Năm 2016, một phụ nữ khi đang lái xe ở ngoại ô New York đã bị cảnh sát dừng xe và kiểm tra nồng độ cồn. Đáng nói là dù không uống bia rượu, cô ấy vẫn bị buộc tội. Sau đó, người phụ nữ đã chứng minh cơ thể cô tự sản sinh ra rượu chứ không phải cô chủ ý uống.
Các bác sĩ và nhà khoa học đã xác nhận điều đó, người phụ nữ bị mắc một tình trạng hiếm gặp gọi là Auto-Brewery Syndrome – hội chứng tự sinh rượu (ABS). Kết quả là cảnh sát đã miễn hình phạt cho cô ấy.
Câu chuyện kỳ lạ khiến nhiều người tự hỏi: Tại sao cơ thể người có thể tự nấu rượu?
Tại sao cơ thể người có thể tự nấu rượu?
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Trao đổi chất tế bào tuần này, các nhà khoa học đã giải mã được bí ẩn đó. Hóa ra, một số chủng vi khuẩn đường ruột có thể biến carbohydrate trong bữa ăn của bạn thành ethanol.
Một số ít người mắc ABS thể hiện những triệu chứng say sau khi ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột như cơm gạo. Nhưng đa số những người mang vi khuẩn sinh rượu trong ruột không biết về trình trạng của mình.
Hội chứng tiềm ẩn này có thể là nguyên nhân của một tình trạng kỳ lạ khác được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Jing Yuan, tác giả chính của nghiên cứu đến từ Viện Nhi khoa Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết: Phát hiện mới có ý nghĩa quan trọng, bởi nó có khả năng giải thích cả hai hội chứng kỳ lạ cùng lúc và hứa hẹn tìm ra phương pháp điều trị cho nhiều bệnh nhân.
Những vi khuẩn nấu rượu trong ruột bạn và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Đúng như cái tên của nó, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) được xác định bởi sự tích tụ chất béo trong gan của người uống ít uống, hoặc không hề uống rượu. Nếu tình trạng tiến triển, gan của họ có thể bị xơ và thậm chí suy gan tương tự như những người nghiện rượu.
Nguyên nhân của NAFLD vẫn chưa được biết đến, mặc dù các nhà khoa học cho rằng nó ảnh hưởng đến khoảng một phần tư dân số trưởng thành trên toàn cầu. Đa số các trường hợp gan nhiễm mỡ không do rượu lại không biểu hiện triệu chứng khiến nó khó được phát hiện.
Các bác sĩ cho biết những tình trạng liên quan đến căn bệnh bao gồm béo phì, lượng đường trong máu cao, mỡ máu và đề kháng insulin...
NAFLD tiến triển có thể dẫn đến xơ và thậm chí suy gan tương tự như những người nghiện rượu.
Hiếm xảy ra hơn NAFLD nhưng cũng hết sức kỳ lạ là hội chứng tự sinh rượu (ABS). Nó xảy ra khi một tác nhân nào đó trong đường tiêu hóa biến carbohydrate thành ethanol.
Trong một số trường hợp điển hình, lượng rượu sinh ra sau bữa ăn này có thể khiến người mắc ABS say. Đó là vì tất cả đường và tinh bột họ ăn vào đều bị biến thành ethanol. Dù không uống bất kể một giọt rượu nào, những người mắc ABS cũng sẽ bị ảnh hưởng như uống rượu.
Khi nghiên cứu một người đàn ông mắc cả ABS và NAFLD, Yuan và các đồng nghiệp của mình đã cho bệnh nhân này xét nghiệm nấm đường tiêu hóa. Nhưng kết quả âm tính đã khiến cô đổi sang xét nghiệm phân để đi tìm vi khuẩn.
Và đây là lúc Yuan phát hiện những chủng vi khuẩn đường ruột bất thường có tên gọi là Klebsiella pneumoniae. Mặc dù nó cũng xuất hiện trong đường tiêu hóa của những người khác, nhưng Yuan phát hiện chủng Klebsiella pneumoniae trong ruột bệnh nhân của mình có thể sản xuất ethanol gấp từ 4-6 lần bình thường.
Điều này gợi ý rằng một loài vi khuẩn hoàn toàn mới có thể phải chịu trách nhiệm khiến nhiều người say dù không hề uống rượu- và những con vi khuẩn này tạo ra nhiều rượu hơn so với các nhà nghiên cứu nghĩ.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi vi khuẩn có thể tạo ra nhiều rượu đến vậy", Yuan cho biết. "Nó chỉ ra rằng có thể có một mối liên hệ giữa các chủng vi khuẩn sinh rượu và loại bệnh gan bắt chước tác động của tình trạng lạm dụng rượu kéo dài".
Chủng vi khuẩn Klebsiella pneumoniae trong ruột một số người có thể sản xuất ethanol gấp từ 4-6 lần bình thường.
Tìm ra nguyên nhân hứa hẹn phương pháp điều trị
Để xác nhận phỏng đoán của mình, Yuan và nhóm nghiên cứu của mình đã tiếp tục xét nghiệm phân của 43 người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, so sánh kết quả với 48 người hoàn toàn khỏe mạnh khác.
Cô nhận thấy 60% những người mắc NAFLD có những chủng vi khuẩn sinh rượu cao trong đường ruột. Ngược lại, tỷ lệ ở những người trưởng thành chỉ là 6%. Thêm vào đó, không có bất kỳ ai trong nhóm NAFLD biểu hiện các triệu chứng của ABS, gợi ý rằng căn bệnh rất tiềm ẩn.
Theo tiêu chuẩn khoa học, điều này vẫn chưa thể chứng minh các vi khuẩn sinh rượu cao trong ruột là nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ. Do đó, nhóm của Yuan đã tiếp tục một thử nghiệm trên chuột.
Trong ba tháng, họ cho một nhóm chuột ăn vi khuẩn sản xuất rượu cao được phân lập từ bệnh nhân ABS. Kết quả không ngoài dự đoán. Chỉ sau một tháng, những con chuột này bắt đầu phát triển gan nhiễm mỡ.
Sau hai tháng, gan của chúng đã có dấu hiệu bị xơ. Một nhóm chuột đối chứng khác được cho uống rượu trong cùng khoảng thời gian, và gan của chúng cũng bắt đầu thể hiện mô hình xơ tương tự những con chuột ăn vi khuẩn ABS.
Đến đây, kết quả nghiên cứu thực sự cho thấy vi khuẩn sinh rượu trong ruột thực sự có thể là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Qua đó, Yuan nghĩ rằng các nhà khoa học có thể tìm kiếm ra một phương pháp điều trị NAFLD mới.
Nếu nguyên nhân đúng là do vi khuẩn, biết đâu kháng sinh lại có tác dụng?
Nếu nguyên nhân đúng là do vi khuẩn, biết đâu kháng sinh lại có tác dụng? "Chúng tôi nghĩ rằng việc nhắm mục tiêu vào những vi khuẩn này có thể mang lại một số lợi ích để điều trị cho những bệnh nhân này", Yuan nói.
Trong tương lai, cô và nhóm nghiên cứu của mình sẽ tiến hành các thử nghiệm dài hạn hơn trên cả người lớn và trẻ em, những đối tượng không may mắc NAFLD từ khi còn nhỏ để xem nguồn gốc của những con vi khuẩn sinh rượu đến từ đâu.
Các nghiên cứu trong tương lai của Yuan sẽ tiếp tục rọi luồng ánh sáng vào một lãnh địa hết sức kỳ lạ trong cơ thể con người. Đó là cộng đồng vi sinh vật đường ruột, một phần cơ thể của chúng ta đang ngày càng được các nhà nghiên cứu quan tâm.
Tham khảo Discovermagazine