EU chia rẽ về áp trần giá khí đốt Nga

Xuân Mai |

Các Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) hôm 9-9 nhất trí với 4/5 đề xuất được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đưa ra nhằm kiềm chế giá năng lượng đang tăng cao.

Các quan chức trao đổi ở Hội nghị Bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu, diễn ra tại thủ đô Brussels - Bỉ hôm 9-9 Ảnh: REUTERS

Các quan chức trao đổi ở Hội nghị Bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu, diễn ra tại thủ đô Brussels - Bỉ hôm 9-9 Ảnh: REUTERS

Cụ thể, theo trang Euronews, các bộ trưởng ủng hộ áp trần doanh thu của những công ty không sản xuất điện từ khí đốt và lập quỹ hỗ trợ người tiêu dùng đang gặp khó khăn tài chính; thiết lập một cơ chế đoàn kết để phân phối lại lợi nhuận quá mức của các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch; kế hoạch tiết kiệm điện vào giờ cao điểm và hỗ trợ thanh khoản cho các nhà cung cấp điện gặp khó khăn.

Tuy nhiên, theo Reuters, đề xuất còn lại - áp trần giá khí đốt Nga - lại gây chia rẽ mạnh mẽ nên không nhận đủ sự ủng hộ cần thiết. Trước thềm cuộc họp khẩn nói trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Moscow sẽ cắt mọi nguồn cung đến châu Âu nếu khí đốt Nga bị áp trần giá.

Một số nước EU hiện vẫn nhập khẩu mặt hàng này và khẳng định họ chưa sẵn sàng cho một kịch bản như thế. Thay vào đó, nhiều nước đề xuất áp trần giá lên mọi khí đốt nhập khẩu, bất kể xuất xứ địa lý.

Hiện chưa rõ biện pháp này nhằm vào khí đốt qua đường ống hay với cả khí thiên nhiên hóa lỏng (LPG). Các bộ trưởng Ý và Đức cho biết có đến 15 nước ủng hộ bước đi này, trong đó có Bỉ, Thụy Điển, Ba Lan... Dù vậy, rủi ro không phải là không có, nhất là nếu nó áp dụng với cả LPG. Nhà sản xuất LPG có thể chọn bán sản phẩm cho những vùng không áp trần giá, như châu Á.

EC cũng nhanh chóng cảnh báo việc áp trần giá lên mọi khí đốt nhập khẩu có thể khiến nhà cung cấp rời bỏ thị trường này và chuyển hướng sang những khu vực khác, từ đó đe dọa đến nguồn cung khí đốt trước mùa đông năm nay.

Bà Kadri Simson, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng, hôm 9-9 kêu gọi sự thận trọng để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh năng lượng của châu lục này. Trước mắt, bà cho biết EC chưa quyết định đi theo hướng tiếp cận nào, đồng thời khẳng định "mọi lựa chọn vẫn ở trên bàn".

Theo sau cuộc họp trên, EC dự kiến đưa ra văn bản pháp lý cụ thể vào ngày 13-9 tới. Theo Reuters, các bộ trưởng năng lượng EU sau đó có thể tiến hành họp khẩn để thương thảo và thông qua kế hoạch cuối cùng.

Viễn cảnh u ám

Trong khi giới chính trị gia châu Âu đang tập trung vào sự sống còn của khu vực trong mùa đông năm nay, một số chuyên gia cảnh báo nguy cơ thiếu khí đốt vào năm tới có thể còn tồi tệ hơn.

Việc mất nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ khiến trữ lượng của châu Âu cạn kiệt nhanh hơn khi nhiệt độ giảm xuống trong những tháng tới, cũng như khiến hoạt động chuẩn bị ứng phó cho những mùa đông tiếp theo trở nên khó khăn hơn.

Theo các nhà điều hành công ty năng lượng, nếu không có biện pháp khắc phục nhanh chóng, tình trạng căng thẳng về khí đốt ở châu Âu sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2025. "Châu Âu có thể gặp vấn đề lớn hơn trong mùa đông năm sau. Có khả năng các nước châu Âu không tích trữ nhiều khí đốt trong mùa hè tới như trong năm nay" - ông Niek Den Hollander, Giám đốc thương mại của Công ty năng lượng Đức Uniper SE, cảnh báo trong tuần này.

Trong khi đó, ông Ed Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa toàn cầu tại Công ty Dịch vụ tài chính Citigroup (Mỹ), nhận định với hãng tin Bloomberg rằng phải đến giai đoạn 2025-2027, giá khí đốt ở châu Âu mới có thể giảm về mức như thời điểm đầu năm 2021.

Một vấn đề đáng chú ý khác là không dễ thay thế nguồn cung khí đốt của Nga, vốn đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của Liên minh châu Âu vào năm ngoái. Sau khi Tập đoàn Gazprom (Nga) ngưng cung cấp khí đốt qua tuyến đường ống Nord Stream vô thời hạn vào cuối tuần trước, nguồn cung từ Nga sang châu Âu đi qua Ukraine có thể là mục tiêu tiếp theo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại