Hạnh phúc nằm trong "chiến lược"
Tổng thống Mỹ Obama đứng chờ vợ ở sân bay, thường xuyên khiêu vũ, luôn nắm tay nhau trong mọi hoạt động, không ngần ngại ôm hôn tình tứ trước đám đông... là những hình ảnh góp phần tạo nên "hội chứng phát cuồng" vì hình mẫu gia đình hạnh phúc của Tổng thống Mỹ đang khiến nhiều phụ nữ Việt chao đảo.
Những khoảnh khắc tưởng chừng "chỉ có trên phim" nay khiến chị em phụ nữ thậm chí ghen tị đem ra so sánh với người đàn ông của mình. Nhưng điều ẩn phía sau "hội chứng" này là gì?
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, nhà văn Di Li phân tích: "Những khoảnh khắc nói trên có đẹp không, có xứng đáng được ca ngợi hay không? Đương nhiên là có.
Nhưng về hạnh phúc, tất cả chúng ta có lẽ cứ tạm thời biết thế và cũng đừng phát cuồng lên theo kiểu: "Đấy đấy người ta thế chứ, làm người đàn ông quyền lực nhất thế giới mà xách ô ra đón vợ tận sân bay, nhà các anh thì chỉ được cái ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, công chức nhàn rỗi mà cũng chẳng chăm vợ được nả nào".
Nữ nhà văn chuyên viết đề tài trinh thám, hình sự đánh giá, trong quan hệ công chúng (PR) của giới chính trị gia, hình ảnh gia đình hạnh phúc là tuyệt đối quan trọng vì ngoài việc phải đóng vai trò là một gia đình gương mẫu, một cặp tổng thống-phu nhân hạnh phúc sẽ luôn mang lại cảm giác an toàn cho người dân.
Các chính trị gia cũng sợ nhất cảnh gia đình lục đục, scandal tình ái, bởi sẽ dẫn đến cảm giác khiến công chúng nghĩ rằng: Việc nhà anh lo chả nổi, làm sao anh lo cho cả quốc gia.
Thực tế chính trường cũng chứng minh, scandal tình ái còn có thể hạ bệ quan lộ của nhiều chính trị gia. Vì thế lúc nào cũng trưng ra hình ảnh hạnh phúc chính là một đảm bảo: Chúng tôi bền vững và trong sạch.
Từ những lý do trên, không có gì đáng ngạc nhiên khi hình ảnh gia đình hạnh phúc của Tổng thống Obama ngày càng thu hút được một lượng fan hâm mộ khổng lồ.
"Tổng thống Mỹ Obama không chỉ phụ nữ có gia đình mà ngay các bạn trẻ tuổi teen cũng không ngừng post ảnh vị này nắm tay vợ hàng ngày.
Thế giới cũng từng chứng kiến hai "cặp đôi vàng" của Nhà trắng thu hút vô khối fan cuồng trẻ tuổi là vợ chồng cựu tổng thống Kennedy và cựu tổng thống Clinton.
Cũng cùng một sách lược PR gia đình hạnh phúc, con cái ngoan hiền, vợ chồng đẹp đôi hệt như showbiz.
Sau này, John F. Kennedy phản bội phu nhân Jackie để dính lấy cô đào bốc lửa Marilyn Monroe, còn Bill Clinton khốn khổ vì phải xin lỗi vợ, xin lỗi công chúng trên kênh truyền hình Mỹ sau khi bị tố có quan hệ không bình thường với cô thực tập sinh Monica.
Cô nàng không ngần ngại kể lể chuyện "tày trời" với báo chí", nữ nhà văn dẫn chứng.
Phụ nữ muốn hạnh phúc thì đừng so sánh
Đánh giá về chiến lược PR bằng hình ảnh hạnh phúc cá nhân, nhà văn Di Li chia sẻ: "Đây là điều rất tốt, mang nhiều ý nghĩa tích cực. Không chỉ chính trị gia mà bất cứ ai nếu muốn thúc đẩy quan hệ công chúng cũng nên lưu ý.
Đối với công chúng, từ nhiều năm về trước, hình ảnh một gia đình hạnh phúc luôn mang đến sự ngưỡng mộ bởi đây vẫn được coi là hiếm hoi trong mọi thời đại đặc biệt là với các "cặp đôi vàng" thành đạt, với tổng thống-phu nhân thì còn khó hơn.
Tuy nhiên, để tạo thành một cơn lốc hình ảnh phủ khắp thế giới như vợ chồng Tổng thống Obama thì kể cả các đời tổng thống khác của Mỹ hay nhiều chính trị gia trên thế giới không phải ai cũng làm được, làm tốt điều này dù thực tế nhiều gia đình chính khách họ cũng hạnh phúc nhưng truyền tải, tạo hiệu ứng, lan tỏa lại là câu chuyện khác.
Gia đình là rường cột của xã hội, nếu gia đình bạn hạnh phúc thực sự và chúng ta chia sẻ được thì rất nên.
Riêng với các chính trị gia, hình ảnh hạnh phúc ngoài tác động về cảm xúc còn giúp họ chinh phục được những lá phiếu tín nhiệm. Ở Việt Nam, dường như chủ yếu là các nghệ sĩ showbiz đang quan tâm tới chiến lược này".
Nhà văn Di Li
Trước "hội chứng phát cuồng" vì hình ảnh hạnh phúc của gia đình Tổng thống Mỹ Obama, tác giả "Trại hoa đỏ" nhận định, con người, đặc biệt là phụ nữ rất dễ bị chi phối bởi cảm xúc.
Chỉ một hình ảnh khiến họ xúc động, ngưỡng mộ là đôi khi chẳng ngần ngại hình tượng hóa một cách sa đà, mù quáng dẫn đến việc không ngừng so sánh, chê bai, chán nản, ức chế...
Là nhà văn đồng thời là giảng viên ngành PR trong trường đại học, nhà văn Di Li tâm sự, cô từng chứng kiến không ít cảnh học trò cũ, đồng nghiệp, bạn bè mình đùng một cái đệ đơn ly hôn, đường ai nấy đi trong khi vừa mới tháng trước, tuần trước còn post ảnh "Nắm tay anh thật chặt, giữ tay anh thật lâu".
Sau khi chấm dứt, các chàng/nàng còn phải khốn khổ xóa hết hình ảnh thời hoàng kim ấy đi. Thậm chí, xóa đi rồi, có facebook bỗng thấy trắng trơn, họ mới té ra ngoài ảnh "“nắm tay" mình chẳng còn gì khác.
"Ở phương diện một người phụ nữ, tôi thấy thời đại ngày nay để giữ hạnh phúc gia đình là điều rất khó.
Các cuộc hôn nhân thường bị mài mòn bởi quy luật thời gian, cảm xúc; chi phối bởi công việc, áp lực, thú vui, cám dỗ... và vô số thứ mà đến một khoảnh khắc nào đó có người bỗng coi trọng hơn cả gia đình.
Gần gũi, mới mẻ nhất là cuộc chi phối của truyền thông.
Khi chúng ta không lo vun đắp gia đình mà chỉ nhăm nhăm nhòm sang facebook nhà "hàng xóm" xem họ đi đâu, ăn chơi, thể hiện tình cảm thế nào... thì sớm muộn cũng đều dẫn đến hệ lụy tiêu cực", nhà văn Di Li tâm sự.