Nga đưa khí đốt sang châu Âu qua Ukraine thế nào?
Khoảng một nửa lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga sang châu Âu đến nay vẫn đi qua Ukraine. Trong khi đó, nửa còn lại chảy qua đường ống dẫn khí đốt Turkstream nằm dưới Biển Đen.
Hiện tại, Gazprom cung cấp khoảng 42 triệu m3 khí đốt mỗi ngày cho châu Âu qua Ukraine, qua đường ống Urengoy-Pomary-Uzhgorod, chạy qua Sudzhain, vùng Kursk, gần Ukraine. Sudzha là điểm trung chuyển khí đốt tự nhiên cuối cùng của Nga đến khu vực Tây và Trung Âu vẫn còn hoạt động.
Khoảng 14,65 tỷ m3 khí đốt Nga được cung cấp qua Sudzha vào năm 2023, tương đương khoảng 1 nửa lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu. Còn lượng tiêu thụ khí đốt của EU đã giảm xuống 295 tỷ m3 vào năm ngoái. Tuy nhiên, lượng khí đốt Nga vận chuyển qua Ukraine đã tăng 10,5% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, lên 8 tỷ m3.
Các đường ống dẫn khí đốt là một phần của hành lang Ukraine, đóng vai trò cung cấp dịch vụ vận chuyển khí đốt theo hướng Slovakia. Tại Slovakia, đường ống dẫn khí được chia tách, một nhánh đi đến CH Séc, nhánh còn lại đến Áo. Các bên mua khí đốt chính là Áo, Slovakia, Ý, Hungary, Croatia, Slovenia và Moldova.
Tháng 12/2019, Moscow và Kyiv đã ký một thoả thuận kéo dài 5 năm về việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine, với 45 tỷ m3 vào năm 2020 và 40 tỷ m3 mỗi năm vào năm 2021 đến 2024. Thoả thuận này sẽ hết hạn vào năm 2024 và Kyiv cho biết không có kế hoạch gia hạn hoặc ký kết một thoả thuận mới.
Tháng 5/2022, Ukraine đã ngừng nhận trung chuyển khí đốt qua trạm Sokhranovka với công suất 30 triệu m3/ngày, với lý do bất khả kháng và đề xuất chuyển toàn bộ khối lượng trung chuyển sang Sudzha.
Sau đó, tháng 9/2022, tập đoàn dầu khí thuộc sở hữu nhà nước của Ukraine, Naftogaz, đã thực hiện các thủ tục pháp lý chống lại Gazprom, yêu cầu công ty Nga thanh toán cho các hoạt động vận chuyển qua Ukraine. Tuy nhiên, khoản thanh toán chưa được thực hiện đầy đủ do Ukraine ngừng tiếp nhận khí đốt qua Skhranovka.
Hiện tại, dù nhận phần lớn lượng khí đốt Nga thông qua đường ống qua Ukraine, Áo đã nỗ lực đa dạng hoá nguồn cung và thực hiện một số bước để giảm nhu cầu. Moldova, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, năm ngoái đã mua toàn bộ khí đốt từ các thị trường châu Âu, “bỏ không” nguồn khí đốt từ Gazprom ở khu vực Transdniestria.
Ngoài ra, nghiên cứu của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia chỉ ra, nhập khẩu khí đốt của Croatia ở mức tối thiểu và của Slovenia đã giảm xuống gần bằng 0, sau khi hợp đồng của nhà cung cấp khí đốt chính Geoplin và Gazprom kết thúc vào năm ngoái.
Châu Âu làm gì để thay thế đường ống qua Ukraine?
Trong bối cảnh đó, EC thông báo họ vẫn có các nguồn cung cấp thay thế cho khí đốt Nga chảy qua Ukraine. Áo có thể nhập khẩu từ Ý và Đức. Hungary vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga nay có thể nhận nguồn cung qua đường ống TurkStream, còn Slovenia lấy khí đốt từ Algeria và các nguồn khác. Ý có thể nhập khẩu khí đốt của Azeri và Algeria.
Nhà cung cấp khí đốt Slovakia SPP cho biết một nhóm gồm các nước châu Âu mua khí đốt có thể tiếp quản lượng khí đốt ở biên giới Nga-Ukraine khi hợp đồng trung chuyển hết hạn, nhưng không rõ việc này sẽ diễn ra như thế nào. Một lựa chọn khác là Gazprom cung cấp một phần khí đốt qua những tuyến đường khác, chẳng hạn như TurkStream, Bulgaria, Serbia và Hungary. Tuy nhiên, khả năng vận chuyển của các đường ống này vẫn còn hạn chế.
Theo Reuters, EU và Ukraine đã yêu cầu Azeri tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán với Nga về thỏa thuận vận chuyển khí đốt. EU cũng đang nỗ lực đa dạng hoá nguồn nhập khẩu khí đốt và ký thoả thuận tăng gấp đôi lượng khí đốt từ Azeri lên ít nhất 20 tỷ m3 mỗi năm vào năm 2027, song cơ sở hạ tầng cũng như điều kiện tài chính vẫn chưa sẵn sàng cho sự mở rộng này.
Về phía Nga, quốc gia này có thể mất khoảng 4,5 tỷ USD hàng nếu ngừng xuất khẩu, tính theo giá khí đốt trung bình dự kiến sang châu Âu là 320 USD/1.000 m3 vào năm 2025, theo dữ liệu của Gazprom.