Nhắc tới nước Nhật, người ta nghĩ ngay tới một quốc gia có dân số già, với nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp. Tuy nhiên, những vấn đề hiện hữu không làm thay đổi thực tế rằng Nhật Bản đứng thứ 2 thế giới về số triệu phú. Theo Bain & Company, riêng trong năm ngoái, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới mà thị trường siêu sang phục vụ người giàu có thể tăng trưởng.
Các biểu tượng thời trang sang trọng như túi xách Harmes và đồng hồ Rolex vẫn được lựa chọn nhưng giờ đây, xu thế thời thượng đang lên ngôi chính là du lịch siêu sang trọng. Greg Schulze, giám đốc điều hành của Công ty Du lịch trực tuyến Expedia, nhấn mạnh: “Nhật Bản là một thị trường sang trọng và du lịch bây giờ mới bắt kịp xu hướng đó”.
Nhật Bản là điểm đến khá ấn tượng với du khách nước ngoài. Tuy nhiên, cách hưởng thụ của các triệu phú lớn tuổi khác biệt hoàn toàn so với những gì du khách muốn khám phá ở quốc gia này. Fujio Umemoto, một người mới về hưu, là điển hình trong số đó. Ngoài việc sở hữu một chiếc du thuyền chung với bạn, ông Umemoto cũng là khách quen với của các công ty lữ hành hạng sang của Nhật Bản.
Toa tàu du lịch hạng sang ra đời phục vụ những người giàu có. Ảnh: Business Insider
Sau nhiều thập kỷ tiết kiệm cùng một khoản tiền nghỉ hưu, người đàn ông 67 tuổi khỏe mạnh cho biết ông đang có cả thời gian lẫn tiền bạc. Dù không tiết lộ số tài sản cá nhân nhưng Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết những người như ông Umemoto nhận trung bình 210.000 USD từ công ty như khoản tiền chia tay sau khi nghỉ hưu.
“Tôi chẳng còn nợ nần gì trong khi đã hoàn tất việc nuôi dạy con cái nên bây giờ, tôi chỉ tập trung vào thỏa mãn những nhu cầu cá nhân. Tôi không muốn bất cứ thứ gì khác ngoài dành tiền cho những kỷ niệm đẹp và trải nghiệm thú vị”, ông Umemoto nhấn mạnh.
Nền kinh tế Nhật Bản không sản sinh ra những người siêu giàu. Chỉ có 6 người Nhật nằm trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới, con số quá khiêm tốn so với 164 ở Mỹ. Tuy nhiên, số triệu phú ở Nhật đang tăng chóng mặt. Trên thực tế, Nhật Bản có rất số người người sở hữu khối tài sản trị giá 1 tới 2,7 triệu USD nhiều hơn cả Đức và Trung Quốc cộng lại.
Ở một quốc gia dân số ngày càng thu hẹp, người cao tuổi và người giàu lại đang tăng trưởng tỷ lệ thuận với nhau. Bất chấp những cuộc suy thoái kinh tế liên tiếp trong vài thập niên qua, Nhật Bản vẫn có những triệu phú bởi cách thức xã hội này vận hành tạo ra những người trung lưu.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội và nhiều người Nhật đang làm kém hiệu quả hơn. Theo Cục thuế quốc gia, tiền lương và các khoản trợ cấp đã giảm trung bình 10% kể từ năm 1997. Đây là biểu hiện hữu hình cho tình trạng tê liệt của nền kinh tế và cũng là lý do mà phần lớn thị trường tiêu dùng đã chuyển sang các nhà phân phối như nhà bán lẻ đồ gỗ Nitori hay Uniqlo.
Xe buýt siêu sang với giá vé 13.000 USD cho hành trình 12 ngày đêm. Ảnh: Business Insider
Dẫu vậy, lĩnh vực kinh doanh sang trọng không bị ảnh hưởng bởi tình cảnh chung của bức tranh vĩ mô. Expedia cho biết số lượng vé hạng nhất tăng nhanh gấp đôi so với số vé phổ thông. JTB Corp, công ty du lịch lớn nhất Nhật Bản, tiết lộ số khách đặt vé các kỳ nghỉ cấp cao tăng 10 lần so với khi dịch vụ này được mở ra năm 2003.
Theo số liệu của Bộ giao thông Vận tải Nhật Bản, du lịch bằng du thuyền tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng 12% trong năm trước lên 248.000 lượt người. Công ty Vận tải Nippon Yusen K.K cho biết tour du lịch sang trọng nhất của hãng với chuyến đi kéo dài 3,5 tháng tới khắp nơi trên thế giới đã bán gần hết vé trong ngày đầu tiên. Loại vé đắt nhất lên tới 230.000 USD.
Nhu cầu các dịch vụ sang trọng ở Nhật Bản cũng thu hút nhiều công ty nước ngoài tham gia cuộc chơi. Công ty chuyên cung cấp các chuyến du lịch dài ngày trên biển Princess Cruises của Mỹ sẽ bắt đầu khai thác những chuyến đi từ các cảng của Nhật vào tháng 4 tới. Một nhà khai thác khác là Genting Hong Kong cũng điều tàu du lịch lớn nhất của mình tới Nhật vào tháng này. MSC của Italy sẽ đưa siêu tàu du lịch tới Nhật vào năm tới và lên kế hoạch cho 4 chuyến đi vào năm 2019.
Thậm chí, nhu cầu sang trọng ở Nhật Bản còn cao tới mức công ty đường sắt số 1 đất nước là Kyushu đã tạo ra chiếc tàu sang trọng gồm 10 toa xe chỉ để phục vụ 34 hành khách trong một chuyến đi siêu sang. Tàu được trang trí hiện đại và sang trọng như một phòng khách sạn cao cấp, với hành trình kéo dài 3 ngày đêm. Dù có giá vé 8.400 USD nhưng vé đã được đặt trước tới tháng 3 năm sau.
Ngoài tàu hỏa, xe bus siêu sang cũng được tạo ra để phục vụ nhu cầu của du khách. JTB bắt đầu khai thác chuyến du lịch 12 ngày xuyên qua những khu rừng núi ở miền đông Nhật Bản với giá vé 13.000 USD. Dù có mức giá trên trời nhưng chúng là lựa chọn đầy thích thú của những triệu phú đầu bạc Nhật Bản.