay lên cao hơn so với thông thường là để họ có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ Syria, khi bom lượn GBU-39 có tầm tấn công hiệu quả chỉ khoảng 110km. Còn phi đội chiến đấu cơ Israel thực hiện vụ không kích từ bên trong không phận Lebanon.
Chiến đấu cơ F-16I Sufa của Israel. Ảnh: Military Watch
Dĩ nhiên, hành động này của F-16 Israel đã khiến nó lọt vào "tầm mắt" của các radar cảnh giới thuộc hệ thống phòng không S-400 của Nga và cả S-300 của Syria. Tuy nhiên, phòng không Syria lại không có bất cứ hành động nào trong khi cơ hội bắn hạ máy bay Israel đã mười mươi.
Sau vụ tấn công, truyền thông nước Syria (SANA) chỉ phát đi thông báo lực lượng phòng không nước này đã đánh chặn hầu hết các tên lửa của Israel tập kích vào tỉnh Hama của nước này. Dù vậy, một số tên lửa vẫn đến được mục tiêu.
Theo nhận định của Avia.Pro, một trong những lý do khiến phòng không Syria quyết định không bắn hạ F-16 khi đã nắm chắc cơ hội là vì nó đang hoạt động bên trong không phận Lebanon. Mặt khác, nhiều khả năng Nga sẽ không đồng ý để Damascus leo thang xung đột với Tel Aviv ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin quân sự địa phương, hệ thống radar cảnh giới của S-300 Syria đã không hoạt động khi vụ tấn công diễn ra.
Cũng theo SANA, ngoài các mục tiêu quân sự, vụ không kích của Israel còn làm hư hại nặng một khu định cư ở Hama, khiến nhiều dân thường thương vong.