EU đang tự cắt đứt đường lùi của chính mình?

Hoàng Đức |

Một số quốc gia châu Âu cho rằng, EU đang tự chặn đường lùi của chính mình khi dùng tiền từ EPF cấp vũ khí cho Ukraine, công khai đối đầu với Nga.

Tờ Financial Times của Anh hôm 01/3 cho biết rằng, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh là ông Josep Borrell thừa nhận rằng EU đã vi phạm điều cấm của chính mình, sử dụng tiền sai mục đích để cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Tờ báo Anh nhấn mạnh, người đứng đầu ngoại giao Liên minh châu Âu đã thừa nhận rằng, đề xuất mua vũ khí của ông cho Kiev, sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã bị các nước châu Âu hoài nghi, nhưng kết quả là “điều cấm kỵ” vẫn bị vi phạm.

“Hãy nghe đây, các vị có đồng ý sử dụng Quỹ European Peace Facility (Quỹ Hòa bình Châu Âu, viết tắt là EPF) để trang bị vũ khí cho Ukraine? Chỉ nghe thấy sự im lặng” - ông Borrell nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, khi nhắc lại các sự kiện có liên quan hồi năm 2022.

Theo Borrell, khi đó ông đã hỏi đại diện các nước EU rằng, liệu vấn đề đang nói có phải là về vũ khí sát thương hay không.

“Hãy giải thích cho tôi về việc chúng ta không cung cấp vũ khí sát thương. Chúng ta không cung cấp nó vì không có chiến tranh. Nhưng nếu có cuộc chiến, thì họ (Ukraine) cần vũ khí sát thương" - Borrell nói khi đó.

Financial Times cho biết, ngay ngày hôm sau, liên minh đã sử dụng nguồn tiền EPF vốn trước đây chỉ sử dụng để trợ cấp cho nông dân chăn nuôi bò sữa Pháp hay làm đường cao tốc Ba Lan, để mua vũ khí tài trợ cho Ukraine và giúp tiến hành chiến tranh chống Nga.

Financial Times lưu ý rằng, ông Borrell chỉ ra rằng, khoảnh khắc đó là một bước đột phá, khi điều cấm kỵ này đã bị phá vỡ, nhưng sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của liên minh trong một thời gian ngắn như vậy không phải là không có sự phản đối của một số quốc gia thành viên.

Ví dụ như ban đầu Hungary đã phản đối việc sử dụng Quỹ Hòa bình Châu Âu để tài trợ cho bất cứ bên nào trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Nhưng cuối cùng Budapest đã nhượng bộ và đồng ý đóng góp cho quỹ, với điều kiện là vũ khí được cấp cho Ukraine sẽ không đi qua lãnh thổ Hungary.

Người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu cũng thừa nhận, một năm sau, bước đi này vẫn được coi là “quá hung hăng” và có khả năng gây ra phản ứng ngày càng tăng từ Moscow.

Financial Times cho biết, người đứng đầu ngành ngoại giao EU cũng tiết lộ việc ông dự định sẽ trình bày các đề xuất cụ thể về việc tăng cường sản xuất đạn dược ở các nước Liên minh châu Âu, tại cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng vào đầu tháng 3 tới.

Ông Borrell cũng nhấn mạnh vào việc đề xuất với các quốc gia thành viên tăng tài trợ cho quỹ, nhằm tạo ra nguồn tiền lớn hơn, đồng thời thúc giục “cần nhanh chóng cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine”.

Financial Times cũng cho biết rằng, một số nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu cũng đã nghi ngờ rằng, liệu việc cung cấp vũ khí cho cuộc xung đột có phù hợp với sứ mệnh đã nêu của Tổ chức Hòa bình châu Âu là “duy trì hòa bình và ngăn chặn xung đột hay không”.

Theo bài báo, ngay cả các chính trị gia các nước EU ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, cũng rất ngạc nhiên khi ông Josep Borrell nói với các phóng viên trong cuộc phỏng vấn rằng, Quỹ Hòa bình châu Âu có thể tài trợ cho việc cung cấp máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng cho Ukraine.

Đồng thời, nhiều nước Liên minh châu Âu ngày càng lo ngại về hậu quả của việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ chọc giận Nga dẫn tới quan hệ giữa hai bên sẽ “không thể hàn gắn”.

Theo các quốc gia này, việc “đổ thêm dầu vào lửa”, công khai đối đầu với Điện Kremlin sẽ không có lợi cho việc đàm phán hòa bình với Nga, nếu một khi Kiev hứng chịu những thất bại nặng nề dưới tay Moscow.

Điều này không khác gì việc châu Âu đang tự tay chặn đường lùi của chính mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

EU

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại