Cuối năm ngoái, Elon Musk tự tin khẳng định khi 2026 tới, ông sẽ đưa được người lên Sao Hỏa. Nhưng tên lửa du hành không chạy bằng nhiên liệu tự tin, niềm tin hay bất cứ đức tin nào khác, hiện tên lửa vẫn phải vận hành bằng nhiên liệu đốt và một loạt những bước tính toán phức tạp. Ta chưa thể hiện thực hóa giấc mơ bằng những công nghệ đang có trong tay.
Đây là những yếu tố sẽ cản trở dự định “thuộc địa hóa” Sao Hỏa của vị tỷ phú người Mỹ:
Vấn đề #1: Nước và sự sống
Năm 2018, các nhà khoa học tuyên bố phát hiện ra nguồn nước dạng lỏng lớn nằm sâu khoảng 1,5km dưới lớp băng tại Cực Nam của Sao Hỏa. Tháng 9/2020, họ tái khẳng định kết luận của mình: tàu thăm dò phát hiện được một cụm những hồ nước lỏng nằm dưới băng.
Đã từ lâu, các nhà khoa học nghi ngờ rằng dưới bề mặt Sao Hỏa có chứa nhiều nước.
Những hồ nước trải hết một khu vực rộng 75.000 km2 (gấp 22 lần Hà Nội) và giàu muối - yếu tố giữ cho nước ở dạng lỏng khi nhiệt độ xuống tới -73 độ C. Lý do khám phá này thu hút sự chú ý cũng đơn giản thôi: nước là nguồn căn của sự sống, hay ít ra, đó là cách sự sống vận hành trên Trái Đất.
Tuy nhiên, ta chưa thể khẳng định những cư dân Sao Hỏa tương lai có thể tận dụng nguồn nước lạnh. Không chắc nước có chứa sinh vật sống hay không, hơn nữa ta còn có thể đứng trước nguy cơ làm ô nhiễm hồ nước lớn này bằng tạp chất, vi khuẩn tới từ Trái Đất. Các nhà khoa học có thể xác định nhầm dấu hiệu nhận biết sự sống, vi khuẩn Trái Đất sẽ làm ô nhiễm nguồn nước tồn tại tách biệt với thế giới bên ngoài suốt nhiều năm.
Trước khi múc nước hồ lên sử dụng, các nhà khoa học sẽ phải mất hàng thập kỷ khoan lấy mẫu, phân tích và nghiên cứu thứ nước ngoài hành tinh hiếm có.
Vấn đề #2: Biến Sao Hỏa thành nơi “sống được”
Elon Musk từng nêu kế hoạch “điên rồ”: ném bom hạt nhân vào cực có băng của Sao Hỏa để giải phóng CO2 tích tụ, với mục đích làm dày bầu khí quyển Sao Hỏa và tăng nhiệt độ trung bình trên bề mặt hành tinh tới mức sống được.
Kế hoạch này gặp phải hai trở ngại lớn:
Alexander Bloshenko, chủ tịch bộ phận Khoa học và Các kế hoạch Dài kỳ của cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roscosmos nói trong một bài phỏng vấn: Musk sẽ phải bắn lên Sao Hỏa 10.000 quả tên lửa chở đầu đạn hạt nhân thì mới mong hiện thực hóa ước mơ kia.
Và cho dù Musk khẳng định là “chẳng vấn đề gì” trong một bài đăng Twitter trả lời ông Bloshenko, vẫn tồn tại một vấn đề thứ hai nữa …
Cần 10.000 quả tên lửa ư? "Không vấn đề gì".
Không lâu sau khi kế hoạch “đánh bom Sao Hỏa” được đề xuất, các nhà nghiên cứu xuất bản báo cáo khoa học cho thấy lượng CO2 còn lại trên Sao Hỏa không đủ để tạo nên hiệu ứng nhà kính đủ mạnh nhằm làm ấm Hành tinh Đỏ. Họ nêu kết luận đáng buồn: “Chúng ta không thể biến Sao Hỏa thành nơi sống được với công nghệ hiện tại”.
Musk không bỏ cuộc, ông đề xuất cách giải quyết mới: những lồng kính lớn có thể hỗ trợ sự sống. Sau khi thấy kế hoạch “Trái Đất hóa” Sao Hỏa không thành, ông đưa nhận định: “Ta vẫn có thể thiết lập căn cứ trên Sao Hỏa. ít nhất, những nền văn minh tương lai có khả năng du hành không gian, khi phát hiện ra tàn tích của loài người, vẫn sẽ ấn tượng rằng con người đã có thể đi xa đến thế”.
Thành phố giả tưởng trên Sao Hỏa cũng sẽ phải tự cung cấp cho mình những nhu yếu phẩm cơ bản nhất, nhưng rồi vẫn sẽ phải sống dựa vào trợ cấp từ Trái Đất. Để giải quyết vấn đề này, Elon Musk nhận định cộng đồng Sao Hỏa sẽ cần 1 triệu thành viên, với 1 triệu tấn hàng mang tới từ Trái Đất.
Những người khai hoang Sao Hỏa đầu tiên sẽ phải đối mặt với điều kiện sống như thế này.
Với tàu Starship có tải trọng 150 tấn hàng hóa và chứa được số hành khách tối đa là 100 người, Musk sẽ phải phóng cả ngàn lượt tàu khứ hồi để đạt con số mơ ước kia. Biết rằng khi cuộc sống trên Sao Hỏa ổn định hơn và bắt đầu tự sản xuất được nhu yếu phẩm, con số lớnsẽ giảm xuống, nhưng rõ ràng Starship vẫn chưa phải giải pháp vận chuyển tối ưu nhất.
Vấn đề #3: Yếu tố kinh tế
Khoa học và kỹ thuật vẫn chưa phải trở ngại lớn nhất của kế hoạch thuộc địa hóa Sao Hỏa. Còn một câu hỏi lớn nữa: duy trì cộng đồng Sao Hỏa này bằng một nền kinh tế như thế nào? Sao Hỏa không thể mãi mãi là con ký sinh trùng bòn rút nguồn tài nguyên hữu hạn của Trái Đất.
Trong bài viết về “Những sai lầm kinh tế trong kế hoạch thuộc địa hóa Sao Hỏa của Elon Musk”, John Hickman, giáo sư giảng dạy môn chính trị học tại Đại học Berry (Georgia, Hoa Kỳ) nói Sao Hỏa không có thứ hàng hóa thực tế đáng để xuất khẩu nào.
Tàu Starship có tải trọng 150 tấn hàng hóa và chở được 100 người.
Đây là vấn đề lớn. Lịch sử cho ta thấy chỉ những thuộc địa sở hữu khả năng sản xuất hàng hóa sinh lời mới có thể tồn tại. Chúng là viên gạch nền móng xây nên cây cầu kinh tế nối liền thuộc địa với quê nhà, đồng thời là tuyến đường đưa những người sẵn sàng khai hoang tới vùng đất hứa.
Hàng hóa có xuất xứ Sao Hỏa mà không cạnh tranh được với sản phẩm có nguồn gốc Trái Đất, thuộc địa sẽ không thể tiến hành trao đổi kinh tế, không mang lời hứa hẹn tiềm năng nào để mời gọi nhân lực. Những cá nhân dư sản và có tầm ảnh hưởng rộng, là động cơ của một bộ máy thuộc địa thành công, sẽ không có hứng thú chuyển khẩu tới Sao Hỏa. Độ trễ tín hiệu tới 3 tiếng 22 phút sẽ khiến việc giao thương giữa Sao Hỏa và Trái Đất chậm chạp muôn phần.
Nền kinh tế Sao Hỏa đứng trước loạt chướng ngại vật lớn trước mặt: thông tin không thể tức thời, khả năng vận chuyển hàng hóa hạn chế, dân số không nhiều, đồng tiền có giá trị thấp. Đây sẽ là những tảng đá khổng lồ mà Sisyphus - thành phố giả tưởng nào đó trên Sao Hỏa - sẽ phải đẩy qua những đụn cát khô cằn nơi Hành tinh Đỏ.
Nhiều người lên tiếng chỉ trích Elon Musk về những ảo vọng hão huyền. Nhưng cũng nhiều trong số những lời lẽ này tới từ những người quên một điều: Elon Musk không phải một nhà khoa học. Ông nổi tiếng với khả năng giải quyết vấn đề, tìm được hướng đi đúng, việc Musk là một doanh nhân thành đạt minh chứng cho những điều đó. Tất cả các khó khăn vừa nêu cũng sẽ phải đối mặt với bộ óc của con người, “cỗ máy tính” đã tìm ra phương thức liên lạc lượng tử bằng vệ tinh , chế tạo được tên lửa du hành hay thậm chí đã có thể làm động cơ warp . Và ta đâu biết hành tinh chưa có dấu chân người hiện đại sẽ ẩn chứa những tài nguyên gì?
Cho tới khi có lời giải cho tất cả những câu hỏi khó, Vũ trụ rộng lớn nói chung và Sao Hỏa nói riêng vẫn đang kiên nhẫn đợi nhân loại khai phá.
Dựa trên bài viết thể hiện quan điểm của anh Jurica Dujmovic, cây bút viết cho MarketWatch. Anh Dujmovic có nói thêm rằng anh đã liên hệ với Elon Musk về những vấn đề được nêu, và sẽ cập nhật thêm khi có lời hồi đáp chính thức.